Viết và nói về nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn khi ông đã rời xa cõi tạm hơn 1 thập kỷ có vẻ như đã thừa, đã cũ, nhất là đến hôm nay, khi ngày tưởng niệm 13 năm ông qua đời (1.4) đã qua được 4 - 5 hôm. Tuy vậy, từ Quảng Nam - nhất là ở thời điểm trước thềm Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh lần thứ VIII, ngẫm về “vị trí” tác phẩm của Trịnh để soi chiếu với thực trạng sáng tác hiện tại, hẳn không phải là điều vô lý; dẫu biết rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải, chưa từng là “hội viên” của Hội VH-NT Quảng Nam; mà ông là một hiện tượng của âm nhạc Việt Nam, khó thể so sánh với bất kỳ văn nghệ sĩ nào. Nhiều người đã “vịn” ca từ của ông để đứng dậy (Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng!), lấy ca từ của ông làm phương châm sống (Sống trong đời sống cần có một tấm lòng) v.v... Người ta cũng có nhiều cách để nhớ về ông. Đó là một “gác Trịnh” - điểm hẹn cho những người yêu mến Trịnh Công Sơn ở Huế; đó là những quán cà phê như Điểm hẹn ở Điện Bàn, Tuấn Ngọc ở Tam Kỳ thường tổ chức những đêm nhạc Trịnh Công Sơn.
Đối với việc sáng tác, một điều không cần và không thể bàn cãi, là một khi nghệ sĩ dám dấn thân cho nghệ thuật, thâm nhập thực tế bằng cách cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân, sẽ tạo ra được tác phẩm mang hơi thở cuộc sống. Ví như những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn sẽ còn mãi với thời gian; đã, đang và sẽ được cất lên ở mọi lúc, mọi nơi, dẫu ông đã về với cát bụi. Bởi vì ca từ trong nhạc phẩm của ông đồng cảm với nỗi đau, niềm vui, cái buồn... của nhân loại; ông và âm nhạc của mình “sống” thường hằng cùng nhân sinh.
Thực tế hiện nay tại Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung, có một số tác phẩm VH - NT nổi đình nổi đám một thời gian ngắn, được báo chí lăng xê, đạt hiệu quả tức thì rồi mau chóng rơi vào quên lãng. Có tác phẩm bị đình chỉ phát hành, lại được tác giả lên tiếng biện hộ: “sách cấm” là sách hay. Không hẳn như vậy dù “sách cấm” thường được độc giả săn lùng. Ấy là nói theo câu phổ biến của người Trung Quốc “Tuyệt dạ độc cấm thư, nhân sinh nhất khoái sự” - “sách cấm” có thể khiến độc giả thích thú ở một góc độ nào đó, có thể vì hiếu kỳ, vì tò mò. Ngay cả Diêm Liên Khoa - nhà văn có nhiều “sách cấm” nhất Trung Quốc cũng chỉ hy vọng, nỗ lực trở thành một nhà văn tốt, chứ không phải trở thành tác giả có “sách cấm” nhiều nhất!
Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước, xã hội và công chúng hiện đang kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ có nhiều tác phẩm VH - NT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VH - NT trong thời kỳ mới (Tỉnh ủy Quảng Nam đã có Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này) đã và đang thổi luồng gió mới, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát huy tài năng của mình; đồng thời tạo nhận thức sâu hơn về vị trí, vai trò của VH - NT trong đời sống xã hội và đặc biệt là xác lập rõ hơn sứ mệnh, trách nhiệm của người nghệ sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Cuộc sống và thời gian luôn khẳng định một điều: chỉ những văn nghệ sĩ thật sự tâm huyết, biết dấn thân, lao động nghệ thuật nghiêm túc mới có thể tạo ra những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đồng hành với bước đi của quê hương, đất nước và có chỗ đứng trong lòng công chúng...
CHÂU NỮ