Trái tim đàn bà

BẢO LÂM 03/01/2016 13:18

Trái tim đàn bà đâu chỉ biết đập cho riêng mình mà còn biết đập những nhịp yêu thương, san sẻ, bao dung, vị tha với người thân và cộng đồng, dù tác giả cho rằng phải biết yêu thương bản thân mình trước khi yêu thương người khác. Nhà báo Quỳnh Hương (Báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh) đã thủ thỉ như thế qua 35 tản văn trong “Trái tim đàn bà”(*).

Quỳnh Hương muốn cùng độc giả nhóm lên những quầng lửa ấm từ những ngọn lửa nhỏ, bằng những chuyện thường nhật, bằng ký ức đong đầy (Mùi của thương nhớ), và nhiều khi rất mang tính thời sự (Tận hưởng bình tĩnh, Phây-búc của bạn ở đâu). Cứ thế, sách đi vào lòng người bằng lời văn nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Bạn có thể thấy trái tim nhân hậu, yêu thương biết bao của bà mình, của mẹ mình. Bạn cũng sẽ thấy trái tim của mình thấp thoáng trong “Trái tim đàn bà”-  trái tim vốn dĩ mong manh nhưng mạnh mẽ, nhân ái và rộng lượng…

Thời công nghệ, nhiều bà mẹ trẻ dường như quên lãng lời ru. Nhưng biết đâu được, trong một lúc khốn khó nào đấy, ai đó sẽ nương tựa lời ru mà đứng dậy: “Bạn làm mẹ, bạn đang có món quà tuyệt vời để trao tặng con mình, để con mang theo suốt cuộc đời như một kỷ vật thân thương, như chỗ cưu mang cuối cùng, như lời nhắc nhở về tình yêu và nguồn cội” (Nương tựa ầu ơi). Trong cuộc sống hối hả bận rộn, buổi sáng vội vàng đưa con đi học, buổi chiều hớt hãi đón con về,  bạn có còn tâm trí để để ý đến những gì xảy ra chung quanh? Hãy thử một lần đi đường thật chậm để thấy cầu vồng và vẻ đẹp thanh khiết sau cơn mưa, để thấy khóm hoa mọc ven đường, và để chào chị công nhân vệ sinh một tiếng và để nhận ra: “Không có con đường nào buồn chán,  mọi con đường đều kỳ thú và mới mẻ mỗi ngày, nếu bọn mình đi chậm, nhìn kỹ với đôi mắt biết kinh ngạc và tưởng tượng” (Đi đường thật chậm). Trong cuộc sống quá nhiều bất trắc và hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào như hiện nay, phản xạ tốt nhất cần có là sự bình tĩnh “để đừng trì hoãn điều mình muốn làm, để trao tặng người thân yêu của mình tối đa những cơ hội họ được sống theo cách họ thấy hạnh phúc” (Tận hưởng bình tĩnh).

Bạn sẽ gặp một bà mẹ từng học rất giỏi nhưng chịu ở nhà nội trợ chỉ vì con cô ấy cần mẹ dắt đi công viên, nghe mẹ kể chuyện, cùng mẹ chơi đồ hàng; chỉ vì không muốn con mình bị ti vi coi giùm hay iPad, iPhone quản lý (Một thế hệ bị bỏ rơi). Bạn còn gặp một người vợ, người mẹ tự cứu lấy đời mình khi không cam chịu sống tiếp trong một cuộc hôn nhân bởi nhận ra rằng: “Hôn nhân rút cục là cái bếp lửa, nó chỉ cháy được khi được đưa củi đều tay và từ nhiều phía. Chỉ một người cố gắng vun vén, trước sau gì bếp lửa ấy cũng sẽ lạnh và thoi thóp” (Tự cứu đời mình). Và, bạn sẽ gặp một gian bếp - trái tim đàn bà. Đàn bà nấu bếp đâu chỉ để ăn. Có khi để thương nhớ, có khi là một lời xin lỗi, có khi để… xả giận. “Nếu không có bếp - góc ấm nhất trong một căn nhà, trái tim của một người đàn bà - thì rất có thể chúng ta sẽ không yêu thương được ai đó, không đủ rộng lượng để chịu đựng được ai đó, cho đến hết cuộc đời này…” - một phụ nữ hiện đại như nhà báo Quỳnh Hương quan niệm về bếp như vậy.

Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh cảm nhận: “Ngọn lửa nhỏ - chất chứa một trái tim đàn bà nên không thiếu những lo âu, khắc khoải, đổ vỡ. Lạ lạ ngay cả khi bị hờ hững, bị phản bội, cái còn lại chỉ là sự mất mát thì trái tim ấy vẫn đập nhè nhẹ, vẳng lên lại cái thanh âm dịu dàng, khẽ khàng, lay động. Nó kiêu hãnh ngay cả trong sự chịu đựng và tha thứ”.

BẢO LÂM
(*) Trái tim đàn bà, NXB Hội nhà văn ấn hành quý 2.2015.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trái tim đàn bà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO