Tại các khu tái định cư mới ở xã Duy Hải, trong lúc người dân đang loay hoay với chuyện an cư, ổn định sinh kế, hay ngay ở ngôi làng từng bị xác xơ do gặp sự cố vỡ dòng dẫn hầm thủy điện Sông Bung 2, chính quyền địa phương lẫn chủ đầu tư nhà máy thủy điện đã kịp thời mang sự ấm cúng của mùa xuân đến từng gia đình, chia sẻ phần nào khó khăn cho người dân.
Quà tết cho vùng dự án
Để chạy cho kịp tiến độ xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng Hội An, xã Tam Hải (Duy Xuyên) - vùng trọng điểm giải tỏa mặt bằng, chủ đầu tư lẫn chính quyền phải cấp tốc hoàn thiện các khu tái định cư dở dang để đưa người dân vào sinh sống. Theo đó, có hàng trăm hộ tại đây đón tết cổ truyền của dân tộc ở các ngôi làng mới, với điều kiện sinh hoạt không mấy thuận lợi. Đất chật người đông, Duy Hải từng được biết đến như xã nghèo ở vùng đông của huyện Duy Xuyên. Phần lớn người dân sống bằng nghề biển và sản xuất nông nghiệp, nhưng đất canh tác thì bị chia cắt nhỏ lẻ. Trong khi đó, hầu hết người dân đến làng tái định cư đều nằm trong diện giải tỏa trắng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu trao quà tết cho người nghèo xã Duy Hải (Duy Xuyên) dịp Xuân Đinh Dậu - 2017. Ảnh: CHÂU TẤN |
Ông Huỳnh Bửu - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai thông tin, xã Duy Hải bị giải tỏa trắng khoảng 1.000ha để nhường đất cho dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và các khu tái định cư. Thời điểm này, hơn 200ha đất đã được thu hồi bàn giao cho nhà đầu tư, hàng trăm hộ chuyển vào khu tái định cư mới ở thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải). Những người sống bằng nghề biển tuy có sự xáo trộn về điều kiền đi lại (do chỗ ở mới xa khu dân cư cũ) nhưng vẫn tiếp tục khai thác hải sản. Điều đáng lo nhất là số lượng không nhỏ người dân canh tác đất nông nghiệp chuyển đến làng mới, loay hoay tìm nghề khác thay thế. Chuyện hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho dân vùng dự án vẫn là vấn đề đau đầu của chính quyền và chủ đầu tư. Một số ít thanh niên tự tìm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, đi phụ hồ, làm nghề tự do, còn lại người lớn tuổi, đối tượng chưa được đào tạo nghề bài bản thì vẫn chưa có nghề nghiệp ổn định.
Khu tái định cư Tây Sơn Đông vào xuân sặc sỡ sắc màu. Màu đỏ của cờ Tổ quốc phất phới đan xen trong màu sơn mới của những ngôi nhà san sát nhau. Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống khẳng định, người dân vùng cát vừa đón một cái tết vui vẻ, đủ đầy. Các làng tái định cư thì có nhiều phấn khởi hơn, do nhiều gia đình còn nguồn tiền bồi thường giải tỏa tích lũy bỏ ngân hàng. Nỗi lo của chính quyền là về lâu dài cần chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, làm sao để người dân quản lý, sinh lợi số tiền bồi thường tương đối lớn. Chia sẻ với đời sống các gia đình chính sách, bà con ngư dân nghèo của xã Duy Hải, trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đến thăm hỏi và tặng 130 suất quà. Tại đây, lãnh đạo tỉnh bày tỏ vui mừng khi thấy cuộc sống ngư dân ven biển có nhiều khởi sắc, các làng tái định cư từng bước khớp nối về hạ tầng cơ sở. “Lãnh đạo tỉnh rất thông cảm trước những khó khăn của một số người dân chưa kịp hoàn thành nhà mới để đón tết cổ truyền. Tôi mong muốn bà con vùng dự án cố gắng sử dụng có hiệu quả tiền bồi thường. Khẩn trương xây dựng nhà cửa, sớm an cư lạc nghiệp, chăm lo con cái học hành tốt nhất” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
Đồng hành với gia đình bất hạnh
Cận tết, căn nhà của bà Trần Thị Phương (trú thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) bỗng đông đúc người đến thăm hỏi, động viên. Chính quyền, người dân, cả doanh nghiệp đến thắp nén nhang tưởng nhớ anh Đặng Văn Tuyền (chồng chị Phương) - một trong 2 người bị tử nạn do sự cố vỡ đường ống dẫn dòng Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 xảy ra hồi giữa tháng 9 năm ngoái. Chị Phương tâm sự: “Con tôi trong độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ chưa tới 3 tuổi. Với đứa nhỏ đến nay tôi vẫn nói dối là ba vẫn còn đi làm chưa về”. Nhiều tháng qua, thời tiết miền núi diễn biến thất thường, mưa liên tục nhưng chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực khắc phục phần nào thiệt hại do sự cố thủy điện Sông Bung 2 gây ra. Đến nay, chủ đầu tư đã tiến hành 2 đợt chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho hơn 160 hộ dân ở 7 thôn thuộc 4 xã vùng cao huyện Nam Giang với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Bung 2) cho biết, những ngày qua, đơn vị đã huy động các công ty thành viên cùng các nhà thầu tham gia trên công trường đến động viên, thăm hỏi gia đình nạn nhân sự cố thủy điện Sông Bung 2. Doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà cho 2 gia đình nạn nhân ở 2 tỉnh Phú Thọ và Hải Dương; trao sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng dịp tết hỗ trợ gia đình chị Trần Thị Phương để chị nuôi 2 cháu ăn học.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Phạm Thị Như cho biết, riêng 3 hộ bị trôi nhà, chính quyền các cấp vận động bà con sau khi nhận tiền đền bù tính toán dựng lại nhà ở, địa phương bố trí đất trên cao, đảm bảo an toàn hơn. Cùng với khoản tiền bồi thường do chủ đầu tư chi trả trước Tết Đinh Dậu 2017, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ mỗi thôn, bản vùng cao 15 triệu đồng, huyện hỗ trợ thêm 4 triệu đồng và xã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Như vậy, mỗi thôn vùng cao có khoảng 20 triệu đồng để tổ chức cho đồng bào ăn tết. Dịp tết, tại huyện miền núi này không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
TRẦN HỮU