Trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng chủ mưu vụ phá rừng

PV 20/01/2018 15:00

Tin liên quan

  • Hôm nay mở phiên tòa xét xử 21 bị cáo vụ phá rừng pơ mu
  • Vụ phá rừng pơ mu: Bắt tạm giam Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang
  • Kỷ luật Đảng nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng pơ mu Nam Giang
  • Vụ phá rừng pơ mu (Nam Giang): Thực nghiệm hiện trường vận chuyển gỗ
  • Thêm 5 đối tượng liên quan đến phá rừng pơ mu ra đầu thú
  • Vụ phá rừng pơ mu ở Nam Giang: Tập trung phá nhanh vụ án
  • Thêm 5 đối tượng vận chuyển gỗ pơ mu ra đầu thú

(QNO) - Bị cáo Lê Xuân Chính - Đại úy, nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang được xác định chủ mưu trong vụ phá rừng pơ mu, đồng thời chỉ đạo các đối tượng liên quan trốn chạy.

Hiện trường vụ phá rừng pơ mu. Ảnh: T.C
Hiện trường vụ phá rừng pơ mu. Ảnh: T.C

Khai thác gỗ… làm quà biếu

Theo bản cáo trạng, ông Lê Xuân Chính (51 tuổi) có mối quan hệ thân thiết với ông Tiêu Hồng Tư (51 tuổi) - Giám đốc Công ty CP Minh Hà (trụ sở tại TP.Đà Nẵng), vốn là đơn vị thường xuyên nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Nam Giang. Biết Tư đang cần gỗ để khai thác và biết Nguyễn Văn Quang (trú tại huyện Bắc Trà My) có khả năng tìm gỗ trong rừng nên Chính kết nối để Quang gặp Tư, từ đó bàn bạc việc khai thác gỗ. Cuối tháng 3.2016, Chính dùng ô tô chở Quang sang xưởng gỗ của Tư ở Lào, giới thiệu Quang là “thợ đạp rừng” giỏi để Tư và Quang trao đổi việc tìm khu vực có gỗ khai thác cho Chính và Tư. Mục đích của Chính khai thác gỗ để đóng đồ dùng hoặc có ai cần thì… làm quà biếu.

Khoảng đầu năm 2016, Quang vào rừng khảo sát, tìm gỗ pơ mu để khai thác. Sau khi tìm thấy vị trí có gỗ pơ mu ở khu vực rừng thuộc khoảnh 3, khoảnh 8 tiểu khu 351 rừng phòng hộ thuộc xã La Dêê (Nam Giang) thì Chính, Quang thỏa thuận thống nhất với nhau về giá tiền công khai thác, vận chuyển. Khi nhận được quy cách xẻ gỗ và tiền, Quang thuê các đối tượng từ Quảng Bình vào tiến hành khai thác gỗ pơ mu trái phép.

Sau khi thống nhất quy cách và giá khai thác, ngày 15.6.2016, Quang đến Agribank chi nhánh Nam Giang mở tài khoản giao dịch. Sau khi có tài khoản ngân hàng, Quang gọi điện Tư đề nghị cho ứng tiền để chi phí việc khai thác gỗ, thì được Tư chuyển cho 100 triệu luôn trong ngày 15.6.

Trước đó, Quang yêu cầu Chính cho ứng tiền thì Chính nói “tiền bạc cứ gọi cho anh Tư”.

Vụ phá rừng pơ mu gây thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng. Ảnh: T.C
Vụ phá rừng pơ mu gây thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng. Ảnh: T.C

Sau khi huy động người vào điểm khai thác, nhóm của Quang dựng lán trại để tổ chức cưa, xẻ gỗ. Thời gian khai thác từ 16 giờ hằng ngày đến 21 giờ đêm, sang điểm thứ 2 thì khai thác từ 14 giờ đến 20 giờ. Việc khai thác vào thời gian trên là do Quang nghe Chính nói “khu vực cửa khẩu có người qua lại nhiều vào ban ngày, phải làm cho tế nhị, đừng cho người ta biết, không hay”. Đối với nhóm khai thác, Nguyễn Văn Thắng (trú tại thôn Bắc Son, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) là người ghi chép theo dõi các chỉ tiêu và khối lượng gỗ. Hằng ngày Thắng liên hệ với Quang để nhận lương thực thực phẩm và xăng dầu cho cả nhóm khai thác.

Quá trình khai thác, vận chuyển, Chính gọi điện yêu cầu Tư cho người kiểm tra. Chính còn nhiều lần thúc giục Quang đẩy nhanh tiến độ khai thác để vận chuyển.

Khoảng từ cuối tháng 6, đầu tháng 7.2016, các bị can đã khai thác trái phép 41 cây gỗ pơ mu là loại gỗ thuộc nhóm IIA (thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp), trên lãnh thổ Việt Nam. Quá trình khai thác, vận chuyển gỗ, các bị can Chính, Quang thường xuyên đốc thúc các bị can khác trong việc vận chuyển gỗ, hướng dẫn thời gian hoạt động, cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu và đề xuất với Tiêu Hồng Tư trong việc ứng, chuyển tiền.

Phá rừng vì tin tưởng

Tại phiên tòa, bị cáo Quang khai nhận được Chính liên hệ, đề nghị vào rừng khảo sát các vị trí có gỗ quý để khai thác. Vì nghĩ rằng ông Chính là phó đồn, mình chỉ là người làm thuê nên Quang đã rủ nhiều người trong cùng xã vào địa bàn huyện Nam Giang để tham gia chặt hạ, vận chuyển gỗ pơ mu.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: PV
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 19.1. Ảnh: PV

Bản cáo trạng cũng thể hiện chi tiết, khi các đối tượng trực tiếp chặt hạ, cưa xẻ gỗ muốn biết việc khai thác, vận chuyển gỗ thế này có hợp pháp không, Quang nói “làm cho ông Chính biên phòng, làm cho Nhà nước, làm cho ông Tư giám đốc cho nên anh em cứ làm tẹt ga, không sao đâu. Việc này có ông Chính và ông Tư lo hết rồi”. Khi việc khai thác gỗ đang được thực hiện đúng như yêu cầu của bị cáo Tư, đến ngày 28.6.2016, Quang yêu cầu thì Tư chuyển thêm cho Quang số tiền 100 triệu đồng.

Ngày 7 và 8.7.2016, khi Trạm Quản lý bảo vệ rừng Chà Vàl (Nam Giang) cùng với số hộ dân được giao quản lý rừng phòng hộ tại khoảnh 5 và khoảnh 8 tiểu khu 351 rừng phòng hộ Nam Sông Bung đi kiểm tra rừng phát hiện gỗ pơ mu xẻ thành phách trong khe suối cạn, cách đường công vụ biên phòng khoảng 150m nên đã báo cho Hạt Kiểm lâm Nam Sông Bung và Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang để tổ chức phục bắt nhưng không có kết quả. Chiều 8.7, ông Nguyễn Thanh Cường (chủ quán Thanh Cường, gần Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang) điện báo cho Lê Xuân Chính biết về việc buổi sáng có một số hộ dân và dân quân đi thẳng lên mốc mà không qua trạm. Một số quân nhân ở Trạm Kiểm soát biên phòng cũng báo cho Chính biết việc kiểm lâm bắt gỗ pơ mu ở cửa khẩu. Ngay sau đó, Chính đã thông báo cho Quang yêu cầu các bị can rút về quê và thúc giục Quang bỏ trốn sang Lào. Quang cho các đối tượng trong nhóm vận chuyển gỗ rời khỏi hiện trường, đi về quê. Trước khi nhóm đối tượng này về, Quang dặn “đừng liên lạc với Quang! Quang sẽ đi Lào một thời gian và có gì Quang sẽ gọi”.

Khi lực lượng chức năng vào cuộc, Chính bảo Quang thay đổi số điện thoại và yêu cầu phải trốn sang Lào. Chính điện thoại nói với Quang “tình hình rất căng, không được ở nhà mà phải trốn sang Lào gấp”. Trong lúc trốn ở Lào, ngày nào Chính cũng điện thoại cho Quang nói phải trốn từ 3 đến 5 năm, nếu bị bắt thì nhận trách nhiệm, đừng khai ra Chính, vợ con ở nhà đã có Chính và Tư lo. Quang ở Lào một thời gian thì đi xe máy về Việt Nam, đến gần cửa khẩu thì bỏ xe máy lại ven đường rồi cắt rừng đi về Nam Giang, tiếp tục trốn vào TP.Hồ Chí Minh, sau đó bị bắt.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: PV
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: PV

Kết luận vụ việc cho thấy, rừng phòng hộ Nam Sông Bung khu vực trên bị khai thác trái phép 41 cây gỗ pơ mu, giá trị hơn 53m3 gỗ tròn thương phẩm, giá trị thiệt hại về môi trường gần 2,6 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị thiệt hại là hơn 3,2 tỷ đồng. Căn cứ vào hành vi khai thác gỗ pơ mu trái phép, các bị can vi phạm Khoản 1, Điều 12, Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, bị can Lê Xuân Chính là người chủ mưu thực hiện ý định phạm tội, bị can Nguyễn Văn Quang là người thực hành tích cực, các bị can trực tiếp cưa xẻ, vận chuyển chỉ là người thực hành trực tiếp thực hiện hiện tội phạm, còn bị can Tiêu Hồng Tư là người giúp sức.

Phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử vào các ngày tới. Báo Quảng Nam online tiếp tục thông tin về diễn biến phiên tòa này.

PV

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng chủ mưu vụ phá rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO