“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (Hồ Chí Minh). Tuổi trẻ luôn tràn đầy sinh lực, trí tuệ, sức sống và khát vọng mơ ước với những hoài bão lớn. Tuổi trẻ luôn muốn vượt qua mọi trở ngại để đi tới những chân trời mới, khát vọng mới. Học tập và làm theo lời Bác, tuổi trẻ Quảng Nam trên khắp mọi vùng miền đã nhận thức sâu sắc những lời căn dặn của Bác, tự rèn luyện mình để tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động, suy nghĩ.
UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết đề án Tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011 - 2016. |
Trưởng thành từ Đoàn
Việc quan tâm, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đoàn của huyện Hiệp Đức đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đây chính là nơi tạo nguồn cán bộ trẻ đảm bảo tính kế cận, phục vụ cho việc điều động, bổ nhiệm các chức danh quản lý, lãnh đạo trong bộ máy của huyện. Trường hợp của anh Huỳnh Hữu Cường (36 tuổi) - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hiệp Đức là một ví dụ. Sự trưởng thành của anh hôm nay có dấu ấn của những năm tháng tôi luyện trong môi trường thanh niên. Xuất phát điểm là Bí thư Đoàn xã Bình Sơn, anh Cường sớm trưởng thành khi được tín nhiệm giao trọng trách làm Phó Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã khi mới 28 tuổi. Năm 2009, anh Cường được huyện cử đi học cao cấp chính trị nhằm chuẩn bị dự nguồn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo huyện. Sau Đại hội Đảng bộ huyện Hiệp Đức nhiệm kỳ 2010 - 2015, anh Cường được bầu làm Bí thư Huyện đoàn. Và đến nay, anh được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ, giữ chức Trưởng ban Dân vận Huyện ủy. Anh Cường chia sẻ: “Môi trường hoạt động đoàn đã giúp tôi trưởng thành, học hỏi được nhiều điều, đặc biệt là những kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động phong trào…”.
Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, sự tôi luyện qua môi trường công tác đoàn, những cán bộ trẻ như anh Cường còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và đội ngũ cán bộ hưu trí. Sự quan tâm thể hiện ở việc theo dõi, thường xuyên nhắc nhở, kịp thời uốn nắn những biểu hiện sai trái, lệch lạc của cán bộ trẻ. Đặc biệt là sự mạnh dạn đặt niềm tin vào những người trẻ, sớm phân công, bổ nhiệm vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận. “Các thế hệ lãnh đạo huyện đều rất quan tâm, chú trọng đến công tác thanh niên ở cơ sở. Do đó, cán bộ làm công tác đoàn từ cấp xã đến huyện đều được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng và kịp thời điều động, bổ nhiệm những vị trí công tác chủ chốt” - anh Cường nói.
Chia sẻ về vị trí công tác mới, anh Cường cho biết, công tác dân vận của Đảng luôn là nhiệm vụ quan trọng, bao hàm nhiều vấn đề rộng, đặc biệt là trong công tác dân vận chính quyền, thực hiện có hiệu quả vai trò tham mưu cho Huyện ủy, phát huy những mô hình “Dân vận khéo”… “Bước đầu tiếp nhận công việc có đôi chút lúng túng, khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực tiễn công tác lâu năm, cùng sự linh động, sáng tạo trong cách xử lý công việc của một cán bộ trẻ, mình tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của các cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương” - Huỳnh Hữu Cường tâm sự .
A.ĐÔNG
Nói lên được tiếng nói của nhân dân
“Tôi cho rằng dù bạn là ai, làm gì, nhưng khi đã là cán bộ của dân cần phải nỗ lực hết sức, làm được nhiều việc cho dân, nói lên được tiếng nói của người dân, qua đó giúp cho cuộc sống người dân tốt hơn”. Đó là chia sẻ của chị Đặng Thị Ngọc Hà (trú tại khối phố 6, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ). Năm nay 31 tuổi, chị Hà là cán bộ nữ trẻ trên địa bàn TP.Tam Kỳ được bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy cấp phường, hiện giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Phước Hòa. Chị Hà là cán bộ trưởng thành từ lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011 - 2016 (Đề án 500). Tốt nghiệp ngành tài chính, ra trường chị đi làm ở một vài đơn vị tư nhân, đến năm 2010 trở về quê ra làm công tác tại địa phương, được giao làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường (hoạt động không chuyên trách). Đến năm 2012, chị Hà được cử tham gia Đề án 500. Sau một năm tham gia lớp đào tạo, chị hoàn thành chương trình và trở về địa phương tiếp tục công tác. Đến đầu năm 2014, tại Đại hội Mặt trận phường Phước Hòa nhiệm kỳ 2014 - 2019, chị được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường. Và tại Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2015 - 2020, chị được bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy phường khóa mới. Chị Hà cho biết: “Bản thân cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi là cán bộ nữ, trẻ được đứng trong hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt của phường. Điều đó còn thể hiện sự quan tâm, tin tưởng không chỉ ở cấp phường mà còn cả thành phố”.
