Dịp nghỉ lễ vừa rồi, Tư Ruộng ghé thăm gia đình anh Ba Quý Phước (xã Bình Quý, Thăng Bình). Nghe tôi hỏi đến chuyện sản xuất nông nghiệp, người đàn ông 50 tuổi ấy khoe rằng, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía trong khâu chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên vụ đông xuân 2014-2015 này việc canh tác của anh mang lại hiệu quả cao.
Vợ chồng anh Ba Quý Phước có 5 sào ruộng lúa. Hàng chục năm qua, mặc dù nước tưới luôn chủ động nhưng do đất nghèo dinh dưỡng và các loại sâu bệnh cứ thay phiên gây hại nên vụ nào năng suất lúa cũng thấp khiến cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, đầu vụ đông xuân năm nay Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư Quảng Nam phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình và chính quyền xã Bình Quý tích cực vận động người dân ở quê anh Ba Quý Phước chuyển sang trồng giống đậu phụng mới L23 trên những chân đất lúa. Để mô hình thí điểm này mang lại thành công, ngoài việc tập trung chuyển giao gói kỹ thuật canh tác tiên tiến thì các cơ quan có trách nhiệm còn trích khoản kinh phí không nhỏ từ kênh vốn khuyến nông mua hạt giống có chất lượng cao về hỗ trợ nhà nông nơi đây gieo trồng khảo nghiệm.
Nhìn mười mấy bao đậu phụng khô vừa phơi xong chất trước hiên nhà, anh Ba Quý Phước hồ hởi: “Bên cạnh nguồn giống đảm bảo chất lượng, nước tưới dồi dào thì cũng nhờ các cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn quy trình sản xuất mới nên từ đầu đến cuối vụ tất cả 5 sào đậu của tui đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, một số sâu bệnh nguy hiểm như héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ, gỉ sắt, đốm lá rất ít xuất hiện. Tui nhẩm tính, bình quân 1 sào đất thu về không dưới 185kg đậu phụng khô, nếu bán với giá 1kg là 22 nghìn đồng thì sẽ kiếm được ít nhất 4 triệu đồng. Trừ mọi chi phí đầu tư chắc chắn sẽ lãi ròng 2,2 triệu đồng, trong khi đó nếu trồng lúa thì mỗi sào chỉ lời chừng 350 nghìn đồng. Như vậy, với 5 sào đậu phụng chuyển từ đất lúa sang, đông xuân này vợ chồng tui thu thêm gần 10 triệu đồng tiền lời”.
Theo tìm hiểu của Tư tôi, ngoài xã Bình Quý thì vụ đông xuân 2014-2015 này Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư Quảng Nam còn phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương Phú Ninh, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Tam Kỳ hỗ trợ hàng trăm hộ dân khác canh tác trình diễn giống đậu phụng mới L23 và LDH01 trên hơn 55ha đất lúa chuyển đổi. Cách đây vài ngày, tại cuộc hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả của các mô hình sản xuất khảo nghiệm 2 giống đậu phụng mới vừa nêu, ông Võ Văn Nghi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư Quảng Nam nói: “Qua thống kê cho thấy, năng suất đậu bình quân của những mô hình trình diễn ở 6 địa phương trên đạt khoảng 29 - 33 tạ/ha, có vùng đạt 34 - 37tạ/ha. Theo tính toán của nhiều nông dân, trồng đậu phụng trên chân đất lúa có mức lãi ròng bình quân gần 34,5 triệu đồng/ha. Chênh lệch lãi ròng so với sản xuất lúa trên cùng chân đất trung bình là 18 triệu đồng/ha, tương đương 900 nghìn đồng/sào. Đây thực sự là một hướng mở nhằm giúp nhà nông nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thêm nguồn thu nhập và rất phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh”.
TƯ RUỘNG