Tôi không thể bỏ dân

03/12/2012 22:30

Ông Nguyễn Xuân Khanh, ông Ngô Độ trong Ban Thường vụ Huyện ủy đã tính rất kỹ mới chọn Nguyễn Quang phái về Kỳ Xuân - một vùng quê nằm phía bên trái quốc lộ 1, bị sông nước bao bọc như một ốc đảo. Bởi Nguyễn Quang là người địa phương, thông thạo địa hình, bơi lội giỏi. Ông lại có nhiều người ruột thịt ở quê, trước nay vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Vả lại, ông là một cán bộ hoạt động vùng địch hậu từng trải. Trong chống Pháp, Nguyễn Quang là cán bộ binh địch vận, được tổ chức cắm vào thị xã Hội An.

Là một cán bộ đã thử lửa, dày dạn kinh nghiệm từ kháng chiến 9 năm, nay nhận lệnh về quê móc nối cơ sở, Nguyễn Quang vô cùng phấn khởi. Ông cùng 2 đồng chí Nguyễn Tám (Tám Túc) và Trần Sơn từ căn cứ băng đường rừng, vượt qua các vùng núi thuộc Xuân Bình - Phú Thọ, Tứ Mỹ, Kỳ Sanh (Tam Mỹ Tây), lách tránh sự rình rập của kẻ thù, đến ẩn mình tại Hố Trầu. Từ Hố Trầu, các ông lợi dụng đêm tối tiếp tục vượt các ấp chiến lược thuộc xã Kỳ Khương, băng đường 1 ở quãng ngoài Chợ Trạm, đến mội Ông Kế - Đá Cồng Cộc thuộc thôn Vĩnh Đại, Kỳ Khương. Tại đây, ông Quang cho tư trang, súng ngắn vào bọc ny lông làm phao, một mình vượt Trường Giang. Trước lúc chia tay ông hẹn với các đồng chí của mình: 

- Tối mai nếu tôi không quay trở lại thì đã móc nối được cơ sở và sẽ nằm lại đôi ba ngày bên ấy. Các đồng chí đừng đợi nữa, quay về căn cứ báo cáo với lãnh đạo Huyện ủy rằng, tôi sẽ cố hết sức để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao.

Sông quá rộng, gió bấc tạt ngược, hơn nửa tiếng đồng hồ ông Quang mới bơi tới bờ bên kia. Đêm khuya thanh vắng, ông Quang lội qua rừng mắm rồi nhằm hướng xóm mình ở ấp 7 Kỳ Xuân lần tới. Không ngờ, khi lẻn vào chính nhà mình rồi nhà mẹ mình, ông Quang đã bị vợ - bà Nhung, mẹ - bà Khuê và chị dâu - bà Lon đang ở cùng mẹ chồng từ chối, không dám chứa chấp. Vì suốt mấy năm nay kẻ địch kềm cứng ngắt những gia đình tình nghi, đảng viên, gia đình có con em tập kết. Trước đó 3 năm, bọn tề ngụy địa phương bắt được ông Phúc, cán bộ nằm vùng đang ẩn mình tại nhà bà Lon. Bọn chúng giết chết ông Phúc, bắt vợ chồng ông bà Lon tra tấn. Ông Lon bị chúng đánh tàn nhẫn, về nhà ốm chết. Nhà cửa bị đốt sạch, bà Lon vừa mất chồng vừa mất nhà, phải dọn về ở với mẹ chồng. Thêm nữa, giữa năm nay, trong xã lại có 11 thanh niên nhảy núi theo cách mạng, bọn địch càng lấy cớ thực thi Luật 10/59 gắt gao hơn. Các cơ sở đều bị đánh trốc, bể vỡ. Dù là tình máu mủ mẹ con, dù là vợ chồng đầu ấp tay gối, nhưng trong bối cảnh vô cùng đen tối này bà Khuê, bà Nhung, bà Lon đành rứt ruột, để ông Quang đi nơi khác ẩn náu.

Chơi vơi trong đêm tối, ông Quang không thể tìm được chỗ trú chân trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Đã hơn 5 năm xa cách, kể từ ngày ông đi tập kết giờ mới gặp lại được nhau. Thế mà ông không kịp nhìn rõ mặt mẹ già, thăm hỏi người vợ yêu quý và đứa con gái duy nhất cũng vừa tròn 5 tuổi. Thật sự mất phương hướng, ông đành nuốt nước mắt rời khỏi những người ruột thịt trong đêm. 

Trời đã gần sáng, chó trong xóm sủa dữ, biết đi đâu bây giờ, ông Quang nhanh chóng tháo trở lại bãi mắm ông Tiệp - nơi bến sông bơi qua hồi tối. Ông chọn một cây mắm rậm rạp, trèo lên ép mình, nhịn khát, chịu ướt cả ngày trời. May mà hôm ấy là trung tuần tháng 11, trời mưa lâm râm, gió bấc lạnh tê, không có người đi mò cua, bắt cá nên ông đã thoát hiểm.

- Ngày hôm đó, bà Lon sang nhà bà Nhung, hai chị em dâu bấm nhỏ với nhau, nếu ông Quang trở lại, dẫu cả nhà có chết cũng phải tìm cách che giấu. Đối với người từng trải, kiên cường như ông Quang, dễ gì bỏ cuộc. Tối hôm đó, đợi đến hơn 11 giờ đêm, Nguyễn Quang lại vào làng. Lần này ông không về nhà mẹ mà vào gõ cửa nhà ông Câu, một người chú họ ở sát vườn nhà mình. Ông Câu đã hơn 60 tuổi, có 3 con tham gia cách mạng từ những năm 1942 - 1945 và đều tập kết ra Bắc. Bản thân vợ chồng ông cũng đã từng nuôi giấu cán bộ từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Vào ẩn nấp tại nhà ông Câu, ông Quang tin tưởng đó là quyết định đúng.

Ông Câu có một cái bồ 2 ngăn, đặt phía sau tấm phên lụa nhà trên. Ngăn trên đựng khoai lang, ngăn dưới người chui vào nằm được. Trong cái bồ này, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ -  1954 nhiều cán bộ nằm vùng đã từng ẩn nấp mà chưa lần nào bị lộ. Thấy cháu họ từ chiến khu trở về, ông Câu vừa mừng vừa sợ, nhưng cũng đánh liều cho cháu nấp trong bồ 2 ngăn đó. Từ nhà ông Câu, ông Quang lại móc nối với chị dâu và vợ cùng những đảng viên đứt liên lạc, chờ thời cơ hoạt động trở lại. Nhà ông Câu có Út Hạo (Nguyễn Trọng Kim) mới 15 tuổi nhưng lanh lợi. Út Hạo được ông Quang giác ngộ, giao nhiệm vụ làm liên lạc, cảnh giới và theo dõi nắm tình hình địch. Sau thời gian ngắn, ông đã cơ bản móc nối lại được với một số ít đảng viên trung kiên, chuẩn bị điều kiện để hình thành chi bộ trở lại. Từ đó ông như con thoi, lúc tự mình bơi vượt sông, lúc được vợ cùng Út Hạo dùng thuyền bơi đưa qua bến Vân Trai về căn cứ báo cáo tình hình rồi ngược trở về Kỳ Xuân.

Tháng 5.1960, Chi bộ Đảng của xã thành lập trở lại, ông Quang được Huyện ủy Tam Kỳ chỉ định làm Bí thư và trúng Huyện ủy viên, phụ trách đội công tác Kỳ Xuân. Sau vài tháng, ông cùng với các đồng chí trong chi bộ tổ chức đưa 40 thanh niên thoát ly lên chiến khu bổ sung cho lực lượng cách mạng của huyện, của tỉnh. Như sự tác động dây chuyền, từ 1960 đến 1962, phong trào bí mật tòng quân tại vùng địch hậu Kỳ Xuân liên tục phát triển. Cùng với phong trào cách mạng quần chúng ngày càng lên cao, ông Quang tổ chức được một số cơ sở nội tuyến trong dân vệ, thanh niên tân trang. Giữa năm 1961, nắm chắc tình hình địch do các cơ sở nội tuyến cung cấp, ông Quang đã lãnh đạo đội công tác cùng với một số đồng chí vũ trang huyện tăng cường nhiều lần tấn công Hội đồng xã Kỳ Xuân, phục chặn đánh bọn tề ngụy, diệt một số tên ác ôn khét tiếng, dằn mặt bọn ngụy quân, ngụy quyền, gây thanh thế cách mạng tại vùng lõm Kỳ Xuân.

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôi không thể bỏ dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO