Trách nhiệm trước Đảng, trước dân

Doãn Hoàng (ghi) 07/02/2013 10:54

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trên thực tế, đã có những chuyển biến bước đầu rất tích cực sau một năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống…

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 bàn kế hoạch triển khai Nghị quyết Trung ương 4. Ảnh: DOÃN HOÀNG
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 bàn kế hoạch triển khai Nghị quyết Trung ương 4. Ảnh: DOÃN HOÀNG

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Nguyễn Hữu Mai:
“Cần kiên trì, lâu dài và thường xuyên”

Tôi cho rằng, qua một năm triển khai Nghị quyết đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là về tư tưởng, nhận thức. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trong quá trình kiểm điểm đã nêu lên được hiện tượng, sự việc cụ thể, kiểm điểm sâu sắc hơn, khác với những lần trước. Nghị quyết Trung ương 4 đã khơi dậy lòng tin trong nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4 là cơ hội để các đồng chí lãnh đạo cấp cao soi rọi về thái độ và trách nhiệm chính trị, tìm ra hướng tháo gỡ, khắc phục những tồn tại yếu kém. Nói rằng “một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền đang có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống…” mà chưa tìm ra “bộ phận nhỏ” đó là ai thì thực sự nhân dân chưa đồng tình, chưa thuyết phục. Việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 không nhất thiết phải đưa ai đó ra kỷ luật, mức kỷ luật nặng hay nhẹ… mà phải làm rõ trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Điều quan trọng nữa là giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 phải mạnh mẽ, triệt để; xem đây là cuộc đấu tranh kiên trì, lâu dài, phải thường xuyên.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Trần Xuân Thọ:

“Sẽ thay thế cán bộ lãnh đạo không đủ năng lực”

Năm 2012 có thể nói là năm công tác tổ chức cán bộ có sự đổi mới tích cực về nhiều mặt; trong đó, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ đã đổi mới về nội dung, phương pháp đánh giá theo hướng làm rõ ưu - khuyết điểm, mặt mạnh - mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và triển vọng phát triển của cán bộ, công chức. Cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cả 3 cấp được thực hiện đúng quy trình; số lượng, chất lượng cán bộ dự nguồn quy hoạch đều tăng so với quy hoạch trước đây. Cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học kỹ thuật… được các cấp lãnh đạo quan tâm phát hiện và giới thiệu nguồn, đồng thời được tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng và có kế hoạch luân chuyển để phát triển. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định luân chuyển 12 trường hợp, trong đó có 3 đồng chí Tỉnh ủy viên. Hầu hết các đồng chí sau luân chuyển đến nay đều khẳng định được vai trò, nhiệm vụ và đã có những đóng góp hiệu quả trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị.

Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), năm 2013 này, Tỉnh ủy sẽ tập trung làm tốt các khâu của công tác cán bộ. Trong đó, ban hành các quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế bổ nhiệm cán bộ; hướng dẫn quy hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và tiêu chí đánh giá cán bộ cụ thể. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh củng cố, kiện toàn các chức danh chủ chốt các sở, ban ngành, mặt trận và các đoàn thể, các huyện, thành phố. Theo đó, mạnh dạn thay thế những cán bộ không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hay hết tuổi công tác…

“Thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương, đơn vị đã thực hiện với tinh thần tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, cầu thị. Qua kiểm điểm, đã kịp thời chỉ đạo giải quyết, xử lý những tồn tại, khuyết điểm. Trong đó, nổi bật là tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh về phát triển thủy điện, quản lý bảo vệ khoáng sản, tài nguyên rừng; các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường; xử lý sai phạm trong giải quyết chế độ chính sách xã hội, quản lý đất đai.
Tuy nhiên, việc kiểm điểm, phê bình chỉ là bước đầu tiên trong  thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Bước tiếp theo phải tiếp tục xử lý cá nhân, người đứng đầu có sai phạm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí... Năm 2013, Tỉnh ủy quyết tâm thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là công tác cán bộ, trong đó chú trọng chất lượng cán bộ, sự tâm huyết, trách nhiệm cá nhân và tập trung củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải)

Bí thư Huyện ủy Thăng Bình -  Phan Nghĩa:

“Chuyển biến mạnh!”

Ở Thăng Bình, đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình vừa qua đã có tác dụng nhắc nhở, chấn chỉnh và góp phần ngăn chặn những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nội bộ cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các chi bộ sau kiểm điểm  đã tiếp tục củng cố khối đoàn kết thống nhất, có tình cảm chan hòa, gắn bó, chia sẻ với nhau hơn. Từ việc soi rọi kỹ về mình, các tổ chức đảng và đảng viên đã đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.  

Trên cơ sở kết quả kiểm điểm, nhiều ý kiến đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, cơ quan; nội quy quy chế của cơ quan, đơn vị. Đồng thời xác định và nêu quyết tâm chỉ đạo những việc cần làm ngay, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, có lĩnh vực quản lý cán bộ công chức, chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính, tinh thần thái độ làm việc phục vụ nhân dân; quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lâm sản ở một số nơi như Bình Dương, Bình Đào, Bình Minh, Bình Hải, Bình Trị, Bình Phú. Huyện ủy cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý một số trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước tại một số nơi.

 Một vấn đề khá quan trọng và có chuyển biến tích cực là qua kiểm điểm, từng cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đơn vị xác định rõ hơn trách nhiệm trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đề ra các nội dung hoàn thiện chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách liên quan thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Bí thư Đoàn xã Tam Dân, huyện Phú Ninh - Nguyễn Văn Phúc:

“Cơ hội để tu dưỡng, rèn luyện bản thân”

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, bản thân tôi xác định việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống rất quan trọng, nhất là trong vai trò đảng viên, cán bộ đoàn ở cơ sở. Nghị quyết là điều kiện để chúng tôi soi rọi lại bản thân mình. Cũng nhờ kiểm điểm, đóng góp ý kiến của đồng chí, tôi nhận ra mình vẫn còn một số khuyết điểm cần sửa chữa như việc sắp xếp công việc chưa thực sự khoa học, nền nếp, một số việc chưa đặt quyết tâm cao để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, còn ngại va chạm…

Là cán bộ trẻ, nhiệt huyết với nhiệm vụ được giao và mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho phong trào đoàn, công tác địa phương, tôi đã xây dựng cho mình kế hoạch hành động, học tập cụ thể. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục tham mưu Đoàn cấp trên về bố trí nguồn vốn vay cho thanh niên đầu tư sản xuất, tham mưu cấp ủy đảng về quy hoạch, bố trí cán bộ trẻ trưởng thành từ phong trào đoàn, đề xuất các nội dung giáo dục, quản lý đoàn viên phù hợp hơn trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay…

Doãn Hoàng (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trách nhiệm trước Đảng, trước dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO