"Tối hậu thư" về môi trường

C.B.L 31/10/2018 01:42

Năm 2006, tôi về xã đảo Tam Hải (Núi Thành) tham dự buổi động thổ một dự án du lịch trên bãi Bấc. Lễ khởi công được tổ chức ngay trên bãi biển. Sóng êm, gió mơn man rặng dừa, mép biển cong vút nhìn về phía Bàn Than đẹp mê hồn. Nhưng hình như vẫn còn một chút lợn cợn giữa không gian này, đó là rác. Dù khu vực tổ chức lễ đã được dọn dẹp, nhưng từng đống rác chứa nhiều túi ny lon vẫn nằm nhấp nhô theo triền sóng. Nhìn xa hơn, rác phủ một lớp dày dọc theo bãi biển, mà toàn là những thứ rác khó tiêu. Dự án du lịch này sau đó bỏ hoang. Nhiều lý do người ta đưa ra để giải thích về sự thất bại của dự án, trong đó có... rác - một lý do không dễ chịu chút nào với người dân địa phương!

Trong nhiều hình ảnh về rác trên bãi biển tương tự như Tam Hải được nhìn thấy gần đây, tôi lưu tâm về bãi rác ở Tuy Phong (Bình Thuận) và rừng rác ngập mặn tại Hậu Lộc (Thanh Hóa). Thật khủng khiếp, bãi biển đã biến thành bãi rác cao chất ngất tại Tuy Phong, hành vi xả rác rất vô tư, trong sự bất lực của lực lượng bảo vệ môi trường. Người dân hồn nhiên sống chung với rác, tạo lối đi trên “đê” rác để ra biển. Còn tại Hậu Lộc, từng cây rừng ngập mặn phải đeo nhiều túi ny lon, tạo thành một khu rừng rác thải đủ sắc màu, thủy triều xuống phất phơ trước gió với hình thù quái dị... Đây là hai trong nhiều hình ảnh minh họa sống động về hiện tượng rác thải đại dương được thường xuyên nhắc tới.

Cách đây chưa lâu, truyền thông thế giới sửng sốt với hình ảnh một con cá voi chết dạt vào bờ. Con cá này bị đói đến chết mặc dù dạ dày của nó chứa đến hơn 50kg rác thải nhựa. Một thống kê cho thấy hiện có khoảng 350 triệu tấn nhựa đang trôi dạt trên khắp đại dương, ước tính đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn nhựa. Và tin buồn là Việt Nam nằm trong số 5 đất nước góp phần thải rác plastic ra biển nhiều nhất.

Trở lại bãi biển Tam Hải, hiện rác vẫn là câu chuyện nan giải. Mấy năm nay một công ty môi trường nỗ lực xây dựng ở đây nhà máy xử lý rác nhưng dự án vẫn ách tắc. Trong suy diễn của tôi, đó là sự thất bại của một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà địa phương đã đặt ra hơn một thập kỷ qua. Đây có thể xem là ví dụ điển hình về chuyện sống chung với rác, với ô nhiễm trong hàng chục năm, trong khi những mục tiêu phát triển bền vững vẫn còn rất xa vời.

Những đống rác tôi từng thấy cách đây 12 năm trên bãi biển Tam Hải, đến nay vẫn tồn tại. Mười hai năm nữa, theo một báo cáo đặc biệt của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nếu xu thế hiện nay vẫn tiếp tục, nhanh nhất là năm 2030, trái đất sẽ phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng. Vậy nên con người cần phải có sự “cải tổ” trong mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường... Đây được xem là “tối hậu thư” cho nhiều vùng đất và các quốc gia. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh những đống rác như ở Tam Hải vẫn tồn tại với một sự thách thức, dù trong phạm vi địa phương, có nên đưa ra “tối hậu thư”?

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Tối hậu thư" về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO