Trại viết "mở"

BẢO ANH 08/09/2018 05:31

Lần đầu tiên kể từ ngày tái lập tỉnh, Chi hội Văn học trực thuộc Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh tự đứng ra tổ chức một trại sáng tác cho riêng mình. Không phải chỉ diễn ra trong 5 - 10 ngày và tập trung tại một địa điểm cố định như thường thấy, trại sáng tác này khai mạc vào ngày 29.6 và kéo dài cho đến hết tháng 8; phạm vi “tác nghiệp” dành cho các trại viên cũng mở rộng trên toàn tỉnh Quảng Nam. Phương thức hoạt động của trại hoàn toàn “mở”. Sau khi được phổ biến chủ trương, đề tài và các quy định, mỗi trại viên tự quyết định mình sẽ đi thực tế những đâu, ngày nào, kéo dài trong bao lâu...

Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, việc quyết định nới thời gian của trại lên tới gần 2 tháng là để cho hội viên dễ dàng hơn trong việc tự thu xếp đi thực tế; vừa giúp họ có “khoảng lặng” cần thiết để cảm nhận và sáng tác. Ngoài hai chuyến đi thực tế tập trung tại Cù Lao Chàm và Nam Giang, nhiều hội viên đã tự lập các nhóm nhỏ để cùng nhau đi thực tế. Điều đặc biệt là, dù không còn được bao cấp ăn ở hoàn toàn (từ nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm của Trung ương), song nhiều hội viên vẫn vui vẻ bỏ thêm tiền túi để đi; có người đi đến 2 - 3 chuyến. Mà, địa bàn họ tìm đến đều thuộc các vùng xa, vùng khó khăn, do yêu cầu đề tài của trại là viết về miền biển và miền núi.

Quỹ thời gian “mở” và đi thực tế trong một tâm thế cũng rất “mở”, hầu hết những người dự trại sáng tác lần này đều đã có tác phẩm. Người ít thì một, hai bài. Người nhiều lên đến hơn 10 bài. Hiện tại, tổng số bản thảo của các hội viên gửi về cho ban tổ chức trại đã lên đến 94 trang A4. Ngoài ra, hơn 20 người đã có tác phẩm viết từ trại được công bố trên Báo Quảng Nam, Tạp chí Đất Quảng và một số báo, tạp chí văn nghệ khác. Theo đánh giá bước đầu của ban tổ chức trại, trừ những tác phẩm “đã được kiểm định chất lượng” thông qua việc được đăng tải, số tác phẩm còn lại nhìn chung cũng có chất lượng khá tốt. Điều hơi tiếc, có chăng, là thơ vẫn chiếm số lượng áp đảo, còn văn xuôi thì rất thưa thớt do hầu hết những người thuận tay về mảng này đều cho biết là “đang chờ cảm xúc chín thêm”.

Trong sáng tạo văn học xưa nay, người ta thường bảo muốn có tác phẩm tốt thì cần có độ lùi thời gian. Và ở một hướng khác, việc đi và viết ngay, mau lẹ và nóng hổi, xem ra cũng “hay” không kém do người viết có thể cầm nắm được gần như ngay tức thì những cảm xúc tươi nguyên, đột khởi, chợt hiện... Và, nói như nhà văn Lê Trâm, về lâu dài thế nào thì chưa thể biết được, còn trước mắt đã có thể hài lòng khi mà sau khi dự trại và đi thực tế, “nhiều người đã viết khác hẳn, khởi sắc hẳn lên!”...

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trại viết "mở"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO