|
(QNO) - Trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam và Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 16 - 2018”, sáng nay 18.8 tại đình làng Cẩm Phô (Hội An) diễn ra cuộc tọa đàm về văn hóa, văn học Nhật Bản do nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu chủ trì.
Diễn giả Nhật Chiêu. Ảnh: T.D |
Theo diễn giả Nhật Chiêu, văn hóa hay văn học Nhật Bản đồ sộ không thể vài tiếng đồng hồ có thể diễn giải hết, nên chỉ một góc văn học Nhật Bản là thơ Haiku đã được đem ra tọa đàm.
Diễn giả đã đem đến cho những người dự khán một cái nhìn sơ lược về lịch sử hình thành từ thể loại thơ dân gian lên tầm nghệ thuật như hiện tại, cách cảm thụ lẫn phương pháp để làm một bài thơ Haiku đúng nghĩa.
Thơ Haiku dung hợp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người Nhật nói riêng và người phương Đông nói chung. Chính vì thế mà thơ Haiku mang hơi thở của Thiền tông, in đậm dấu ấn của thế giới u huyền, thoát tục; đồng thời chứa đựng trong mình bức tranh thiên nhiên rộng lớn với những âm thanh màu sắc đặc trưng cho bốn mùa, được thể hiện dưới một hình thức ngắn gọn, cô đọng.
Tọa đàm thu hút nhiều lứa tuổi, thành phần. Ảnh: T.D |
Thơ Haiku gắn liền với tên tuổi của Bashô, Kikaku, Chiyô, Buson, Chôra, lssa, Shiki... Haiku dùng để chỉ những bài thơ ngắn gồm 3 câu, 17 âm tiết đứng độc lập được bố trí theo thứ tự 5-7-5. Đó là bức tranh thiên nhiên không chỉ có trăng, sao, hoa, lá, cỏ, cây mà còn là tiếng chim gù trong ban trưa tĩnh mịch, tiếng dế mèn kêu trong đêm, tiếng chim gọi bầy và những áng mây xa, những cơn sóng, những cánh hoa anh đào...
Thơ Haiku là tiếng hát của 4 mùa. Sự luân chuyển của mùa thể hiện nhịp điệu của thế giới thiên nhiên, đời sống con người và đó là sự vận động của thời gian… Một bài thơ Haiku nôm na phải được diễn trên một sân chơi, có người chơi và ý nghĩa của cuộc chơi.
Tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với diễn giả Nhật Chiêu. Ảnh: T.D |
Ý nghĩa rộng hơn của cuộc tọa đàm không chỉ về thơ mà chính là văn hóa. Muốn hiểu một nền văn học, tính cách của một vùng đất, dân tộc thì yếu tố đầu tiên phải được nhận diện đó là văn hóa.
TRỊNH DŨNG