Dù không đưa ra những cam kết vào sáng qua 19.11, nhưng chuyến viếng thăm Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng đoàn đại biểu cấp cao một lần nữa minh chứng cho sự quan tâm của Chính phủ Ấn Độ với khu đền tháp Mỹ Sơn, đặc biệt trên lĩnh vực bảo tồn di sản.
Chuyến thăm của Tổng thống Ram Nath Kovind đã khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Ấn Độ về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: V.LỘC |
Dấu ấn hợp tác
Lưu bút về chuyến thăm Mỹ Sơn, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind bên cạnh cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, còn bày tỏ lòng vinh dự khi được tham quan một di sản văn hóa thế giới rất nổi tiếng của UNESCO - một trung tâm của vương quốc Champa cổ mà sự tồn tại của nó mang đậm dấu ấn tinh thần văn hóa Hindu được du nhập từ Ấn Độ, đặc biệt là vẻ đẹp kiến trúc rất độc đáo và tinh xảo mà những nghệ nhân Champa xưa đã thể hiện. Theo Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, khu đền tháp đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc, chuyến thăm đã trở thành một trải nghiệm khó quên với Tổng thống cùng các đại biểu đến từ Ấn Độ. “Chúng tôi rất vinh hạnh khi được giúp đỡ Việt Nam trùng tu, bảo tồn các đền tháp, nhất là được chia sẻ những kinh nghiệm trong bảo tồn di sản. Hiện một nhóm nhà khảo cổ và trùng tu các đền tháp của Ấn Độ đã đến đây, tôi hy vọng họ sẽ hoàn thành tốt nhất công việc của mình” - Tổng thống Ấn Độ ghi trong sổ lưu niệm.
Từ năm 2016, dự án bảo tồn trùng tu các nhóm tháp Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ kinh phí đã chính thức được triển khai tại 2 nhóm tháp K, H và kéo dài đến năm 2021. Qua 2 năm thực hiện, đến nay dự án đã kết thúc giai đoạn 1. Trong đó, khu tháp K đã hoàn tất việc bảo tồn tôn tạo, đủ điều kiện để đưa vào phục vụ khách tham quan. Khu tháp H được gia cố, chống đỡ vững chắc và tu bổ một số vị trí bị xuống cấp. Ngoài ra, dự án cũng đã khai quật, phát hiện được 275 hiện vật các loại, trong đó có những hiện vật đặc sắc của nền điêu khắc Champa, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm.
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, dự kiến tháng 3.2019 dự án sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 với các phần việc như hoàn chỉnh bảo tồn nhóm tháp H và dọn dẹp trùng tu nhóm tháp A. Ngoài ra, phía Mỹ Sơn cũng sẽ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm - Ấn Độ dịch thuật 35 bia ký tại Mỹ Sơn và một số văn bia Chăm đang được trưng bày ở Việt Nam, hoạt động này sẽ được triển khai cuối năm 2018 và kết thúc cuối năm 2019.
Hỗ trợ hiệu quả
Thực tế, không phải đến năm 2016 khi dự án bảo tồn trùng tu các nhóm tháp H, K được chính thức thực hiện, mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực bảo tồn Di sản văn hóa Mỹ Sơn mới được phía Ấn Độ quan tâm. Để chuẩn bị cho việc xây dựng dự án, từ năm 2011 đến 2014, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và đoàn chuyên gia Cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đã thực hiện 7 chuyến khảo sát thực địa tại Mỹ Sơn, làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị Sở Ngoại vụ, Sở VH-TT&DL, UBND huyện Duy Xuyên để hoàn chỉnh dự án bảo tồn, tôn tạo khu di sản này.
Tại buổi đón tiếp Tổng thống và đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ thăm khu đền tháp Mỹ Sơn sáng 19.11, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, thông qua việc thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ được ký kết vào năm 2014 đã góp phần quan trọng giúp hồi sinh các đền tháp Mỹ Sơn. Chính phủ Ấn Độ đã và đang tài trợ dự án bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, qua đó giúp hồi sinh diện mạo khu di tích đền tháp Mỹ Sơn đang có nguy cơ trở thành phế tích.
Có thể thấy, từ nền tảng hợp tác hữu hảo giữa 2 nước thời gian qua cùng chuyến thăm và cảm nhận tốt đẹp của Tổng thống Ấn Độ về Mỹ Sơn lần này, hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội mới trong hợp tác văn hóa, nhất là trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa Mỹ Sơn hiện nay và những năm tiếp theo.
VĨNH LỘC - NGUYÊN ĐOAN