Trai xứ dừa làm du lịch sinh thái

VINH ANH - LÊ QUÂN 21/06/2017 11:30

Câu chuyện khởi nghiệp từ mô hình du lịch sinh thái của chàng trai xứ dừa Cẩm Thanh (TP.Hội An) Nguyễn Tuấn Liên (SN 1982) làm cho nhiều người phải khâm phục.

Nguyễn Tuấn Liên. Ảnh: VINH ANH
Nguyễn Tuấn Liên. Ảnh: VINH ANH

Đang vào mùa cao điểm du lịch nên du khách nườm nượp đổ về làng dừa nước Cẩm Thanh. Nguyễn Tuấn Liên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cẩm Thanh Discovery đồng thời là ông chủ của khu du lịch sinh thái Tuấn Liên đang rất bận rộn. Bên anh lúc nào cũng kè kè 2 máy điện thoại vì các công ty lữ hành và du khách liên tục gọi điện đặt tour.

Từ tay cầm kéo cừ khôi

Nhà có đến 6 anh chị em, cha mẹ là ngư dân nên tuổi thơ của Tuấn Liên khá cơ cực. Anh bảo mình chỉ học đến lớp 7, sau đó phải đi làm thuê đủ thứ nghề. Từ sửa xe đạp, học may mui nệm (làm yên xe các loại), nuôi tôm cho đến làm thợ cắt tóc. “Hàng ngày nhìn thấy hình ảnh bác cắt tóc cạnh nhà nên một hôm mình đã nảy ra ý định đi học nghề cắt tóc. Mình bỏ hết việc để đi học nghề, học được chừng… một tháng rưỡi là mở tiệm hớt tóc” – Tuấn Liên chia sẻ.

Ông chủ trẻ Nguyễn Tuấn Liên tại khu du lịch sinh thái của mình. Ảnh: VINH ANH
Ông chủ trẻ Nguyễn Tuấn Liên tại khu du lịch sinh thái của mình. Ảnh: VINH ANH

Vừa làm vừa học và không ngừng học, sáng tạo là bí quyết đi đến thành công của Tuấn Liên với nghề cắt tóc. Anh đã đi khá nhiều nơi để học nghề, tích lũy kinh nghiệm. Sự mới lạ, độc đáo luôn thôi thúc, buộc anh phải suy nghĩ, tìm tòi để làm cho bằng được. Tiệm cắt tóc Tuấn Liên là một trong những cửa tiệm khá nổi tiếng ở TP.Hội An. Có thời điểm ở Hội An có đến 3 cửa tiệm cắt tóc Tuấn Liên. Nhưng đến nay, do công việc kinh doanh nên Tuấn Liên chỉ còn duy trì một tiệm cắt tóc tại số 200 đường Lý Thường Kiệt (TP.Hội An).

Những năm tháng hành nghề cắt tóc, Tuấn Liên đã đào tạo, tận tình chỉ dạy cho nhiều thanh niên địa phương thành thợ lành nghề. Anh bảo, nghề cắt tóc cho anh nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất là sự trải nghiệm với đời. Với nghề  cắt tóc anh được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người, nhất là những người tài giỏi, thành đạt, một phần cũng nhờ cái tính dễ gần, hòa đồng, vui vẻ. Tuấn Liên cho biết: “Đó là một điều may mắn với tôi. Không dễ để được gặp họ - những người tôi chỉ gặp tình cờ trong quán cắt tóc, sau những cuộc nói chuyện chóng vánh nhưng với sự trải nghiệm của họ đã cho tôi những bài học hay về cuộc đời và nhiều chuyện khác, trong đó có cả việc kinh doanh sau này”.

... đến ông chủ khu du lịch sinh thái

Những thành công trong khoảng 7 năm làm thợ cắt tóc không làm cho chàng trai xứ dừa bằng lòng, an phận. Ngược lại, anh đã ấp ủ, âm thầm lên kế hoạch khoảng 2 năm cho một dự án táo bạo, đó là đầu tư vào du lịch sinh thái ngay trên quê hương Cẩm Thanh của anh. Năm 2012, khi anh thông báo với gia đình về kế hoạch làm du lịch, mọi người đều bất ngờ, nhiều người (kể cả vợ) đều ra sức ngăn cản. Họ cho rằng làm du lịch sinh thái quá mạo hiểm vì bỏ công sức và vốn đầu tư lớn, trong khi khu vực này thường xuyên hứng chịu mưa lũ, gió bão. Anh kể: “Ai cũng bảo mình khùng, tự dưng bỏ nghề cắt tóc với thu nhập ổn định tháng 20 triệu đồng đi đầu tư làm du lịch với nhiều rủi ro. Dù vậy nhưng mình vẫn quyết định làm, với khởi đầu chỉ là xây dựng một điểm dừng chân cho du khách ở làng dừa Cẩm Thanh. Sau đó mình đã vay 500 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái tại thôn Vạn Lăng (Cẩm Thanh)”.

Khu du lịch sinh thái Tuấn Liên là ý tưởng táo bạo và mới mẻ ở thời điểm đó (những năm 2011 - 2012). Lúc đó, việc đầu tư du lịch sinh thái ở rừng dừa Cẩm Thanh chưa phát triển như bây giờ. Nhưng là người sinh ra và lớn lên ở Cẩm Thanh nên Tuấn Liên đã nhìn thấy được tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái tại đây. “Nếu đến Hội An du lịch mà chỉ dạo chơi trong phố cổ thì chẳng có gì thú vị; còn tới Cẩm Thanh mà chỉ có chèo thuyền thúng rồi về thì quá đơn điệu. Đó là lý do để mình quyết định đầu tư khu du lịch sinh thái nhằm níu chân du khách khi về đây” – Tuấn Liên giải thích.

Nằm lọt thỏm giữa rừng dừa nước mênh mông, khu du lịch sinh thái Tuấn Liên hấp dẫn du khách bởi cái nhìn đầu tiên. Diện tích quy hoạch khoảng 1ha, được thiết kế như một làng du lịch thu nhỏ với nhiều loại hình vui chơi, sinh hoạt, ăn uống hết sức phong phú. Đang vào mùa cao điểm du lịch nên lượng khách đổ về Cẩm Thanh rất đông. Khu du lịch sinh thái Tuấn Liên liên tục đón khách vào vui chơi, dã ngoại với nhiều tour khác nhau. Nhiều đoàn khách lên đến hàng trăm người đã lựa chọn khu du lịch sinh thái Tuấn Liên để tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, vui chơi, giải trí, nhất là tổ chức Team building (xây dựng đội nhóm).

Và bài học làm du lịch cộng đồng

Sẻ chia với cộng đồng
Nhiều người biết đến Tuấn Liên không chỉ là một thợ cắt tóc giỏi, một ông chủ làm du lịch sinh thái mà còn một người thích sẻ chia với cộng đồng. Trước đây, Tuấn Liên thường xuyên cùng với nhóm bạn “phượt” rong ruổi, tìm đến các bản làng, vùng khó khăn để tặng quà cho học sinh. Tại tiệm cắt tóc của anh luôn đặt một thùng từ thiện để thu nhận những tấm lòng của khách rồi mang đi mua quà tặng cho người nghèo. Hiện anh cũng là thành viên tích cực của nhóm thiện nguyện Ong Vàng (TP.Hội An). Vừa qua, Tuấn Liên là một trong 35 gương mặt tiêu biểu vinh dự được Tỉnh Đoàn tuyên dương gương thanh niên “Sáng tạo trẻ” năm 2017.

Tuấn Liên chia sẻ, du lịch sinh thái không thể thành công nếu không có sự ủng hộ, giúp sức và liên kết của người dân. Anh cho rằng, mình khởi nghiệp làm du lịch từ con số 0+, nghĩa là anh xem bản thân chỉ là con số 0 còn người dân, cộng đồng chính là những dấu + giúp anh thành công với du lịch sinh thái. Anh cho biết, lúc mới khởi đầu, anh chỉ hợp tác với 5 hộ dân tại địa phương nhưng đến nay con số là hàng trăm người. Mùa cao điểm về du lịch như hiện nay, trung bình mỗi người dân Cẩm Thanh khi hợp tác với Tuấn Liên có thể thu nhập từ 400 - 500 nghìn đồng/ngày bằng việc chèo thuyền thúng đưa du khách tham quan rừng dừa. Đây cũng chính là mong muốn lớn nhất của Tuấn Liên khi bắt tay làm du lịch sinh thái. “Mình sinh ra và lớn lên ở rừng dừa nên rất hiểu cuộc sống vất vả, khổ cực của những người dân vốn dĩ chỉ sống bằng nghề biển. Khi triển khai làm du lịch sinh thái thì mình nghĩ đến người dân đầu tiên. Mong muốn làm sao tạo được việc làm, thu nhập cho họ từ du lịch thay vì đi biển mưu sinh, thường xuyên đối diện với sóng gió nguy hiểm” - Tuấn Liên tâm sự.

Người dân bắt tay làm du lịch không chỉ giúp họ nâng cao thu nhập mà còn là nhân tố quyết định đến thành công của du lịch sinh thái. Một người dân khi dẫn khách tham quan rừng dừa thì cũng giống như một hướng dẫn viên du lịch, trực tiếp giới thiệu, quảng bá về rừng dừa cho du khách. Rồi cũng chính từ người dân, họ sẽ quảng bá, giới thiệu cho du khách tìm đến các khu du lịch sinh thái để vui chơi, nghỉ ngơi, ăn uống. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cẩm Thanh Discovery do Tuấn Liên làm giám đốc đang tạo việc làm cho khoảng 25 nhân viên chính thức, với mức thu nhập từ 3 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn hợp đồng thời vụ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Nhiều thanh niên là con em của người dân địa phương mặc dù không được học du lịch qua trường lớp nhưng vẫn được Tuấn Liên tuyển vào làm việc. Đồng thời anh còn trực tiếp hướng dẫn, đào tạo nhân viên và tạo điều kiện để họ được đi học nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ du lịch. Dịp hè, nhiều học sinh, sinh viên ở địa phương cũng được Tuấn Liên nhận vào làm việc để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.

VINH ANH - LÊ QUÂN

Tác phẩm tham gia cuộc thi Báo chí "Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo"

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trai xứ dừa làm du lịch sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO