Chuyện người dân hiến đất hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới bây giờ không hiếm, nhưng cái cách một ông tổ trưởng tiên phong hiến 5.000m2 để sau đó lòng dân đồng thuận noi gương thực hiện sớm bàn giao mặt bằng mở đường như tại tổ 2 thôn 5, xã Tiên Sơn (Tiên Phước) thì không dễ thấy.
Cuối vụ mùa, những chiếc xe bò chất đầy rơm rạ lăn bánh trên con đường bê tông vừa đưa vào sử dụng. Ông Lê Văn Mai - Tổ trưởng tổ 2 (thôn 5, Tiên Sơn) cho biết, tuyến đường này cắt tỉnh lộ 614, có chiều dài 1,2km. Trước, đây là tuyến đường đất khá nhỏ hẹp, trở thành trở lực kìm hãm sự phát triển của vùng đất này. “Khi Nhà nước có chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn, người dân nhiệt tình hưởng ứng góp công, góp sức. Nhưng từ một con đường đất nhỏ hẹp, để có mặt bằng rộng 6,5m (bê tông 3,5m) đồng nghĩa với việc người dân phải “hy sinh” nhiều cây cối, đất đai. Và khi người dân còn tỏ vẻ dè dặt thì chính tôi là người đầu tiên chặt bỏ 60 cây cau, hiến nhiều đất vườn, đất sản xuất phục vụ cho việc thi công con đường trên” - ông Mai nói.
Con đường này chạy ngang qua nhà của 24 hộ dân. Vào mùa mưa nhầy nhụa bùn đất nên việc giao thương, đi lại vất vả. Kinh tế người dân phần lớn dựa vào lâm nghiệp nhưng đường sá trắc trở đã khiến việc vận chuyển nguyên liệu khó khăn, chi phí cao. Khi được Nhà nước quan tâm đầu tư để kiện toàn hạ tầng giao thông nông thôn, có 22 hộ bị ảnh hưởng đã tự nguyện chặt phá cây cối, hiến đất để giao mặt bằng chỉ trong vòng một tháng. “Làm đường mới ai mà chẳng mong muốn, nhưng để tất cả người dân đồng thuận vì lợi ích chung thì là một chuyện khác. Khi người dân còn có nhiều ý kiến khác nhau, tôi phải đi gõ cửa từng nhà rồi cùng cán bộ xã đi vận động, giải thích. Chỉ một thời gian ngắn, người dân chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu, bàn giao mặt bằng theo đúng kế hoạch” - ông Mai nói thêm.
Như nhiều gia đình làm nông khác, để chặt bỏ hàng chục cây cau đang độ ra trái cũng như mất hàng trăm mét đất ruộng, ông Nguyễn Văn Vàng (người dân địa phương) không khỏi tiếc nuối. Tuy nhiên, noi gương hành động của ông tổ trưởng cũng như xác định được sự cần thiết, tính chiến lược của tuyến đường này, ông Vàng cũng là một trong những người tiên phong trong phong trào. Ông tâm sự: “Muốn đổi thay cuộc sống của cụm dân cư này, nhất thiết phải nâng cấp con đường và thay đổi cách nghĩ có phần bảo thủ của người dân. Để hôm nay, thấy con đường được thông thoáng, thênh thang ai cũng vui mừng và hãnh diện với những việc đã làm”. Theo Tổ trưởng Lê Văn Mai, không chỉ tạo được sự đồng thuận trong chuyện hiến đất, người dân còn thay nhau giám sát công trình. Dù bận bịu với công việc đồng áng, chăm sóc rừng keo nhưng mỗi ngày có 5 người dân được cử giám sát đơn vị thi công.
Ông Cao Văn Lê - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn cho biết, tuyến đường trên được đầu tư từ nguồn vốn nâng cấp giao thông nông thôn của Nhà nước, ngoài ra người dân cũng đã đóng góp 10% kinh phí. “Trong số các khu dân cư bị ảnh hưởng khi mở rộng tuyến đường, người dân tổ 2 ở thôn 5 đi đầu trong phong trào hiến đất về diện tích, thời hạn bàn giao mặt bằng. Riêng cá nhân Tổ trưởng Lê Văn Mai là người hiến đất nhiều nhất ở địa phương với 5.000m2, được các cấp tỉnh, huyện khen tặng về hoạt động phong trào, làm theo gương Bác” - ông Lê cho hay.
VĂN HÀO