Tình người, nếu có thì ở đâu chẳng có, mắc mớ chi phân biệt ở quê hay ở phố? Nhưng, hồi tôi còn ở quê, chưa ra phố sống, thường nghe nói, ở phố thì “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, hàng xóm không biết nhau, ít hỏi thăm nhau, lơ ngơ dễ bị lừa như chơi. Còn ở quê, tình làng nghĩa xóm sâu đậm lắm.
Ngoài hai mươi tuổi, tôi mang theo chút tâm trạng lo lắng này khi xa gia đình, đến sống và làm việc ở thành phố, lúc này hãy còn là thị xã bé nhỏ, nhưng dù sao cũng là phố, so với người “rặt quê” như tôi.
Thấm thoát, tôi sống ở phố hơn hai chục năm. Chưa được nửa đời người, nhưng đủ để cảm nhận được tình người nơi tôi sống. Rất đầy ắp, chan chứa, ấm nồng. Ở quê ốm đau có người thân chăm sóc; ở phố thiếu người thân thì có chòm xóm thăm hỏi. Những món ngon, có thức quà quê - cũng y như ngày nào ở quê, người phố nơi tôi sống lại cùng nhau chia sẻ. Bởi vậy, khi một nhà có trái mít chín nho nhỏ, là thơm khắp cả xóm. Những ngày này, khi con cái nghỉ hè, thiếu người trông coi, mấy người bạn tôi lại gửi sang hàng xóm, người quen để nhờ trông nom chăm sóc. Khi bận công việc không đưa đón con đi học được, cũng nhờ láng giềng hay bạn bè; không chỉ đón đưa mà nhiều khi còn “nhờ” cả bữa cơm, giấc ngủ.
Trong tuần này, một phụ nữ mua ve chai ở TP.Tam Kỳ bị cướp giật 3,8 triệu đồng (kẻ cướp sau đó đã bị bắt). Đối với một phụ nữ nghèo, 3,8 triệu đồng là số tiền lớn. Không đành lòng nhìn cô khóc trên phố, các bạn trẻ ở Tam Kỳ đã nhanh chóng đưa thông tin lên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng quyên góp hỗ trợ.
Mỗi khi đi chợ, thế nào cô bạn tôi cũng ghé góc chợ ở phố, mua giùm mấy bà già ngồi bán rau củ quả khép nép ở góc chợ một vài thứ gì đấy. Thực ra là cô muốn giúp các bà hơn là mua hàng, vì khoảnh sân nhỏ nhà cô, cũng có trồng rau, hàng tuần về quê, cô cũng chở những thức ấy về phố. Cô mua hoàn toàn không phải vì nhu cầu. Vậy thì có thể thay vì mua vài chục ngàn đồng, cô có thể biếu bà mà không lấy rau? Nhưng cô e rằng, có người vì tự ái sẽ không nhận tiền, vì bà đi bán rau, chớ đâu phải đi xin tiền. Vài chục ngàn với cô bạn tôi có thể không nhiều, nhưng cái cách giúp đỡ ấy, khéo léo và dễ thương.
Ở phố, không khó để thấy thùng nước miễn phí, quầy quần áo miễn phí “ai thừa thì cho, ai thiếu đến nhận”, gần đây có cả bữa cơm 3 nghìn đồng (nhưng giá trị thực 15 nghìn đồng) dành cho người lao động nghèo; không khó để thấy những bạn trẻ phát cơm, cháo từ thiện trước các bệnh viện ở phố. Gần đây siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cũng đặt thùng nước miễn phí, mỗi ngày phục vụ khoảng vài chục lít nước trà đá. Người đi đường trên phố hẳn thấy ấm lòng, mát dạ khi nhận được sự san sẻ vô điều kiện. Có thể, cơn khát nhanh chóng được xua tan, không chỉ nhờ nước miễn phí, mà nhờ cái tình, nhờ tấm lòng sẻ chia của người ở phố.