Một “ý tưởng” ở cấp xã nhưng đánh động đến tận Bộ VH-TT&DL, khi lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở hôm qua 29.8 đã gửi công văn yêu cầu địa phương kiểm tra thông tin người dân xã Hồng Tiến (TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị yêu cầu đóng góp 300.000 đồng/hộ để tổ chức lễ hội đâm trâu truyền thống.
Vấn đề quan tâm ở đây, nếu là lễ hội truyền thống thì không thể áp đặt thu tiền của dân, vì tổ chức lễ hội thuộc trách nhiệm của địa phương. Đã có “tiền lệ” với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), liên tiếp trong tháng 6 và tháng 8.2018 đề xuất bán vé đã bị Bộ VH-TT&DL bác bỏ. Chưa kể, với lễ hội đâm trâu lại càng phải được quản lý đúng theo quy định của Chính phủ, trong đó yêu cầu hạn chế hình ảnh bạo lực, phản cảm và nên mô phỏng tập tục hiến sinh.
Sẽ càng đáng tiếc nếu biết rằng, Thừa Thiên Huế chính là một trong những nơi đi tiên phong trong việc “nói không” với hình thức đâm trâu. Từ tháng 3.2016, lễ hội Ariêu Car ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã chủ động bỏ lễ này. Tiếp đó, nhiều huyện vùng cao ở Quảng Nam, Lâm Đồng, Đăk Lăk… cũng nhập cuộc. Chuyện cả 10 xã vùng cao Tây Giang, nơi có đến 98% đồng bào Cơ Tu cư ngụ, chấp nhận sửa cả luật tục là cả một cuộc “cách mạng” trong tư duy.
Trở lại với nguyên ủy của tập tục hiến sinh, vốn được đề cập khá sớm trong tác phẩm “Những kẻ săn máu” của Le Pichon, được cho là có dính dáng đến tục săn đầu người ở vùng cao Quảng Nam. Chính nhà nghiên cứu Quách Xân đã chứng kiến cảnh đồng bào ở xã Ba thuộc huyện Hiên cũ đi “săn máu” cúng Giàng sau nhiều năm liên tiếp mất mùa hồi năm 1949. Tập tục hiến máu sống cũng xuất hiện lâu đời trong đời sống sinh hoạt của các tộc người dọc dải Trường Sơn, từ bắc Tây Nguyên trở ra đến Quảng Trị.
Ấy là tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng. Thế rồi, có đến tận các bản làng mới thấy “niềm tin” đã… đánh gục “hầu bao” đến mức độ nào, khi hiến tế một con trâu đồng bào phải đánh đổi một gia sản lớn, thậm chí lâm nợ. Một cái vòng luẩn quẩn đeo bám. Và khi các tour tuyến du lịch mở về vùng cao, tập tục hiến sinh trong góc nhìn của thế giới hiện đại lại bị hiểu sai lệch. Từ đó, tâm lý xã hội càng không đồng thuận với những hình thức đâm chém man rợ.
Vẫn có sự khác biệt giữa ý thức của cộng đồng làng với quan điểm từ phía các chuyên gia nghiên cứu lễ hội, du lịch. Đâm trâu “thật” thì gây phản cảm, lại tốn kém. Đâm “giả”, tức chỉ diễn để phục vụ du lịch, thì mất ý nghĩa. Nhưng dù sao, lược bỏ tập tục cũ đã dũng cảm, “nói không” với ý định thương mại hóa lễ hội càng đáng được hoan nghênh. Vậy thì hà cớ gì có nơi lại bất ngờ muốn người dân đóng góp mua trâu về đâm, khác nào nộp tiền để được xem một lễ hội đang trên lộ trình chỉnh sửa?
C.B.L