Những ngày này, triển lãm tranh mỹ thuật mang chủ đề “Một Việt Nam thu nhỏ” của nữ họa sĩ Toba Mika đang diễn ra tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, thu hút sự quan tâm lớn của công chúng.
Bà Toba Mika chụp hình bên bức tranh về khung cảnh phố cổ Hội An (bức tranh duy nhất có hình bóng con người được bà vẽ tại Việt Nam).Ảnh: QUỐC TUẤN |
Nữ họa sĩ Nhật - Toba Mika đã trải nghiệm nhiều nơi và sáng tác hàng trăm bức tranh về đất nước Việt Nam. Nhưng chỉ có một nơi để bà tìm thấy hình bóng của mình trong “những đứa con tinh thần” đó chính là… Hội An.
Nguồn cảm hứng bất tận
Sẽ không cần phải nói nhiều về những đóng góp của Toba Mika trong mối bang giao Việt - Nhật khi mà bà từng được Chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nhật Bản tặng huân chương, bằng khen từ rất lâu rồi. Những tâm tình mà Toba Mika trong triển lãm “Một Việt Nam thu nhỏ” lần này chỉ dành riêng cho nghệ thuật và tình yêu với dải đất hình chữ S. Ấy thế mà nữ họa sĩ đã ngoài 50 tuổi này vẫn không thể cắt nghĩa được tình yêu của mình đối với Việt Nam, khi bà luôn lặp đi lặp lại câu nói: “Bạn đừng hỏi vì sao tôi yêu Việt Nam, chỉ đơn giản là yêu mà thôi”.
Họa sĩ Toba Mika sinh năm 1961 tại Nhật Bản. Bà tốt nghiệp cao học tại Đại học Nghệ thuật Kyoto. Tại Nhật Bản, họa sĩ Toba Mika đã nhận được 19 giải thưởng khác nhau nhờ những đóng góp trong việc gìn giữ và kế thừa nghệ thuật tranh nhuộm Katazome. Kỹ thuật vẽ tranh Katazome đã tồn tại gần 1.000 năm tại Nhật Bản, được thực hiện bằng việc sử dụng những nguyên vật liệu thông thường trong cuộc sống như nhựa cây, hồ gạo, đậu tương bằng 18 công đoạn khác nhau. Nét đặc trưng của Katazome là ở các sắc màu tinh tế, sắc sảo nhuộm rất sâu vào sợi vải dù thoạt trông lại rất đơn giản. Katazome cũng được tạo bằng khuôn nhưng từ một loại giấy đặc biệt không thấm nước chứ không phải gỗ. Điểm chung của Katazome là không vẽ hình ảnh con người, tranh tập trung phản ánh những vẻ đẹp của thiên nhiên. |
Rời xứ sở Phù Tang phồn hoa để đặt chân đến Việt Nam từ năm 1994 và trong suốt 23 năm qua bà Toba Mika chưa khi nào dứt mạch cảm xúc để sáng tác nghệ thuật tại đất nước này. “Nhật Bản quê hương tôi là một quốc gia cực kỳ phát triển nhưng vô hình trung nó đang dần xóa nhòa đi rất nhanh các giá trị cũ - điều mà tôi tìm thấy mọi lúc, mọi nơi tại Việt Nam”, Toba Mika bộc bạch. Với cảm quan của một họa sĩ, Toba Mika không hề phiền lòng khi thực địa tại một dòng sông hay lạc giữa một mớ cột điện giăng bùng nhùng, rối mắt nơi góc phố. Với Toba Mika, những dấu hiệu khác thường lại là chất xúc tác hấp dẫn để những nét nhuộm theo trường phái Katazome (kỹ thuật nhuộm màu của Nhật Bản) thêm bay bổng và có hồn. Bà được giới chuyên môn đánh giá là một họa sĩ có tư duy sâu sắc, có cái nhìn cực kỳ tinh tế, có một bút pháp điêu luyện, có sự kiên nhẫn kỳ lạ và trên hết là cảm nhận tuyệt vời với cuộc sống cũng như phong cảnh của Việt Nam. Qua sắc màu tinh tế, tươi sáng của kỹ thuật Katazome, tranh Toba Mika biến ảo đầy sắc màu thơ mộng với đủ các cung bậc vào phong cảnh và văn hóa Việt.
Nặng lòng với xứ Quảng
Trong 120 bức tranh tâm đắc nhất từng được công bố của Toba Mika về cảnh quan, thiên nhiên của Việt Nam, điều lạ lùng là gần như tất cả đều không có bóng dáng con người ở đó. Chỉ ngoại trừ bức tranh bà tự đưa hình bóng mình lên bức tường một ngôi nhà và bức vẽ này được thực hiện tại… phố cổ Hội An. “Rất lạ. Tôi nghĩ là đã tìm thấy mình ở đó và không một nơi nào khác cho tôi xúc cảm này”, Toba Mika thổ lộ. Một điều thú vị khác được bà chia sẻ là cha của bà sinh ra ở Omiya, một vùng đất vốn có nhiều mối giao thương với Hội An trong những thế kỷ trước. Mỗi lần Toba Mika đặt chân đến đô thị cổ này, trong lòng bà đều bồi hồi nỗi niềm khó tả về quá khứ, về những thế hệ tiên tổ của mình từng vượt trùng dương đến sinh sống và giao thương tại nơi đây. Với Toba Mika, bình minh của Hội An đẹp đến ngây ngất; ánh sáng ban mai của Hội An như biết nói và có “cảm xúc” hệt như con người. Bà đã đến đây nhiều lần và một thói quen đặc biệt là phải luôn dậy từ 4 giờ sáng chỉ để… ngắm bình minh.
