Tình yêu là ẩn số kỳ lạ. Người ta có thể mất một giây để yêu một người, nhưng cũng có thể mất cả đời chỉ để quên một người. Dù hạnh phúc hay khổ đau, tình yêu vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống chúng ta như một lẽ tự nhiên…
Đôi lứa hẹn hò...Ảnh: H.N.T |
Tình yêu thời “ông bà anh”
Thú thật, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần bài hát “Ông bà anh” của ca sĩ Lê Thiện Hiếu từ ngày nó mới vừa xuất hiện ở chương trình Sing my song cho đến bây giờ. Tôi thấm thía từng chữ trong lời bài hát giản dị và chân thành ấy, thần tượng hóa tình yêu lãng mạn của ông bà ta ngày xưa. Người Việt “hay” ở chỗ, dù là tình yêu hay bất cứ tình cảm gì, cứ hễ nhắc nhớ về quá khứ thì dễ khiến người khác mủi lòng và đồng cảm. Thời bao cấp khốn khó, cả gia tài của ông bà có khi chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch đã phai màu sơn, ăn còn chưa đủ no, mặc còn chưa đủ ấm, nhưng tình yêu ông bà rất đằm thắm. Thuở ấy, tình yêu thường có một “khuôn khổ” nhất định theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, hoặc “trâu đi tìm cọc” chứ ít khi có chuyện “cọc đi tìm trâu” tức là con gái không bao giờ bày tỏ tình cảm trước với con trai. Quần áo hẹn hò cũng chỉ là bộ bà ba, đồ bộ dài kín đáo chứ không có chuyện mặc váy hay bận quần đùi hở hang như bây giờ. Thậm chí, những món quà trao tay cũng tối giản hết sức, chỉ là khăn len, khăn thêu, thiệp giấy tự làm. Có lẽ, chỉ cần được trò chuyện cùng người mình thích, cùng tản bộ trên con phố xưa cũ hay bờ đê đầu làng, uống với nhau ly trà và thủ thỉ những lời yêu đương ngô nghê cũng đủ khiến tình yêu… hóa nhiệm màu.
Thời đại nào cũng vậy, tình yêu luôn là thứ tình cảm thiêng liêng gắn kết hai người xa lạ lại với nhau, gần gũi nhau để rồi đi đến một cái kết hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng đâu đó, vẫn có những mất mát trong tình yêu là điều không thể tránh khỏi. Nếu ai đã từng đọc câu chuyện của cụ Nguyễn Thị Xuân ở Hà Nội chắc hẳn sẽ đôi lần thấy tim mình khắc khoải, ám ảnh như chính mình là người trong cuộc. Cuộc tình không trọn vẹn, lời hứa bên nhau trọn đời của một người đổi lấy hơn 50 năm đợi chờ và mong nhớ của một người con gái. Họ đã bên nhau đi qua nạn đói khủng khiếp năm 1945 và chứng kiến ngày miền Bắc giành lại hòa bình. Nhưng, thời cuộc cũng chi phối đến tình cảm riêng tư, chia cắt đôi lứa khi tình cảm đang ở lúc mặn nồng nhất. Cụ Xuân chẳng một lời oán than, trách móc. Với cụ, tình yêu chẳng có đúng hay sai, đẹp hay không, chẳng qua do cách chúng ta nhìn nhận. Tôi không có ý so sánh nhưng rõ ràng, tình cảm thuở nghèo nàn, khổ sở thì con người ta đến và đi đều xuất phát từ sự thuần nhất, chân thành không vụ lợi, “một lòng một dạ”.
Chuyện tình ngày nay
Ngày nay, người trẻ coi tình yêu như một phần của cuộc sống để thêm thi vị và nhấn nhá chứ không hẳn là “tất cả” như ngày xưa! Tôi không đánh đồng nhưng gần như mọi mối quan hệ đều có sự tính toán. Yêu nhau đồng nghĩa với việc không được quên những ngày kỷ niệm hẹn hò, ngày lễ tình nhân… và tình cảm cũng được quy đổi theo giá trị từng món quà nhận được. Thời gian thay đổi, tình yêu vẫn thế nhưng tư duy mỗi thế hệ dường như khác biệt khá rõ rệt, thậm chí… lạ lùng! Tình yêu thời hiện đại đã là câu chuyện không riêng của hai người khi mà nhất cử nhất động của cặp đôi đều được công khai trên mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Zalo... Đấy là chưa kể khi hẹn hò, địa điểm quen thuộc 80% là quán cà phê, gọi nước xong, chụp ảnh check-in và mỗi người một góc… bấm điện thoại như một thói quen. Ngày xưa người ta đong đếm tình cảm bằng những cuộc hội thoại và số lần gặp gỡ, còn ngày nay là số like ảo trên mạng hờ hững và hời hợt hơn bao giờ hết. Ngay cả khi chia tay, nhiều người còn thiếu tôn trọng đối phương đến nỗi chỉ “thông báo” qua vài tin nhắn rồi… “lặn mất tăm” như chưa từng xuất hiện trong cuộc đời nhau. Đấy là chưa kể có trường hợp khi chia tay còn “đòi quà” như kiểu kết thúc một hợp đồng tình ái cũng nên thanh toán sòng phẳng các khoản tình phí!
Có một cô bạn đùa vui với tôi rằng: “Tuổi thọ trung bình của một mối tình thường rơi vào khoảng 1 - 2 năm như đồ thị hình sin. Vượt qua cái ngưỡng cao nhất, rất dễ chia tay, nếu không kết hôn hay tìm cách hâm nóng tình cảm”. Ngẫm cũng có lý. Đến một lúc nào đó, thứ tình cảm ấy sẽ chuyển hóa thành tình thân, tình thương và khi đó, sợi dây liên kết hai người sẽ là hằng hà sa số những thứ khác. Quen qua loa, chóng vánh, phóng khoáng để che lấp nỗi cô đơn cũng là “giải pháp” rất dễ thấy trong nhiều cặp đôi. Điểm chung của những người này là họ coi tình yêu chỉ để khỏa lấp khoảng thời gian nhàn rỗi của bản thân. Đôi lúc tôi tự hỏi, nếu chỉ vì những lý do như vậy sao người ta không giữ mối quan hệ đó dừng lại ở mức độ bạn bè thân thiết thay vì hợp - tan để rồi có ngày, tình yêu cũng chẳng còn quá nhiều cảm xúc đáng để người ta trân trọng và ngưỡng mộ.
Tình yêu là xúc cảm đẹp đẽ nhất mà ai rồi cũng được trải qua và cảm nhận một lần trong đời như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói: “Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào”…
HẠNH NGUYÊN TRANG