Để có được sự tin tưởng đó, chị Hà đã phải nỗ lực hết mình trong thời gian công tác nhằm khẳng định bản thân. Được tham gia lớp đào tạo theo Đề án 500 là sự may mắn với chính bản thân, khi chị đã học hỏi và tích lũy được nhiều kiến thức quan trọng. Chị Hà chia sẻ: “Đề án 500 chủ yếu đào tạo cho học viên về những kỹ năng công tác, làm việc ở xã, phường, thị trấn. Học viên được tham gia thực tập, thực tế và được trải nghiệm thực tiễn công việc ở cơ sở. Nhờ đó, khi trở về công tác tại địa phương, học viên sẽ tiếp cận nhanh với từng vị trí công việc được phân công”. Chị cho biết thêm, bản thân có đôi chút lo lắng khi nghĩ rằng mình trẻ tuổi thì khó được nhiều người đón nhận, đặc biệt là những người lớn tuổi. Tuy nhiên, qua thời gian công tác, chị nhận ra rằng, mọi việc đều nằm ở chính mình. Khi được giao nhiệm vụ, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn phải chịu khó học hỏi người đi trước. Đồng thời phải xác định rõ nhiệm vụ của người cán bộ là phục vụ nhân dân, từ đó suy nghĩ cần làm gì, làm thế nào để giúp cho dân, giúp cho địa phương phát triển. Có như vậy thì mình mới không phụ lòng sự kỳ vọng của cấp trên giao phó”.
Chia sẻ về công tác Mặt trận, chị Hà cho biết làm mặt trận rất thú vị vì tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhiều phong trào, cuộc vận động lớn. Theo chị Hà, vai trò quan trọng nhất của Mặt trận là tập hợp nhân dân, làm cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, kịp thời phản ánh những ý kiến và giải đáp vướng mắc cho nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân. Ngọc Hà bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một xóm nghèo trên địa bàn thành phố nên tôi hiểu và cảm thông với những khó khăn, thiệt thòi của người dân nghèo. Do vậy, tôi cho rằng dù bạn là ai, làm gì nhưng khi đã là cán bộ của dân cần phải nỗ lực hết sức, làm được nhiều việc cho dân, nói lên được tiếng nói của người dân, qua đó giúp cho cuộc sống người dân tốt hơn”.
VINH ANH
Bí thư Đảng ủy xã tuổi 30
BÍ thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phước Gia (Hiệp Đức) - Võ Ngọc Phương có thể nói là một trong những “hiện tượng” nổi bật về công tác cán bộ của huyện Hiệp Đức. Là cán bộ trẻ, năng động, nhiệt tình, đặc biệt đã trải qua kinh nghiệm hơn 7 năm công tác ở cơ sở nên anh được cấp trên sớm đưa vào “tầm ngắm” cho công tác nhân sự ở xã Phước Gia nhiệm kỳ mới 2015 - 2020.
Anh Võ Ngọc Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phước Gia, Hiệp Đức (thứ 3, từ phải qua) tham gia lễ mừng lúa mới cùng với người dân. Ảnh: VINH ANH |
Quê ở xã Quế Thọ (Hiệp Đức), cách Phước Gia hàng chục cây số, nhưng đều đặn hơn 7 năm nay, anh Phương vẫn “cơm đùm gạo nắm”, kiên trì bám cơ sở, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ cán bộ hợp đồng (năm 2008), qua năm 2009 anh thi đậu công chức và được phân công làm công tác Tư pháp - Hộ tịch. Đến năm 2014, anh được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND xã và sau Đại hội Đảng bộ xã Phước Gia nhiệm kỳ 2015 - 2020, Võ Ngọc Phương được Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy; được HĐND xã tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐND xã. Trẻ tuổi, nhận nhiệm vụ lớn khiến Võ Ngọc Phương có những lo lắng nhất định. Anh tâm sự: “Khi được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, bản thân thấy khá bất ngờ vì còn trẻ mà được tập thể tín nhiệm cao như vậy. Đặc biệt đây lại là công tác đảng, mình chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng đến nay, sau thời gian công tác ở vị trí mới, mình đã dần làm quen và tự tin để hoàn thành tốt trọng trách mà đảng bộ và nhân dân giao phó”. Không chỉ được tổ chức tín nhiệm, Võ Ngọc Phương là một cán bộ lãnh đạo được đảng viên và nhân dân ủng hộ. Tính tình vui vẻ, hòa đồng, lối sống giản dị, gần dân mà Võ Ngọc Phương đã thể hiện trong suốt 7 năm “cùng ăn, cùng ở” với dân đã đủ để anh chiếm trọn lòng tin của nhân dân. Dù là người Kinh, nhưng do ở lâu với đồng bào nên Bí thư Phương cho rằng anh đã bị “đồng hóa”. Ngoài hiểu rõ phong tục, tập quán của người dân, Võ Ngọc Phương còn nói khá sõi tiếng đồng bào bản địa. Anh chia sẻ: “Sống khá lâu ở mảnh đất này nên mình xem đây như quê hương thứ hai. Sự chân tình, thật thà, giản dị của bà con vùng cao giống như sợi dây tinh thần gắn kết mình với vùng đất này. Do đó, mình luôn mong muốn cống hiến và làm được nhiều điều cho người dân nơi đây”.
Phước Gia là xã khó khăn, cách trở của huyện Hiệp Đức. Nơi đây có hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn hơn 66%. Nhiều năm qua, bài toán giảm nghèo luôn là điều trăn trở lớn nhất với các thế hệ cán bộ lãnh đạo địa phương. Nhiệm vụ hàng đầu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra là giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân. “Được tín nhiệm bầu vào vị trí này, tôi tự nhận thấy trách nhiệm đặt ra cho bản thân là hết sức lớn. Tuy nhiên đó cũng là vinh dự, là cơ hội để tôi có được tiếng nói, được thể hiện sức mình góp phần xây dựng Phước Gia ngày một phát triển” - Võ Ngọc Phương chia sẻ.
ANH ĐÔNG