“Sinh nhật 10 tuổi của con gái năm nay không có ba bên cạnh. Ba thật sự xin lỗi con vì còn rất nhiều người bệnh ở đây chờ xe ba đến...” - Trần Việt Hòa, thành viên đội xe tình nguyện tham gia chở F0 tại TP.Hồ Chí Minh viết.
Trần Việt Hòa là một trong các tài xế ở Quảng Nam thuộc Đội xe cứu thương Futa Busline do Công ty Dịch vụ vận tải Phương Trang hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh trong đợt cao điểm của dịch bệnh. Đã hơn nửa tháng anh cùng đồng đội “cắm chốt” tại các khu vực trọng điểm về dịch bệnh ở TP.Hồ Chí Minh.
Phải qua nhiều kênh chúng tôi mới liên lạc được Trần Việt Hòa. Anh nói gần 3 tuần rồi, hầu như ngày nào xe anh cũng lăn bánh trên đường từ sớm đến khuya với công việc di chuyển F0, F1 ở các “điểm nóng” đến bệnh viện, khu cách ly. Có hôm trở về khu vực được phân công cho lái xe đã 2 - 3 giờ sáng, tranh thủ ăn gói mì tôm, chợp mắt một lúc để sáng sớm tiếp tục lên đường.
“Ngày công ty hỏi có ai tình nguyện vào đội xe chở bệnh nhân Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh, mình không đắn đo đăng ký liền. Về vợ con lo lắng đủ thứ thì mình mới nói, ai cũng sợ hết rồi bà con trong đó tính sao, rồi bao giờ đất nước mới hết dịch. Mình cũng nói với vợ con là sẽ cố gắng cẩn thận hết mức...” - Hòa kể.
Khoảng chừng cuối tháng 6, TP.Hồ Chí Minh bùng phát dịch bệnh. Cánh lái xe đường dài cũng bắt đầu những chuỗi ngày tìm kiếm việc làm. Hòa và nhiều anh em lái xe khác của Công ty Dịch vụ vận tải Phương Trang được tham gia một cuộc họp trực tuyến với quyết định của công ty sẽ hỗ trợ xe và người tham gia cùng TP.Hồ Chí Minh chống dịch. Ngay khi đặt chân đến TP. Hồ Chí Minh, chiếc xe Futa Bus của Hòa đã được lắp hai bình ô xy y tế ở ghế cuối.
Anh bước vào một trải nghiệm mới, khác biệt hoàn toàn với những ngày chạy xe đường dài hay cảm giác của năm ngoái lúc dịch bệnh bùng phát tại Quảng Nam. Hòa nói, anh từng ngày chứng kiến dịch bệnh lấy đi cả sức khỏe và tính mạng của rất nhiều người khác.
“Vào đây ở và trực chiến trong những ngày này mới thấy hết được mức độ căng thẳng của dịch bệnh. Ngày mình chở từ 20 - 30 người, đều là F0 ở khu phong tỏa hoặc khu cách ly vào bệnh viện dã chiến. Có nhiều F0 là mấy em bé nhỏ xíu, thấy thương lắm! Rồi cũng nhiều gia đình phải vào bệnh viện vì Covid-19, nhiều lắm. Để nhớ lại hết các hoàn cảnh trong vòng hơn nửa tháng ở đây thì không biết bao nhiêu mà kể” - Hòa nói.
Dù hoàn toàn không thông thuộc đường sá Sài Gòn, nhưng chàng trai trẻ của xứ Quảng bằng nhiệt huyết của mình không nề hà đêm ngày với những chuyến xe chuyên chở F0.
Đội của Hòa có 10 lái xe tình nguyện từ Quảng Nam, Đà Nẵng vào tiếp sức tại TP.Hồ Chí Minh. Công việc của các anh là chở các F0 đến bệnh viện điều trị, F1 đến các khu cách ly y tế tập trung. Sau mỗi lần đưa, đón các F, toàn bộ xe, quần áo bảo hộ y tế của lái xe phải khử khuẩn. Nhiều khi công việc nhiều, đưa xong nhóm này phải tiếp tục đi đón nhóm khác nên Hòa nói thường phải ngửi mùi dung dịch và cảm giác rất bức bí.
Nhiều đêm, anh và nhân viên y tế vô cùng vất vả mới tìm được đến nhà F0, F1 vì nhiều công nhân ở trong ngõ hẻm. Có những trường hợp gọi điện thoại liên lạc nhưng không có tín hiệu hoặc không nghe máy nên mất nhiều thời gian. Cùng với việc đưa đón các F, những hoạt động khác như chở y, bác sĩ đi làm nhiệm vụ, vận chuyển vật tư y tế vẫn phải bảo đảm liên tục, kịp thời.
Bắt đầu ngày thứ 15, nơi sinh hoạt của đội của 5 y bác sĩ xét nghiệm dương tính. Hòa kể bây giờ anh được điều động qua chi viện trực tiếp tại Bệnh viện dã chiến số 1 Thủ Đức.
“Họ sắp xếp cho mình sinh hoạt tại đây luôn để có gì chạy cho tiện. Bây giờ mình cũng chưa biết khi nào về lại quê nhà. Chỉ mong tất cả mọi chuyện sẽ bình an!...” - Hòa bỏ lửng câu nói. Ở nơi tình nguyện mới này, Hòa được sắp xếp ở cùng y bác sĩ. Anh bảo, bất kể giờ nào, khi có tiếng chuông, cả tài xế và các bác sĩ vội vã mặc đồ bảo hộ rồi lao đến ngõ hẻm có F0 trở nặng. Trên xe không gắn còi hụ nên hành trình cấp cứu của họ diễn ra lặng lẽ.
Ở Tam Kỳ, có một gia đình nhỏ vẫn hằng ngày dõi theo tin tức dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh. Vì ở đó, có người thân của họ là tài xế tình nguyện chở F0 ngày đêm...