Tôi về xứ Quảng như về nhà!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 04/10/2015 09:18

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi hiện sinh sống tại Hoa Kỳ. Anh là một trong số rất ít họa sĩ người Việt sống được bằng công việc vẽ tranh ở xứ người. Gần 30 năm ở Mỹ, anh đã có 14 cuộc triển lãm tranh cá nhân, tham dự 20 cuộc triển lãm chung ở các tiểu bang, đại học ở Hoa Kỳ và hai lần triển lãm tại TP.Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi.

Triển lãm với chủ đề “Tuổi thơ và thần thoại” của tại thư viện Newton, bang Massachusetts năm rồi là một sự kiện đã  gây sự chú ý cho giới sưu tập bởi cách diễn đạt rất riêng và đậm chất văn hóa truyền thống Á Đông. Tháng 9 năm nay, lần đầu tiên anh mang hơn 30 bức tranh sơn dầu cỡ lớn và vừa về trưng bày tại Đà Nẵng…

1. Trong một tuần lễ ấy,  anh vui vì nhiều bức tranh của anh đã được các nhà sưu tập chọn lựa, nhưng vui hơn là anh được đi thăm thú Sơn Trà, Hội An và Đà Nẵng… Anh nói, chắc chắn sang năm anh lại quay về xứ Quảng và có thể bày tranh ở Hội An…

“Ít có ở đâu như ở đây, nhiều bạn nữ họa sĩ, những người yêu mỹ thuật và những bạn bè mới quen đã đến giúp đỡ tôi từng việc nhỏ, như bày tranh, dạo nhạc, chăm sóc từng ngọn đèn trong phòng tranh bất kể trời mưa gió. Hôm có bão, vẫn có nhiều người yêu tranh từ Hội An, Tam Kỳ đến đòi mở cửa để xem…” - Nguyễn Trọng Khôi kể.

Nguyễn Trọng Khôi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định những năm 1960 thế kỷ trước. Anh cùng thời với những họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Đinh Cường… Sống ở Sài Gòn cho đến năm 1988, anh không chỉ sáng tác mà còn tham gia rất nhiều hoạt động báo chí như trình bày sách, minh họa cho các trang văn học, vẽ biếm họa và chăm sóc mỹ thuật cho nhiều tác phẩm sách báo. Anh làm công việc trình bày của báo Tuổi  Trẻ những năm báo mới ra đời - 1976. Khi tạp chí Đất Quảng của Hội Văn học Quảng Nam - Đà Nẵng cũ in và phát hành tại các tỉnh phía nam giai đoạn 1985-1988, Nguyễn Trọng Khôi đã giúp thiết kế lại manchette (tồn tại cho đến ngày nay) và vẽ minh họa cho các truyện ngắn đầy ấn tượng. “Sang định cư ở Mỹ, tôi đã tham dự 20 cuộc triển lãm tại Mỹ kể từ năm 1991 đến nay và triển lãm cá nhân thì đã có 14 lần. Khoảng 15 năm trở lại đây tôi hoàn toàn dành hết thì giờ cho hội họa. Như tôi đã nhiều lần nói về điều này, con số họa sĩ Việt Nam định cư tại hải ngoại khá nhiều nhưng cho đến nay chỉ rất ít còn đeo đuổi với nghệ thuật. Ở hải ngoại, các họa sĩ luôn phải làm một nghề khác để sinh sống; ngoại trừ một số ít tạm chấp nhận một cuộc sống eo hẹp từ thu nhập bằng nghề vẽ tranh. Vì vậy, khách quan mà nói, nhiều họa sĩ gốc Việt đến nay vẫn phải sống dựa vào những công việc khác. Sinh sống được bằng chính nghề vẽ tranh tại Hoa Kỳ luôn là một chuyện rất khó khăn của nhiều người trong ngành mỹ thuật…” - anh kể.

Tôi đã từng đến Boston và thăm studio của Khôi. Đó là một cái garage ô tô được bày biện lại. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy, Khôi có cuộc sống bên ngoài sinh động, anh hát rất hay và viết nhiều ca khúc được dàn dựng, quan hệ bàn bè nồng nhiệt, nhưng đến khi vẽ, anh đóng cửa studio của mình và ở lỳ trong đó nhiều ngày. Những tác phẩm hội họa của Nguyễn Trọng Khôi đã ra đời trong sự âm thầm, lặng lẽ đến kinh ngạc! Tuổi thơ cơ cực của anh, những người bạn, những cô gái, những đứa trẻ nghèo anh gặp đâu đó, những con chim trốn tuyết bay qua vùng đất anh ở, thậm chí là những hũ bình, chai lọ, những viên bi, những bó củi từ xa lắc nào… bất ngờ sống lại trên những bức tranh của anh vào những lúc sự cô đơn, lặng lẽ đến tột cùng đó…

