Tổ mộc thanh niên vùng cao

ALĂNG NGƯỚC 10/07/2018 09:17

Không chỉ giúp công dựng nhà cho đồng bào địa phương, tổ mộc của nhóm thanh niên ở xã Dang (Tây Giang) còn tạo việc làm, góp thêm thu nhập ổn định cho thanh niên địa phương.

Tổ mộc của anh Alăng Bhrư được đầu tư trang thiết bị máy móc đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Tổ mộc của anh Alăng Bhrư được đầu tư trang thiết bị máy móc đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ổn định thu nhập

Đầu tháng 7, vùng cao nắng như đổ lửa, nhưng trên các mặt bằng dân cư mới của thôn Arui (xã Dang), tiếng máy cưa, máy xẻ, máy bào gỗ vẫn vang lên đều nhịp, bên những ngôi nhà đang sắp sửa hoàn thành. Một nhóm thợ trẻ người Cơ Tu tất bật với công việc cưa, lắp phên gỗ, trước khi bàn giao cho chủ nhà.

Anh Alăng Bhrư - nhóm trưởng tổ mộc thôn Ađâu (xã Dang) cho hay, hằng năm, cứ sau Tết Nguyên đán là thời điểm “vào mùa” làm các công trình nhà ở của người dân miền núi. Vì thế, hầu như ở thôn nào cũng xuất hiện các nhóm thợ nhận làm từ việc dựng nhà, đóng những bộ khung cửa, cho đến trang trí nội thất theo nhu cầu của khách hàng. Như tổ mộc của anh Bhrư, từ đầu năm đến nay đã nhận khoảng gần chục ngôi nhà, làm các sản phẩm gia dụng cần thiết cho người dân trong xã. Anh Bhrư vừa là người đóng vai trò nhận thầu và kết nối thành viên trong tổ, sau đó phân từng nhóm cụ thể để thực hiện công trình. Theo lời anh Bhrư, hầu hết thành viên trong tổ thợ (gần 10 người) chủ yếu làm các công đoạn đục đẽo, bào ván và lắp ráp khung nhà, còn các công đoạn khó hơn như làm khung cửa, trang trí nội thất đều do chính tay anh đảm nhận. Do vậy, anh trả công cho thợ cũng dao động 150 - 230 nghìn đồng/người/ngày. “Mỗi căn nhà có công dựng hoàn thiện khoảng 10 - 20 triệu đồng, tùy theo quy mô. Có tháng cao điểm mình nhận 2 - 3 nhà của người dân trong xã” - anh Bhrư cho biết thêm.

Nói về nghề mình đang theo, anh Bhrư kể, năm 2001 sau khi hoàn thành khóa học ngắn hạn về nghề mộc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đông Giang, anh đã bắt tay ngay vào việc nhận dựng nhà gỗ cho người dân trong làng. Lúc đó, do điều kiện khó khăn nên các khâu cưa, xẻ, bào gỗ người thợ chủ yếu làm thủ công nên khá vất vả và mất nhiều thời gian. Sau vài ngôi nhà đầu tiên, thấy anh làm đẹp lại nhiệt tình, người làng khi làm mới hay sửa sang nhà cửa đều gọi đến anh. Uy tín ngày càng tăng, khách hàng ngày càng nhiều, để đáp ứng nhu cầu, anh Bhrư đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị. “Trước kia tiền công cán không nhiều, chủ yếu làm giúp cho bà con trong thôn, trong xã. Có nhiều hộ khó khăn, làm xong mình không lấy tiền công; một số trường hợp mình cho nợ tiền công đến bây giờ vẫn còn; nhà có người biết làm nghề mộc thì mình sẵn sàng cho mượn máy móc về làm… Đây cũng là một cách mình chia sẻ với điều kiện khó khăn chung của bà con” - anh Bhrư tâm sự. Hiệu quả từ nghề mộc này, anh Bhrư trở thành gương điển hình của địa phương trong phát triển kinh tế gia đình, cũng như tạo việc làm ổn định cho thanh niên trong vùng. Nhiều năm liên tục hộ anh Alăng Bhrư được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, với thu nhập ổn định mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Nhân rộng mô hình

Anh Bríu Trị - Phó Bí thư Đoàn xã Dang cho biết, không chỉ tổ mộc của anh Alăng Bhrư, thời gian gần đây tại địa phương xuất hiện thêm nhiều tổ mộc thanh niên. Bên cạnh góp công hỗ trợ dựng nhà ở cho các hộ dân di dời về mặt bằng mới theo chủ trương của tỉnh và huyện, các tổ thợ mộc này cũng là mô hình hiệu quả trong khởi nghiệp, tạo việc làm giúp lao động thanh niên địa phương nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. “Từ hiệu quả của việc hình thành các tổ mộc, chúng tôi đã tạo điều kiện hỗ trợ các hộ thanh niên có nhu cầu trong việc đăng ký vay vốn tín dụng để thực hiện. Đồng thời khuyến khích nhân rộng mô hình ở nhiều khu vực dân cư trên địa bàn xã, nhằm đẩy mạnh tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho thanh niên địa phương” - anh Trị cho hay.

Ngoài khu vực xã Dang, tổ mộc của anh Bhrư hiện đã mở rộng “thị trường” sang địa bàn các xã ở Tây Giang và khu vực lân cận thuộc huyện Đông Giang. Năm 2017 tổ thợ của anh Bhrư còn được một hộ dân ở TP.Đà Nẵng “đặt hàng” dựng căn nhà gỗ cho gia đình ngay tại quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng). Bí thư Chi đoàn thôn Alua - anh Hôih Luôn cho biết, hầu hết thành viên các tổ mộc mới hình thành sau này là “học trò” của anh Bhrư. Bởi thế, với họ, anh Bhrư vừa là người thầy truyền đạt nghề, vừa là ân nhân trong việc hỗ trợ và tư vấn về công cụ máy móc hành nghề. Như vai trò trung gian, anh Bhrư đã kết nối và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các tổ mộc, cũng như giúp nhau trong công việc và cuộc sống cộng đồng.

Phó Bí thư Huyện đoàn Tây Giang - Coor Lúp chia sẻ, cùng với việc mở rộng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với vườn cây dược liệu, những năm gần đây, địa phương còn khuyến khích trong việc lập nghiệp bằng các mô hình nghề thanh niên. Trong đó, tổ mộc được xem là mô hình đem lại hiệu quả cho thanh niên miền núi, vừa góp phần tạo việc làm, vừa giúp nâng cao nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống lâu dài. Ngoài xã Dang, ở địa bàn huyện Tây Giang cũng đã xuất hiện nhiều tổ mộc thanh niên Cơ Tu cùng duy trì hoạt động theo mô hình khởi nghiệp. “Trước đây từng có nhiều thanh niên Cơ Tu ở các xã vùng cao Tây Giang làm nghề mộc và nhận dựng nhà cửa, bàn ghế, giường, tủ,… cho đồng bào địa phương mình. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên những nhóm này có quy mô hoạt động khá nhỏ lẻ và tự phát, khiến thu nhập chưa cao. Với hiệu quả từ mô hình tổ mộc ở xã Dang, hy vọng sẽ tạo được sức lan tỏa giúp ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình trong thanh niên, góp phần vào công tác giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi” - anh Lúp nói.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổ mộc thanh niên vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO