Hội Đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hà Nội có cụ Phạm Quang Giáng, sinh năm 1904 tại làng Tiên Đỏa (Thăng Bình). Ba mươi năm qua, năm nào Ban Liên lạc đồng hương tỉnh và huyện Thăng Bình cũng đến nhà chúc thọ cụ; các buổi họp mặt toàn thể đồng hương mừng xuân, mừng Đảng, cụ thường được mời ngồi hàng ghế đầu. Sức khỏe và tuổi của cụ là niềm vui chung của gần 1.000 thành viên đồng hương tại Hà Nội. Riêng tôi rất tự hào và sung sướng có một cụ đồng hương cùng quê làng Tiên Đỏa thân yêu bên dòng Trường Giang thơ mộng được cả đồng hương tôn vinh như vậy.
Cụ Phạm Quang Giáng chụp hình lưu niệm cùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải tại cuộc gặp mặt đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội Xuân Quý Tỵ 2013. |
Hồi còn học tiểu học ở Duy Xuyên, mỗi lần về quê, tôi thường nghe các cụ các bác nói về ông đội Giáng với cái tên thân quen: “Cậu Tư Tiên Đỏa”. Vì ngày ấy ông là lính khố đỏ lên đến chức đội, đóng ở Cửa Đại Hội An, sau đó lên Kon Tum rồi rút về Hội An đánh nhau với Nhật, khi Pháp thua ông đội Giáng làm ở sân bay Thanh Quýt của Nhật. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tôi được biết ông đội Giáng đã tham gia Việt Minh từ tháng 4. Trước đó, ngày ở Kon Tum ông đã tham gia giải thoát 2 tù chính trị từ ngục Kon Tum là đồng chí Lê Văn Hiến và ông Lê Tấn Kinh (giáo Điển). Khi làm ở sân bay Thanh Quýt, có tên Chà Và là lính trông coi xâu đánh đập dã man người làm thuê, ông đã đánh tên này chết rồi bỏ trốn về Quế Sơn tham gia hoạt động trong cơ sở Việt Minh, dạy võ và cách sử dụng súng cho thanh niên, nông dân. Những đêm tối trời, ông cùng một số thanh niên xuống sân bay Thanh Quýt bắt cóc lính, lấy súng, đốt kho của Nhật. Tháng 4.1945 ông tham gia cơ sở Việt Minh ở Hà Lam (Thăng Bình), đi treo khẩu hiệu, rải truyền đơn, kêu gọi đánh Pháp, đuổi Nhật, ủng hộ Việt Minh giải phóng quê hương. Ngày 17.8.1945, ông về Hội An tham gia đoàn của Ủy ban bạo động Quảng Nam, cướp chính quyền ở Hội An, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ.
Năm 1960, sinh hoạt đồng hương huyện Thăng Bình, tôi gặp lại cụ Giáng biết thêm là sau Cách mạng Tháng Tám cụ đã từng là lính Trung đoàn 93 mà ông Võ Toàn là Trung đoàn trưởng, ông Huỳnh Đắc Hưng làm chính trị viên, đã từng là Tiểu đội trưởng ở Đại đội 6, Tiểu đoàn Phan Châu Trinh; là Đội trưởng Đội vũ trang của tiểu đoàn hoạt động ở Đắc Lây, xây dựng chính quyền các xã cho đến khi thành lập được huyện mới rút về liên khu xây dựng lực lượng đặc công. Tôi hỏi cụ vì sao từ lính Tây, lính Nhật cụ đã chuyển hóa thành lính Cụ Hồ, cụ vui vẻ giải thích một cách đơn giản: “Chỉ vì ghét bọn chúng ức hiếp, đánh đập dân mình và nhờ có ông lý trưởng Nguyễn Sĩ Cát là cơ sở của Việt Minh ở Quế Sơn giác ngộ, tôi muốn đem tài võ của mình giúp nước”.
Cụ không chỉ có tài võ mà còn là người có sức khỏe phi thường. Sau 14 năm làm phó quản đốc phân xưởng ở nhà máy bia, cụ nghỉ hưu ở tuổi 70 trở thành người đạp xích lô nổi tiếng ở Hà Nội. Hàng Đào, Hàng Ngang nhiều người còn nhớ cụ Giáng xích lô đặc biệt là qua câu chuyện cụ dạy cho một đại gia ỷ mình nhiều tiền coi thường dân lao động một bài học về cách xử thế. Câu chuyện được đăng trên báo Hà Nội Mới: Thấy cụ già trên 70, quần nâu áo vải đạp xích lô, đại gia đó gọi và bảo chở đi một đoạn ngắn, hỏi tiền bao nhiêu, cụ bảo 20 đồng, hắn bảo cụ đạp nhanh và sẽ trả cho 100 đồng. Khi đến nơi hắn rút ví trả cụ 20 đồng. Cụ nắm tay hắn bảo: “Sao ông nói với tôi là đạp nhanh sẽ trả 100 đồng?”. Hắn trả lời: “Đùa thôi”. Cụ nắm chặt tay hắn ra lệnh: “Có trả đúng như đã nói không? Đừng có khinh người già và người lao động”. Sợ quá vì cụ nắm rất chặt và bóp rất đau, hắn phải trả đủ cho cụ 100 đồng. Nhiều năm họp đồng hương huyện và tỉnh, cụ đi xích lô đến dự, có chở thêm một vài bạn đồng hương cùng đến. Cụ đạp xích lô liên tục cho đến năm 2010 sức yếu, vợ con không cho đạp nữa mới nghỉ.
Gần 100 hộ đồng hương Thăng Bình ở Hà Nội ai cũng biết cụ Giáng là người cao tuổi nhất và qua câu chuyện trên càng yêu quý “Cụ Giáng xích lô”, càng phục cụ về đường vợ con. Trong quê cụ đã có vợ, sau giải phóng miền Nam được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (có 4 con là liệt sĩ). Bà vợ thứ hai bị mất liên lạc, nay không biết ở đâu. Bà vợ hiện nay ở với cụ có 5 người con, trong đó có người con trai đang tiếp tục công việc của cụ ở Nhà máy bia Hà Nội.
Xuân 2000, tôi cùng đồng chí Hoàng Minh Thắng - Trưởng ban liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội đến thăm và chúc mừng cụ bước sang tuổi 95, chúng tôi không báo trước, cụ không có nhà. Thì ra cụ vẫn hăng hái tham gia công tác địa phương, đang đi họp ở khu dân cư. Về gặp chúng tôi cụ xúc động bắt tay thật chặt. Đây là lần thứ hai tôi “bị” cụ tặng cái bắt tay bóp thật chặt, đau quá phải rút tay lại. Lần đầu, trước đó hai năm, hôm cụ đi nghỉ ở Sầm Sơn mua về tặng gia đình tôi 2kg ngao đặc sản, tôi cũng đã được cụ tặng một cái bắt tay bóp chặt đau điếng người. Sức khỏe phi thường và tình quê sâu đậm đã được thể hiện trong những cái bắt tay nhớ đời là như vậy.
Tháng 8 vừa qua cụ qua đời ở tuổi 110 do một cơn đau tim đột ngột, xe cấp cứu vào được đến bệnh viện thì mất. Lễ tang cụ được tổ chức rất trọng thể, có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện UBND tỉnh, UBND huyện và nhiều đồng chí trong Ban Liên lạc đồng hương tỉnh và huyện Thăng Bình đến phúng viếng. Đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội đã mất đi một thành viên cao tuổi nhất. Bài viết này của tôi về cụ để in vào sách “Người Quảng ở thủ đô”, xin được coi như nén tâm hương tưởng nhớ cụ trong buổi họp mặt đồng hương xuân 2014 sắp đến.
TRẦN THÂN MỘC