Trái lại, với Khu di tích Mỹ Sơn, Toba Mika lại tìm thấy một dáng vẻ mãnh liệt của sự sống. Bà đến vùng đất này rất sớm, từ năm 2000. Toba Mika đã tự mình băng qua mấy bụi cỏ rậm rạp để vào di tích. Toba Mika lãng đãng bước qua hục sâu mà không hề biết đó là tàn tích những hố bom của một thời lửa đạn. Rồi một khoảnh khắc bất chợt, bà thấy những làn hơi nước chậm rãi bốc lên run rẩy tựa lời cầu nguyện của con người. “Sao di tích và con người ở đây lại có một sức sống mãnh liệt khi đi qua bao cuộc chiến tranh như thế” - Toba Mika thốt lên. Nhà phê bình mỹ thuật Shimizu Yasutomo cho rằng, với tác phẩm “Nơi bàn chân tìm đến” khắc họa khung cảnh Mỹ Sơn, nữ họa sĩ đã vượt qua khuôn khổ những cảnh sắc hay nét đẹp tạo hình của Việt Nam để biểu hiện thành công tâm tư, ước vọng của người dân. Sắc màu đỏ ối mà Toba Mika dùng để phác họa tháp Mỹ Sơn không chỉ thể hiện luồng gió nóng trong di tích mà còn bộc lộ tâm trạng của nữ họa sĩ trong khung cảnh đó.
Đến nay, Toba Mika đã sáng tác khoảng 120 tác phẩm khổ lớn phác họa phong cảnh nhiều vùng miền của Việt Nam và tổ chức 7 triển lãm tranh ở Việt Nam với nhiều chủ đề. Và bà mong muốn sẽ đem những bức họa của mình đến với “phố Nhật” tại Hội An để mọi người thưởng ngoạn. Toba Mika bày tỏ: “Nếu có sự ngỏ lời từ phía các bạn chắc chắn tôi sẽ làm hết sức để có một cuộc triển lãm tranh Toba Mika tại Hội An”.
“Thẩm thấu” Việt Nam
Toba Mika cảm thấy vô cùng vinh hạnh khi hơn 20 bức tranh của mình “chễm chệ” trong các phòng trưng bày của Bảo tàng Chăm bởi địa điểm này cũng mang trong mình nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, tương tự như điện Thái Hòa (Huế) hay Văn Miếu (Hà Nội)… mà bà từng được tổ chức triển lãm. Bà cho biết, một thoáng bối rối từng xuất hiện trong đầu bà là làm sao để ngỏ lời với một địa điểm “tầm cỡ” như vậy. Nhưng với ông Võ Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng Chăm, mọi thứ không quá phức tạp như vậy: “Chúng ta chẳng phải cùng là người châu Á hay sao? Chia sẻ những giá trị văn hóa chung luôn là thứ mà bảo tàng hướng đến”. Và như một sự đáp lễ ngọt ngào, Toba Mika đã dùng một rừng hoa anh đào để “mở ra”, kết nối với những bức tượng đá tại đây. Một nét điểm xuyết duyên dáng, mềm mại cho bảo tàng trăm năm tuổi này.
“Thực ra, vào thời điểm chuẩn bị có chuyến đi đầu tiên đến đất nước này, tôi hình dung trong đầu rằng Việt Nam chỉ có hai màu trắng đen. Nhưng rồi thực tế đã rất khác” - Toba Mika bộc bạch. Và vì những sắc màu rực rỡ ấy, Toba Mika càng đi càng mê Việt Nam và đến bây giờ bà đã có cho mình bộ sưu tập “Một Việt Nam thu nhỏ” để giúp công chúng thưởng lãm trong những ngày Đà Nẵng đón APEC. Còn họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đoan chắc, không có nhiều người có thể thực hiện được kỹ thuật Katazome như họa sĩ Toba Mika. “Sở dĩ tranh của bà được đánh giá cao như vậy còn nhờ sự thẩm thấu đến từng chi tiết về đời sống Việt Nam của Toba Mika trong thời gian bà ở đây. Với đôi bàn tay tài hoa, bà đã khiến người xem tranh cảm nhận đời sống ở Việt Nam đã thực sự hòa quyện trong tranh Katazome như thế nào” - ông Hỷ cho biết. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trước đây cũng từng có khoảng thời gian 6 tháng sinh sống, học tập tại Nhật và có một triển lãm tranh nhỏ tại Osaka nhưng chỉ “dám” khiêm tốn đặt tên “nước Nhật qua khung cửa sổ” bởi ông chưa có nhiều thời gian trải nghiệm về xứ sở hoa anh đào để đặt tên “Một Nhật Bản thu nhỏ” chẳng hạn như cái cách 23 năm qua bà Toba Mika đã làm tại Việt Nam…
QUỐC TUẤN