Tôn vinh khoa học xứ Quảng

HOÀNG LIÊN 24/05/2016 09:51

Lần đầu tiên tại Quảng Nam, Giải thưởng Phạm Phú Thứ về khoa học & công nghệ (KH&CN) là niềm cổ vũ, động viên lớn lao đối với những người làm khoa học với mục tiêu vì một Quảng Nam phát triển.
Tiêu chí cao

Giải thưởng Phạm Phú Thứ về KH&CN được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 4.7.2011. Trải qua thời gian dài, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, mãi đến cuối năm 2015, giải thưởng mới chính thức khởi động trở lại. Tiêu chí xét thưởng gồm những công trình, cụm công trình có giá trị cao về KH&CN, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng và phát triển sự nghiệp KH&CN của tỉnh. Đối tượng là các công trình thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y dược; khoa học nông nghiệp; khoa học xã hội và nhân văn. Theo yêu cầu bắt buộc, các công trình được xét giải phải là những công trình chưa được tặng giải thưởng ở cấp nhà nước cao hơn; phải được công bố hoặc ứng dụng thực tiễn tại Quảng Nam ít nhất 2 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét thưởng…

Dược sĩ Đặng Ngọc Phái và dược sĩ Nguyễn Như Chính được xét tặng giải A. Ảnh: H.L
Dược sĩ Đặng Ngọc Phái và dược sĩ Nguyễn Như Chính được xét tặng giải A. Ảnh: H.L

Theo đó, toàn tỉnh chỉ có 8 công trình có đủ điều kiện, tiêu chí, đáp ứng thể lệ giải được đưa vào xét duyệt ở hội đồng giám khảo chuyên ngành thuộc các lĩnh vực. Cụ thể: lĩnh vực khoa học tự nhiên có 3 công trình; khoa học kỹ thuật và công nghệ: 3; y dược: 1; khoa học xã hội & nhân văn: 1. Qua xét tặng, 3 trong số 8 công trình được trao thưởng lần này với cơ cấu 1 giải A, 1 giải B và 1 giải C. Ông Nguyễn Văn Diệu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh chia sẻ: “Có thể nói, lần xét thưởng đầu tiên này, không nhiều công trình đoạt giải bởi lẽ tiêu chí xét giải rất khắt khe, đòi hỏi công trình phải có tính khoa học lẫn thực tiễn. Hội đồng đã làm việc rất khách quan, trung thực, giải thưởng tôn vinh xứng đáng tâm huyết và năng lực cống hiến mà các tác giả, nhóm tác giả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Ông Diệu dẫn chứng, với công trình được xét thưởng giải A: “Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” của tác giả Đặng Ngọc Phái, Nguyễn Như Chính. Đây là công trình đầu tiên của tỉnh nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh, đặt cơ sở, nền tảng rất quan trọng cho việc nghiên cứu, phát triển về cây sâm quý. Công trình “Nghiên cứu đưa văn học Quảng Nam vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn THCS” của tác giả Trương Văn Huyên và cộng sự được xét trao giải B đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn dạy và học ở bộ môn ngữ văn bậc THCS. Công trình “Mạch báo động chống mất cắp cáp tổng hạ thế tại Trạm biến áp phụ tải” của tác giả Nguyễn Lê Toàn (Công ty Điện lực Quảng Nam) được trao giải C, vốn là công trình được đánh giá cao về thực tiễn trong ngành điện, giảm việc mất cắp tại các trạm biến áp phụ tải. Công trình đã được ngành điện xét sáng kiến trong phạm vi khu vực miền Trung…

Đặt nền móng cho cây sâm

Theo dược sĩ Đặng Ngọc Phái, Quảng Nam có nhiều cây thuốc chữa bệnh rất tốt, cần tiếp tục nghiên cứu các dược lý lâm sàng, bảo tồn và phát triển. Nghiên cứu phát triển giống cây con để cung cấp cho nhân dân và doanh nghiệp có nhu cầu trồng sâm và cây dược liệu cũng như hướng tới sản xuất dược phẩm từ cây sâm. Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh còn phải gắn liền với bảo vệ rừng đầu nguồn, chỉ có giữ rừng đầu nguồn thì mới tạo môi trường sinh thái để cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh có điều kiện phát triển tốt.

Bối cảnh những năm 1990, cây sâm Ngọc Linh (cây thuốc giấu) gần như bị khai thác cạn kiệt. Cả tỉnh ban đầu có 16 vùng sâm, song tới thời điểm thống kê của đoàn công tác UBND tỉnh, chỉ còn 1 vùng sâm. Việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ. Giai đoạn 2000-2001, từ đề tài “Ứng dụng kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”, dược sĩ Đặng Ngọc Phái và cộng sự đã xây dựng mô hình vườn sản xuất sâm giống và vườn sâm nhân dân nhằm góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển của vùng sâm nguyên liệu, đổi mới cơ cấu cây trồng của xã miền núi xa nhất, nghèo nhất của tỉnh. Cây sâm trở thành đối tượng cây trồng chính, trở thành cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng cao Nam Trà My. Dự án hướng tới bảo vệ nguồn gen cây thuốc đặc biệt quý hiếm, từng bước tạo nguồn nguyên liệu sản xuất chế phẩm từ sâm; góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái và khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh…

Dược sĩ Đặng Ngọc Phái chia sẻ, dự án khi ấy đã chuyển giao cho Viện Dược liệu 300 cây giống, việc di thực cây sâm đến vườn dược liệu quốc gia của Viện Dược liệu đã cho kết quả khả quan. Ngoài cung cấp 400 quả gieo thử tại Sa Pa, dự án còn tạo ra  342.700 cây giống qua 3 năm. Nguồn này được cung cấp xây dựng vườn sâm nhân dân và vườn sâm của Trại Dược liệu Trà Linh, hỗ trợ 35.000 cây cho tỉnh Kon Tum… Vườn sâm nhân dân giao cho xã, thôn quản lý và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Mô hình nóc, làng trồng sâm đã hình thành. Nhóm nghiên cứu của dược sĩ Đặng Ngọc Phái đã đề nghị UBND tỉnh cấp 50ha để ngành y tế mở rộng vùng trồng sâm dược liệu. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã quyết định triển khai dự án khôi phục, phát triển sâm Ngọc Linh từ năm 2004-2010 giao cho Sở Y tế và huyện Nam Trà My chủ trì, gồm 4 đề tài tiếp theo sau này.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôn vinh khoa học xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO