Tỷ lệ thương tật 100%, nhưng với tinh thần lạc quan cách mạng, bà Trần Duy Phương đã chiến đấu để chiến thắng thương tật và sống trọn vẹn nghĩa tình với quê hương, gia đình và đồng đội.
Hát để sống, chiến đấu và chiến thắng
Nữ thương binh Trần Duy Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Điện Bàn. Năm 15 tuổi bà đi theo cách mạng; 19 tuổi bị địch bắn đứt ruột, bị thương ở cột sống, liệt hai chân, bị bắt cầm tù tại các nhà lao Non Nước ( Đà Nẵng), Phú Tài (Quy Nhơn).
Tại Trại giam Phú Tài, với cái tên Trần Thị Mai - bà là nữ tù binh đặc biệt bởi vết thương rất nặng phải nằm băng ca. Nhiều lần vết thương tái phát phải cấp cứu, phẫu thuật nhưng bà đã rất lạc quan để vượt qua nghịch cảnh. Bà kể: “Tôi hát mỗi ngày. Hát để quên đi nỗi đau, quên đi hoàn cảnh hiện tại, hát để động viên mình và động viên đồng đội.” Và lời ca tiếng hát cũng chính là cách để bà đấu tranh chống lại các trận đàn áp và các chiêu trò dụ dỗ chiêu hồi của địch. Bà Nguyễn Thị Thành (khối phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) cựu tù binh Phú Tài nhớ lại: “Từ khi vào trại giam đến ngày được trao trả, chị Phương phải nằm trên băng ca. Tuy nhiên, chị có một tinh thần thần lạc quan và một nghị lực rất phi thường. Chị hát mỗi ngày, hát say mê. Chị dạy cho chị em chúng tôi những bài hát cách mạng mang tính chiến đấu với kẻ thù như “Bài ca hy vọng”, “Không cho chúng nó thoát”, “Dân ta đáng giặc anh hùng”… Đặc biệt, chị còn biên đạo kịch cho đội văn nghệ của Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi tập và diễn trong các ngày lễ lớn do Đảng bộ nhà tù tổ chức. Chị còn dạy chúng tôi học văn hóa, tiếng Pháp”.
Tiếng hát, tinh thần lạc quan là liều thuốc giúp bà Phương quên đi đau đớn, tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội tiếp tục đấu tranh với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai, niềm tin tất thắng, niềm tin vào chính nghĩa. Và đó chính là lẽ sống, là lý tưởng của những chiến sĩ cách mạng thời chiến.
Năm 2013, nữ thương binh Trần Duy Phương xuất bản tự truyện “Tôi nghe tôi hát” viết về cuộc đời bà và những tháng ngày tù ngục cùng đồng đội. Có một kỷ niệm rất xúc động về một người bạn tù mà bà đã viết lại trong cuốn tự truyện của mình:
“Anh bị bệnh nặng chỉ còn thở thoi thóp, vậy mà nghe tôi hát, anh cũng cố hát theo. Lưỡi anh đã bị líu lại, phát âm không còn rõ ràng. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hình hài của anh. Tôi phải nói với anh là anh đừng cố hát nữa vì anh đang quá yếu, cần giữ sức khỏe. Anh nói với tôi:
- Chị Mai ơi, em sắp chết rồi, em muốn nghe chị hát.
Nghe anh gọi tôi bằng chị và xưng em, tôi hoảng quá nên nói ngay với anh:
- Anh lớn hơn em đến mười ba tuổi cơ đấy anh Minh à!
Anh đổi ngay cách xưng hô và gọi tôi bằng em.
- Em ca “Bài ca hy vọng” mà chị Quyên vợ anh Trỗi đã hát trong tù cho anh em nghe với.
Sau lời yêu cầu của anh, tôi đã hát nhiều lần “Bài ca hy vọng” cho anh nghe. Chỉ hai ngày sau là anh ra đi”.
Từ đó, “Bài ca hy vọng” là bài hát được bà hát nhiều nhất. Bà lại ngân nga: “...Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai/Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm/Có mùa xuân nào đẹp bằng.../ Về tương lai đàn chim ơi, cùng ta cất cánh/Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương/Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan”. “Lời bài hát đã tiếp sức thêm cho chúng tôi tiếp tục đấu tranh, cho chúng tôi hy vọng để hướng về ngày mai tươi sáng hơn cho Tổ quốc mình” - bà Phương nói.
Sống vẹn nghĩa tình
Hiện nay, bà Trần Duy Phương sống cùng mẹ già đã hơn 90 tuổi tại TP.Hồ Chí Minh. Bằng tất cả sự tôn kính và thương yêu, bà đã dành số tiền nhận các giải thưởng từ tự truyện “Tôi nghe tôi hát” để tạc tượng mẹ, như lời chia sẻ: “Người đã hy sinh cả đời, thủy chung với cách mạng, với chồng để nuôi hai mẹ già và các con khôn lớn. Mặc dù ngày cha tôi bị địch bắt cầm tù, mẹ tôi chỉ mới 30 tuổi. Rồi sau đó cha tôi hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Mẹ tôi vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con”.
Tự truyện “Tôi nghe tôi hát” đã đạt ba giải thưởng, trong đó được Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam trao giải B năm 2013 (không có giải A); Hội Những NXB Việt Nam trao giải Đồng năm 2014 và được trao giải Khuyến khích về VHNT của Quảng Nam năm 2015.
Tuy phải di chuyển bằng xe lăn và nạng, nhưng cuộc đời còn lại của nữ thương binh Trần Duy Phương vẫn luôn dành cho những chuyến đi - những chuyến đi nghĩa tình. Bà ưu tiên sắp xếp thời gian để đi Côn Đảo viếng mộ cha, về thăm quê, thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội.
Nữ thương binh Nguyễn Thị Thành tâm sự: “Chị Phương là người sống rất tình cảm và chân thành. Chị quan tâm đến chị em, đồng đội từng chút một trong khi bản thân là thương binh nặng cần sự quan tâm của mọi người hơn. Hàng năm, chị đều tổ chức những chuyến đi thăm chị em đồng đội, thăm lại chiến trường xưa, những chuyến đi thăm quan các khu di tích lịch sử để chị em chúng tôi, những người không có điều kiện kinh tế cũng được đi và gặp gỡ nhau. Năm 2018, chị đã đứng ra tổ chức gặp mặt chị em cựu nữ tù binh Phú Tài tại Quảng Nam và Đà Nẵng”. Còn nữ thương binh Trần Thị Hương (thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho hay: “Phương luôn quan tâm đến chúng tôi một cách chân tình. Tình đồng đội, đồng chí của chúng tôi như tình thâm máu thịt. Phương đã kết nối để chị em nữ tù binh Phú Tài chúng tôi sinh sống ở mọi nơi có cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi, biết được tin tức của nhau thường xuyên hơn. Đây là điều quý nhất mà chị em chúng tôi rất trân trọng”.
Nói về mình và đồng đội bà Phương chia sẻ: “Cuộc đời còn lại của tôi, những gì có thể làm được cho đồng đội mình tôi sẽ làm. Tôi mang ơn đồng đội tôi. Tôi muốn đền đáp cho đồng đội tôi, những người đã nhường cơm sẻ áo, đã hy sinh cho tôi, đã vì tôi mà phải chịu đòn roi của kẻ thù khi tôi bị thương nặng trong Trại giam Phú Tài”. Và cũng chính vì ân tình đó mà tháng 7.2014 nhân chuyến ra Hà Nội giới thiệu tác phẩm “Tôi nghe tôi hát”, bà đã lặn lội ra tận Uông Bí (Quảng Ninh) tìm thăm gia đình ông Hoạt để thắp cho ông nén tâm hương. Ông Hoạt là một trong những đồng đội đã dành nhiều tình thương và sự chăm sóc đặc biệt cho bà trong những ngày đầu bà mới bị thương và bị địch bắt. Trân trọng tình cảm của bà Phương, những người con của ông Hoạt xin phép được gọi bà là má.
Trần Duy Phương - một nữ thương binh, một cựu nữ tù binh với tinh thần lạc quan cách mạng đã chiến đấu để chiến thắng kẻ thù, chiến thắng thương tật và sống trọn vẹn nghĩa tình với quê hương, gia đình và đồng đội. Nhà thơ Hữu Loan, khi chép tặng bà bài thơ “Màu tím hoa sim”, ông viết: “Chép tặng cô Phương, một tâm hồn, một vấn đề làm mất ngủ những lương tri”.