Đến hẹn lại lên, cứ qua học kỳ I, không khí những lớp học ở vùng cao lại chùng xuống bởi tình trạng học sinh bỏ học. Dù đã có nhiều biện pháp khắc phục, tuy nhiên con số học sinh bỏ học vẫn chưa dừng lại.
Nhiều lớp học ở miền núi thưa thớt vì học sinh bỏ học. Ảnh: HOÀNG THỌ |
Những ngày này, các lớp học ở trường THPT Tây Giang dần thưa thớt. Toàn trường có 25 lớp từ khối 10 đến khối 12, tuy nhiên lớp nào cũng có học sinh bỏ học. Đáng kể, có những lớp con số này lên đến 15 em. Tính đến cuối tháng 3.2013, trường THPT Tây Giang đã có 98 học sinh bỏ học, gần 80% trong số này là học sinh lớp 10.
Đâu là nguyên nhân?
Theo phân tích của thầy Đinh Văn Tư, Hiệu trưởng trường THPT Tây Giang, học sinh nghỉ học do nhiều nguyên nhân khác nhau như hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghỉ học để lấy vợ lấy chồng… Tuy nhiên, số học sinh nghỉ học chủ yếu lại rơi vào lớp 10, do học lực yếu kém. Bước chuyển tiếp từ bậc THCS lên THPT thực sự không dễ dàng. Với lượng kiến thức mới, cách giảng dạy mới, cách học tập mới, nhiều học sinh cảm thấy rất khó khăn trong việc tiếp cận. Đây là nguyên nhân chính khiến các em chán nản, dẫn đến tình trạng bỏ học. Tuy nhiên, song song với nguyên nhân từ bản thân học sinh, có lẽ không thể không kể đến tình trạng “ngồi nhầm lớp” vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết trong ngành giáo dục nói chung và giáo dục miền núi nói riêng. Thực tế cho thấy rất nhiều học sinh lớp 10 vùng cao hiện nay chưa thông thạo những phép cộng trừ nhân chia cơ bản.
Để giải quyết tình trạng này, Ban giám hiệu trường THPT Tây Giang đã nhiều lần làm việc với phụ huynh học sinh để phối hợp khuyến khích, động viên các em, đồng thời mở thêm các lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém. Tuy nhiên, với những khó khăn của một trường miền núi, việc động viên vẫn chưa thể tiến hành rộng rãi, chưa đem lại hiệu quả cao. Học sinh không ý thức được sự cần thiết của việc học, gia đình không động viên con em đến lớp, vậy nên tình trạng học sinh nghỉ học vẫn ngày một tăng. Bling Thị Nía (thôn Zrượt, xã A Tiêng, Tây Giang) học đến hết lớp 10 thì nghỉ học. Em vô tư cho biết: “Em bỏ học vì học không vô. Năm đó em phải thi lại 4 môn, lúc đang đi tới trường thì xe hỏng, thế là về nhà luôn. Bây giờ em ở nhà làm rẫy cùng bố mẹ. Đôi lúc cũng thích đi học lại, nhưng nhác lắm!”. Khi hỏi đến việc học của con mình, bố của Bling Thị Nía chỉ cười: “Nó thích thì đi học, không thích thì cho nghỉ đi làm rẫy, có sao đâu”.
Giải pháp: Vận động
Bên cạnh những giải pháp của nhà trường, sự giúp đỡ, quan tâm từ phía gia đình, địa phương là hết sức cần thiết nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học ở miền núi. Tại xã Lăng, A Nông (Tây Giang), công tác quan tâm giáo dục được đặt lên hàng đầu. Cứ một đến hai tháng, lãnh đạo địa phương lại kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã đến gặp ban giám hiệu nhà trường trao đổi về việc học của học sinh, đồng thời đến gia đình động viên từng em. Với sự quan tâm như vậy, trong năm nay, số lượng học sinh nghỉ học tại hai xã Lăng và A Nông chỉ có 10 em. Bling Thị Bình (học sinh lớp 11C8, trường THPT Tây Giang) tâm sự: “Em học không giỏi, nhưng mỗi lần được sự động viên của xã, của gia đình, em lại cố gắng học tập hơn. Em mong sau này có thể thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, có kiến thức mới giúp gia đình được vì cuộc sống làm nương rẫy vất vả lắm!”. Không chỉ Bling Thị Bình mà còn rất nhiều học sinh khác vẫn luôn cố gắng học tập, chờ mong một ngày mai tươi sáng hơn.
HOÀNG YÊN - HÀN PHONG