Ở xứ người, một lần Khôi kể, hầu hết trong mọi cuộc triển lãm người ta hay đặt một câu hỏi cho họa sĩ về sự thành công của nó dựa trên con số tranh bán được là bao nhiêu! Ít có người chỉ quan tâm đến những khám phá mới của họa sĩ, mặc dù điều đó rất quan trọng. Có nhiều lý do để khách thưởng lãm (nhất là  khách Việt Nam) quan tâm vấn đề trên. Trước hết vì mình sống trong một cộng đồng lớn và đa dạng. Nền hội họa Việt Nam chưa ghi được dấu ấn đậm nét trong trào lưu hội họa thế giới, và không gây được những ấn tượng sâu sắc để thu hút quần chúng. Những hoạt động lẻ tẻ của họa sĩ Việt Nam hải ngoại không tạo nên được một âm vang nào đáng kể. Vì thế, hầu hết tác phẩm được khách sưu tập vẫn chỉ là từ trong tình cảm quen biết của cộng đồng địa phương chứ không từ các nhà sưu tập chuyên nghiệp.

Hai tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi.
Hai tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi.

2. Khi kể về những thành công của mình, Khôi nói một cách chân thành: “Một ngày nào đó, những niềm vui hạnh phúc nhỏ nhoi hồi niên thiếu trong mỗi con người sẽ sống dậy, miên man chảy suốt  hồi ức khiến cho tâm hồn chúng  ta trở nên yếu đuối và đắm chìm vào những hoài niệm mãnh liệt. Nó đơn giản như một viên bi trong thế giới kỳ thú của chúng. Hoặc giả những họa tiết nơi đình chùa, miếu mạo. Nó nhắc chúng ta về những huyền thoại của quê hương xứ sở. Nó làm đẹp tuổi thơ để chúng ta bớt tủi phận nghèo và rách rưới. Hình như mỗi ngày tôi mỗi xa với những óng ả, mượt mà của kỹ thuật và càng ngày tôi càng gần đến với sự thô mộc, giản đơn. Tính chất lù xù như sơ nguyên chưa gọt giũa khiến cho ta bớt vướng bận vào những tính toán che đậy. Có lẽ điều đó giải thích cho những sự chú ý của giới phê bình và sưu tập khi đến với tranh của tôi…”.

Như một sự tình cờ của tính cách, suốt quá trình sáng tạo và sinh hoạt của Nguyễn Trọng Khôi thường gắn bó với nhiều người Quảng và miền Trung. Từ các nhà báo như Trần Ngọc Châu, Nguyễn Công Khế, Cung Văn đến các nhà văn nhà thơ như Thu Bồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường… anh đều có mối quan hệ thâm giao và quý mến. Những ngày còn bao cấp, anh đã từng cùng với Thu Bồn, Nguyễn Công Khế, Nguyễn Nhật Ánh và ca sĩ Thanh Lan về nhiều vùng quê Quảng Nam đọc thơ, ca hát… Những ngày về triển lãm ở Đà Nẵng, Khôi tranh thủ ra Huế thăm anh Hoàng Phủ Ngọc Tường ở bệnh viện khiến Hoàng Phủ Ngọc Trường và chị Lâm Thị Mỹ Dạ hoàn toàn bất ngờ. Với nhà thơ Thu Bồn, cái địa chỉ số 6 Đặng Thái Thân ở quận 5 hay sau này là khu vườn ở suối Lồ Ồ, vẫn là Nguyễn Trọng Khôi lui tới, hát hò, tâm sự. Khi anh Thu Bồn sang Mỹ không có bất cứ số điện thoại nào, sự quen biết nào, Nguyễn Trọng Khôi lúc đó tuy còn khó khăn, vẫn thu xếp cho Thu Bồn mọi cuộc tiếp xúc, thăm viếng và cả làm thông dịch… Hình như giữa hai người, và cả nhà thơ Nguyễn Duy, tuy tuổi tác có chênh nhau, nhưng ngoài tài năng, thì cái tính trung thực, thẳng thắn đã khiến họ gần gũi nhau lâu bền…

“Có thể nói rằng với nghệ thuật, cũng như đời sống, tôi càng ngày càng gần gũi với sự đơn giản và thô mộc. Không biết có phải đó là điều khiến tôi ngày càng gần gũi và nặng tình với tính cách của người Quảng hay không! Mà có lẽ đúng vậy, vì tôi về đây cứ tưởng như về nhà trong tình cảm thân thương của mọi bằng hữu, cả thân và sơ” - Nguyễn Trọng Khôi nói.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôi về xứ Quảng như về nhà!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO