Đi, để trở thành người kể chuyện

PHƯƠNG GIANG 21/06/2022 06:49

Sự yên tĩnh không phải lúc nào cũng mang lại cảm giác thoải mái, ít nhất là với người làm báo. Thay vì chờ đợi, tôi chọn những chuyến đi, để được làm người kể chuyện, cho bạn đọc và cho chính tôi...

Ca nô đưa phóng viên vào tác nghiệp tại đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa.
Ca nô đưa phóng viên vào tác nghiệp tại đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa.

Tôi có nhiều chuyến đi không hẹn trước. Chỉ đơn giản, là mang ba lô lên và đi. Có thể là một góc núi nào đó, phía biên viễn Tây Giang, Nam Giang, có thể là một xã bãi ngang mùa biển lặng. Cũng có thể là một địa danh bất chợt trong hành trình.

Không có nhiều thời gian cho sự chuẩn bị và thực sự cũng không biết chuẩn bị gì, ngoài máy ảnh, máy tính và dăm ba bộ quần áo. May mắn, những chuyến đi chỉ để thỏa mãn nhu cầu xê dịch đó lại mang về nhiều câu chuyện khá lý thú, nhờ những kỹ năng bắt buộc: biết lắng nghe, biết quan sát và biết kể chuyện.

Nhặt chuyện nơi rừng núi

Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật, tôi ngược về xã Tr’Hy (Tây Giang). Gần như không có một gợi ý nào về đề tài, tôi tìm gặp già C’lâu Blao, vị già làng đáng kính ở vùng cao Khu 7. Ông nhận ra tôi, dù đã rất lâu rồi không gặp. May mắn, tôi lên đúng dịp già đang ngồi làm chiếc áo từ vỏ cây. Câu chuyện, dĩ nhiên rồi, xoay quanh chiếc áo kỳ thú của người Cơ Tu giữa rừng già.

Ông dắt tôi đi qua miền ký ức, ngược về những gian khó của người vùng cao, đi sâu vào thế giới riêng của đồng bào với bếp lửa, với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, với một đời sống của đồng bào giữa ban sơ rừng thẳm.

Những câu chuyện cứ thế tuôn chảy theo lời kể của già làng, không cần diễn tiến theo trình tự thời gian. Rất lạ. Như lửa, những câu chuyện cứ âm ỉ, ấm nóng, thi thoảng lại bùng lên bằng một chi tiết.

Rồi ông hát. “Ô... ô... ô... Azô achoọng...”. Đó là đoạn mở đầu, một dấu hiệu để người đối diện nhận biết rằng đang trong cuộc hát lý. Giọng vị già làng rung lên, những thanh âm như gió, như suối, nhẹ nhàng mà bền bỉ, tuôn chảy qua những khe núi, những vạt đồi. Người bạn đi cùng cẩn thận nghe từng lời hát, như đón nhận, rồi giảng nghĩa lại cho tôi nghe.

Tác giả bài viết trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa năm 2020.
Tác giả bài viết trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa năm 2020.

Chúng tôi như bị cuốn theo những câu hát của vị già làng, mê đắm như vị rượu tr’đin ngọt dịu trong tiết trời vùng cao se lạnh. Trở về, sau chuyến đi đầy cơ duyên ấy, tôi kể lại câu chuyện với già bên bếp lửa, kể về những tâm sự mà già đã nói, đã hát, kể về nỗi buồn thẳm sâu của một vị già làng cô đơn trong giấc mơ của chính mình về văn hóa, về cội nguồn.

Và, còn một món quà nữa, là cây đàn tâm b’re, với hình vẽ về một cây đa và một bông hoa bảy lá. Cây đa để nhớ về cội nguồn. Bông hoa bảy lá, là may mắn, tốt đẹp. Tôi đã đeo cây đàn ấy bên mình suốt hai trăm cây số, trở về nhà và tìm một chỗ trang trọng để cất giữ cây đàn của vị già làng. Cây đàn sẽ luôn gợi nhắc về già, về những câu chuyện…

Nhặt chuyện nơi đầu sóng

Có những chuyến đi mà chúng tôi may mắn được dự phần, khi điểm đến, không phải là nơi ai cũng có thể đặt chân đến một lần trong đời. Chuyến đi mà tôi muốn nhắc và luôn nhớ, là hành trình đến Trường Sa.

Tôi đã kể về chuyến đi, về những câu chuyện trong một loạt bài dài, nhưng câu chữ hình như sẽ không đủ để gánh hết những niềm nhớ, ký ức của hành trình có quá nhiều cảm xúc, khi nơi đến là Trường Sa.

Suốt hành trình, là muôn vàn kỷ niệm, là những sớm mai đón bình minh trên biển, hay ngắm vầng mặt trời đỏ ối từ từ chìm xuống dưới mặt biển tĩnh lặng. Hai mươi mốt ngày, đi qua nhiều điểm đảo, chúng tôi dành từng phút một để tác nghiệp. Cố gắng ghi lại từng khung hình, từng mảnh chuyện.

Một buổi chiều bần thần trên đảo chìm Tốc Tan, tôi nhìn thấy những chậu hoa giấy nở rực giữa sóng và gió. Hoa nở, mặc cho những khắc nghiệt của đất trời, như những khuôn mặt lính cháy màu nắng.

Cậu lính trẻ đồng hương ôm súng gác nơi công sự kể, nhà người yêu của cậu cũng có một cây hoa giấy. Quá lâu rồi không thư từ, cây hoa giấy như níu lấy niềm nhớ của cậu lính trẻ, nguôi đi những mong chờ…

Bữa nọ, ngồi thật khuya với một người lính già trên tàu, tôi nghe ông kể về nỗi buồn sâu thẳm. Nhập ngũ ở một đơn vị khác, ở đơn vị nhiều hơn ở nhà, người vợ trẻ, vì không thể chịu nổi những áp lực khi luôn vắng thiếu người đàn ông trụ cột, đã bỏ ông mà đi, mang theo đứa con máu mủ.

Thời gian sau đó, ông chuyển công tác ra đảo. Người lính già làm bạn với sóng và gió, với những người đồng đội. Ông có một gia đình, là đơn vị, nơi giúp ông nguôi những niềm riêng…

Không ai có thể đem nhân vật đến cho bạn, vì thế không gì khác hơn là vác ba lô lên và đi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi, để trở thành người kể chuyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO