Trách nhiệm công vụ

TRẦN HỮU 01/02/2013 09:16

VÌ sao cứ mỗi dịp trước tết, lãnh đạo tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, khoáng sản? Câu hỏi nghe có vẻ sáo mòn, nhưng đó quả thật là mối quan tâm của toàn xã hội khi mà bao cánh rừng ngày càng bị đe dọa, nghèo nàn hệ sinh thái. Lật lại hồ sơ gần đây, có thể thấy các vụ phá rừng “đình đám” nhất thường rơi vào dịp tết. Có thể dẫn ra vụ gần nhất xảy ra hồi trước tết năm ngoái ở thượng nguồn thủy điện Đắc My với hơn 100m3 gỗ bị khai thác trái phép. Xa hơn, chừng 5 năm trước là phá rừng ở khu vực Nà Thao, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) với hàng trăm mét khối gỗ bị “xẻ thịt”. Thủ phạm đã bị đưa ra ánh sáng công lý trừng trị. Vậy nhưng, tình trạng vơ vét tài nguyên vào cuối năm dường như vẫn còn thách thức cơ quan chức năng, dù tỉnh đang tăng cường nhân lực, đầu tư lớn tiền bạc cho nhiệm vụ giữ rừng. Những chỉ thị, công điện mang tính “kỷ luật sắt” đã phát đi luôn là hồi chuông cảnh báo cho các địa phương có rừng. Tuy nhiên, để “mệnh lệnh” đó đi vào đời sống, thấm sâu vào hiểu biết của người dân lại là chuyện khác.

Trong cuộc đối thoại với toàn lực lượng kiểm lâm của tỉnh đầu năm, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang dũng cảm chỉ ra “căn bệnh” của cán bộ kiểm lâm địa bàn là chưa hoặc không làm hết trách nhiệm tuyên truyền để người dân hiểu từng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ rừng. Ông Quang nói đại ý rằng, bao cuộc hội thảo, hội nghị, trao đổi trên diễn đàn chưa chắc có hiệu quả bằng một cán bộ trực tiếp xuống dân tuyên truyền, giải thích. Người dân thì không bao giờ quan tâm chỉ thị số mấy, ngày giờ ra sao, điều cốt lõi là họ tiếp nhận, thức nhận tinh thần của chỉ thị đó tới đâu. “Tôi nói thật, nhiều cán bộ bây giờ lơ là quá, không đọc hết nội dung chỉ thị để thực thi hết trách nhiệm  công vụ được giao. Chúng ta không chủ trương phá hoại tài sản của người vi phạm tài nguyên rừng, nhưng không bao giờ chấp nhận “điệp khúc” mỗi lần truy quét, rồi bất lực ra về không xử lý phương tiện trái phép trong rừng. Xảy ra phá rừng, kiểm lâm địa bàn phải bị “xử” đầu tiên” - ông Quang thẳng thắn.

Thực ra, không ít văn bản pháp lý, chế tài xử phạt đối tượng sai phạm trên lĩnh vực tài nguyên rừng đã ban hành, song nhiều nơi chỉ áp dụng theo kiểu… giơ cao đánh khẽ. Trên thực tế, không ít địa phương miền núi buông lỏng quản lý để “vàng tặc” hoành hành trắng trợn nhưng chưa thấy cán bộ nào bị kiểm điểm, xử lý.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trách nhiệm công vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO