Sau lũ, tình trạng bùn non và rác thải sinh hoạt tràn ngập các khu dân cư ở đô thị lẫn khu vực nông thôn. Vì vậy, ngay sau khi nước rút, các địa phương đã huy động tổng lực người và phương tiện khắc phục ô nhiễm môi trường.
Người dân Đại Lộc gấp rút dọn bùn non trước khu vực nhà ở. Ảnh: L.T |
Tẩy rửa bùn non
Từ sáng 8.11 đến nay, vùng “rốn lũ” các xã Đại Cường, Đại Hòa, Đại Thắng, Đại Đồng, Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) đã rút nước nên người dân ra quân dọn quét, xịt rửa bùn non ngập nhà cửa, đường sá, các khu dân cư. Tại xã Đại Hòa, nhiều khu vực lớp bùn non vàng dày từ 5 - 15cm. Nơi đây, ngoài dùng các dụng cụ cào để đẩy bùn, ở những nơi có bùn dày, người dân thuê xe múc, máy bơm xịt lớp bùn non ra sông, cống rãnh. Theo ghi nhận, sáng 9.11, các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và người dân tiếp tục đồng loạt ra quân vận chuyển, xịt tẩy khối bùn non tại các nơi công cộng như trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban... Phần lớn nhà dân ở vùng rốn lũ đều bị lớp bùn non tràn vào, gây hư hỏng nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, thời điểm này phần lớn người dân đã tự dùng nhiều biện pháp để đưa lớp bùn non ra khu vực nhà ở và các con đường dân sinh. Lượng rác phát sinh sau lũ cũng gấp nhiều lần bình thường nên chính quyền đề xuất các đơn vị thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt tăng cường tần suất hoạt động.
Tại Đô thị cổ Hội An, từ ngày 8.11 đến trưa 9.11, hơn 1.000 chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Thành đội Hội An cùng người dân phố cổ tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các tuyến phố trung tâm bị ngập bùn nặng. Công ty CP Công trình công cộng Hội An huy động 250 người cùng nhiều xe xịt rửa đường, xe cuốn ép rác ưu tiên dọn dẹp tại các điểm phục vụ APEC như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quảng trường Sông Hoài… Tại các địa điểm này, những ngày qua có nhiều xe chuyên dụng và hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ dọn vệ sinh. Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Dũng cho biết, 3 ngày qua nước rút đến đâu sẽ có lực lượng đến thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và khắc phục bùn non ứ đọng đến đó. Đến ngày 9.11, các tuyến đường phục vụ cho sự kiện APEC cơ bản đã sạch đẹp. Trong khi đó, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam Nguyễn Ngọ cho hay, đơn vị đã hỗ trợ chính quyền TP.Hội An hơn 10 chuyến xe thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, do khối lượng rác tăng gấp 3 - 5 lần ngày bình thường. Sau lũ, các bãi rác lớn trên địa bàn tỉnh cũng hoạt động gần như hết công suất.
Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh
Nhiều người dân sống dọc ven sông Bàn Thạch, Trường Giang qua địa phận xã Tam Phú, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Hòa (Núi Thành) sau lũ đã phun thuốc khử trùng, diệt các loại ruồi muỗi để phòng chống dịch bệnh phát sinh. Theo nhiều hộ có chuồng nuôi gia súc gia cầm tại thôn An Khuông (xã Tam Xuân 1), vì chuồng nuôi gần nhà ở nên rác thải, phân từ chuồng trại theo nước tuồn ra môi trường rất hôi thối. Vì vậy, nhiều hộ đang dùng cloramin B theo hướng dẫn của ngành y tế để khử trùng nước sinh hoạt trước khi sử dụng. Sở Tài nguyên - môi trường cho hay, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước. Nếu không may các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường thì khâu xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Sở Tài nguyên - môi trường khuyến cáo ngoài dọn sạch vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, khơi thông cống rãnh thoát nước, người dân cần dùng vôi bột để tẩy rửa theo hướng dẫn của ngành thú y. Không để rác thải sinh hoạt ứ đọng hơn 1 tuần mà phải khẩn trương tập kết đúng nơi quy định để đơn vị có chức năng đến vận chuyển, đưa vào các nơi xử lý rác thải.
Để hỗ trợ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, Nhật Bản vừa hỗ trợ 105 thiết bị bơm lọc nước mới 100%, giúp người dân hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam có nước sạch để sinh hoạt. Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) vừa ký văn bản hướng dẫn các địa phương miền Trung chịu ảnh hưởng của bão số 12 (bão Damrey) và bị lũ lụt nghiêm trọng có biện pháp đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải, góp phần phòng chống dịch bệnh sau lũ. Theo đó, chính quyền cần theo dõi, phân công cán bộ xử lý môi trường thường xuyên như sử dụng cloramin B, viên aquatabs, máy phun hóa chất diệt khuẩn. Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.
Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế khẳng định, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay đơn vị cùng các địa phương tập trung phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và cứu trợ nhân dân sau lũ lụt theo phương châm lũ rút đến đâu tập trung xử lý triệt để khâu vệ sinh môi trường đến đó, không để xảy ra ổ bệnh và dịch bệnh bùng phát. “Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ; tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau khi nước rút; chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Các đơn vị y tế cung cấp cloramin B cho nhân dân nhằm khử khuẩn nguồn nước; thu gom và sử dụng vôi bột hoặc hóa chất để xử lý xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm” - ông Hai nói. Còn bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng, sau lũ ngành đã có văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương khẩn trương xử lý cấp bách những phát sinh rác thải sinh hoạt, tăng cường cán bộ môi trường đồng hành với người dân ra quân dọn vệ sinh môi trường.
TRẦN HỮU