Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh Quảng Nam (Gọi tắt là trung tâm) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5.2013 và trở thành mái nhà chung cưu mang những mảnh đời bất hạnh.
Trung tâm trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Quảng Nam, hiện cưu mang 56 trường hợp, trong đó có 3 nạn nhân da cam, còn lại 53 hoàn cảnh bất hạnh, khuyết tật nặng, 24 em dưới 16 tuổi. Tất cả đều mang trong mình những bệnh lý như dị tật, thiểu năng, trầm cảm… do biến chứng của chất độc da cam. Tại đây, các em không những được nuôi dưỡng, chăm sóc, học chữ, học nghề, phục hồi chức năng, mà còn được tham gia các hoạt động vui chơi nhằm từng bước phục hồi các chức năng về vận động và trí tuệ. Tất cả hoạt động này đều hoàn toàn miễn phí.
Anh Quang hướng dẫn các nạn nhân tập thể dục phục hồi chức năng. Ảnh: H.B |
“Toàn tỉnh Quảng Nam, hiện còn hơn 35 nghìn nạn nhân da cam, trong đó số người từ chiến trường trở về và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc da cam có đến 14 nghìn người, dân thường có hơn 20 nghìn người. Nói về những con số thống kê để thấy rằng, những gì chúng ta cố gắng bù đắp xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân da cam vẫn là rất nhỏ”. (Ông Võ Văn Ái - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Nam) |
Ngày mới đến trung tâm, em Trần Thị Hà Tiên (8 tuổi) gần như chỉ giam mình trong bốn bức tường, gặp ai cũng sợ sệt chui xuống gầm bàn. Thế nhưng chỉ sau hơn 1 năm hòa nhập, em đã có thể đến lớp học, vui đùa, ca hát với các bạn. Còn anh Nguyễn Văn Quang, 33 tuổi (khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh) là một trong những trường hợp từng điều trị tại trung tâm, sau khi khỏi bệnh anh tự nguyện ở lại để chăm sóc, dạy dỗ cho các em. Anh Quang chia sẻ: “Bản thân mình trước kia là một người bi quan, mặc cảm với hoàn cảnh khuyết tật. Nhưng khi đến với trung tâm, được tiếp xúc với các em mới thấy rằng dù đôi chân mình không lành lặn nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều. Mình xem đây là ngôi nhà thứ hai, tình nguyện gắn bó với mong muốn được góp một phần nhỏ bé sẻ chia khó khăn với các em”.
Phía sau thành công của mô hình đầy nhân văn này là những nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, bảo mẫu ở trung tâm. Trung tâm hiện có 11 cán bộ, nhân viên với mức lương trung bình chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, trích từ nguồn kinh phí vận động từ thiện của trung tâm. Có những người còn rất trẻ như bạn Nguyễn Thị Luyện (SN 1990) làm việc tại trung tâm ngay từ ngày đầu mới thành lập. Luyện tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam năm 2013 nhưng đã chọn cho mình một hướng đi khác với các bạn trẻ hiện nay, đó là gắn bó với trẻ em nạn nhân da cam, bất hạnh dẫu biết trước sẽ có những khó khăn, thiệt thòi. Còn với ông Võ Văn Ái - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Nam 3 năm qua, vẫn kiêm nhiệm Giám đốc trung tâm, dù chức danh này không có lương. Ông Ái chia sẻ: “Những chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên trung tâm hiện vẫn còn rất hạn chế và hầu như mọi người gắn bó với các cháu vì tấm lòng thiện nguyện là chính. Nhưng vì thấy hoàn cảnh gia đình các nạn nhân còn quá khó khăn, trường hợp gia đình có đến 2 nạn nhân ở thế hệ cha mẹ và con cháu. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó, giúp đỡ các nạn nhân”. Có thể nói, sự quan tâm sẻ chia của cộng đồng và tấm lòng nhân ái của những cán bộ, bảo mẫu, trung tâm đã trở thành phương thuốc kỳ diệu mang lại sự tự tin, nụ cười và bù đắp phần nào những đau thương mà các nạn nhân phải gánh chịu.
HOÀNG BIN – QUANG SƠN