Trả học phí bằng... rác thải nhựa

NAM VIỆT 19/06/2019 15:26

(QNO) - Chai nhựa hay túi ni lông đã qua sử dụng có thể thay học phí tại một số ngôi trường trên thế giới.

Học sinh bang Assam (Ấn Độ) đi học với bao rác thải nhựa để khỏi đóng học phí, thậm chí có thêm tiền. Ảnh: homegrown
Học sinh bang Assam (Ấn Độ) đi học với bao rác thải nhựa để khỏi đóng học phí, thậm chí có thêm tiền. Ảnh: homegrown

1. Ngày nay, Nigeria vẫn là một đất nước nghèo, nơi 10,5 triệu trẻ hiện không được đến trường vì gia đình quá khó khăn. Nigeria được biết đến là quốc gia đông dân nhất châu Phi và thứ 7 trên thế giới với dân số gần 200 triệu người, đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng với chất thải nhựa. Ước tính mỗi năm, nước này thải ra môi trường hàng triệu tấn rác thải nhựa.

Một trường quốc tế ở Nigeria hợp tác với sáng kiến ​​African CleanUp và các trường học tại đây để thực hiện dự án về rác thải nhựa thay cho học phí. Dự án vừa giúp giải quyết cả vấn đề ô nhiễm nhựa và nhiều trẻ em nghèo tại quận Ajegunle, thuộc TP.Lagos được đến trường.

Theo dự án, cha mẹ học sinh có thể thu thập rác thải nhựa và mang đến các cơ sở để cân. Trọng lượng của rác thải sẽ được quy tương ứng số tiền rồi có thể trực tiếp đóng vào học phí cho con em của mình.

Cứ thế 2 tháng một lần, các công ty tái chế sẽ đến cơ sở để vận chuyển rác thải về. Sherifat Okunowo - một phụ huynh cho biết: “Với sự ra đời của dự án này, rác thải nhựa thực sự giảm gánh nặng học phí cho nhiều gia đình, lại tốt cho môi trường, cho sức khỏe của con người”. Dự án trên cũng đặt ra mục tiêu đưa 10.000 trẻ em nghèo tại Nigeria ra đến trường trong năm tới.

2. Tại Campuchia, một ngôi trường cũng khá kỳ lạ mang tên Coconut được anh Ouk Vanday xây dựng và trang trí với vật liệu hoàn toàn từ rác thải tái chế. Ngôi trường tọa lạc ở trong Công viên quốc gia Kirirom, được khởi động vào năm 2013 từ nhiều nguồn tài trợ và các giáo viên tình nguyện.

Học sinh trường Coconut, Campuchia thu gom rác thải trong công viên. Ảnh: AFP
Học sinh trường Coconut, Campuchia thu gom rác thải trong công viên. Ảnh: AFP

Ouk Vanday hướng dẫn các em học sinh nhặt rác thải có thể tái chế ở nhà và các khu vực xung quanh, mang đến lớp và xem như đây là tiền đóng học phí của các em. Mục tiêu sắp tới của Vanday là dự án sẽ tới các khu vực nghèo ở tỉnh Kampong Speu, và nhận 200 học sinh mà gia đình các em không có đủ khả năng tài chính để cho các em học phụ đạo.  

Ouk Vanday cho biết: “Dù số rác thải nhựa các em kiếm được không nhiều nhưng dự án giúp các em ngoài việc học thêm sẽ có kiến thức và hành động thực tế về bảo vệ môi trường”.

Theo luật, giáo dục công lập tại Campuchia hoàn toàn miễn học phí nhưng các bài học phụ đạo cho tiếng Anh hay môn ngoại khóa khác có chi phí khá cao (từ 5 USD tới hàng trăm USD/lớp, tùy thuộc vào trường và địa điểm). Vì vậy, nhiều gia đình không có khả năng chi trả.

3. Đến với ngôi trường Akshar tại bang Assam (Ấn Độ), nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu nhìn thấy một hàng học sinh đang đợi bên ngoài trường trong khi tay các em cầm theo các bao rác thải nhựa.

Mỗi tuần, toàn bộ 110 học sinh của trường là các em thuộc diện gia đình khó khăn mang đến trường khoảng 20 vật dụng là rác thải nhựa, túi ni lông. Chiến dịch này được khởi xướng vào cuối năm ngoái và toàn bộ rác thải nhựa, túi ni lông đã được mang đi tái chế thành gạch sinh thái.

Ngoài ra, trường cũng trả thêm tiền cho học sinh nào thu gom được nhiều rác thải, nhằm khuyến khích các em đến trường thay vì làm việc ở mỏ đá rất nguy hiểm. Phụ huynh của các em cũng phải làm cam kết không đốt rác thải nhựa.

Việc thu học phí bằng rác thải nhựa và túi ni lông góp phần thay đổi thói quen sử dụng của cộng đồng dân cư khu vực và nâng cao nhận thức, hành động thực tế của các em học sinh về rác thải nhựa và môi trường. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trả học phí bằng... rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO