Phía đông huyện Nam Trà My, nơi dòng sông Bua chảy về đất bạn Quảng Ngãi, đâu đó trong rừng trong suối, những ý niệm muốn trở về ngày cũ của những người dân ở thôn 3, xã Trà Vân như duềnh lên mỗi ngày.
Một góc thôn 3. Ảnh: XUÂN THỌ |
“Ngày cũ” trong tâm trí họ, là thuở trước năm 1990, khi sự phân chia địa giới chưa xảy ra.
1. Trên hành trình từ xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) sang xã Trà Vân, khi ráng chiều đang dần tắt lịm, tôi bắt gặp một nhóm 4 anh chị em đang trên đường trở về nhà, sau một ngày lao động miệt mài ở thôn Nước Tang của xã Sơn Bua. Nhà họ ở nóc ông Thanh, thuộc tổ 3 của xã Trà Vân và nhiều năm qua, họ vẫn đều đặn đi về thôn Nước Tang, vì ở đó có rẫy và rừng keo của họ. Và đó cũng là mẫu số chung của hầu hết dân thôn 3 và một ít thôn 2 của xã Trà Vân: nhà thì ở Quảng Nam, nhưng rẫy, rừng keo thì ở Quảng Ngãi. Trước đó vài tiếng đồng hồ, cơ chừng cần sự chính xác, ông Nguyễn Viết Chưởng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bua gọi điện hỏi cấp dưới, rồi quay sang với tôi: “Có 76 hộ dân, chủ yếu là thôn 3, một ít là thôn 2 của xã Trà Vân hằng ngày vẫn từ bên ấy sang thôn Nước Tang để làm rẫy”.
Giả sử bây giờ hỏi hàng chục hộ dân ấy, là đi để trở về, hay là trở về để ra đi, khi mà mỗi ngày họ đều… đi về như thế, thì bà Đinh Thị Út - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Bua, cười nhẹ hều, rồi nói những điều mà khi tóm gọn lại, nghe có vẻ triết lý, là họ đi cũng đúng mà trở về cũng đúng. Bởi vùng đất này, bao gồm cả khu trụ sở của UBND xã Sơn Bua bây giờ, thậm chí là chạy về hướng đông khoảng 1km nữa, trước đây vốn thuộc đất của tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1999, khi phân chia lại địa giới hành chính theo bản đồ 364 của Hội đồng Bộ trưởng, thì hàng trăm người Ca Dong ở đây theo đường Trường Sơn Đông đến nơi ở mới là thôn 3, thôn 2 Trà Vân bây giờ, bởi mảnh đất mà họ sinh sống trước đó, thuộc về Quảng Ngãi theo bản đồ 364.
Nhưng đến nơi ở mới, không có nhiều khoảnh đất bằng phẳng để làm rẫy, nên họ phải trở về rẫy cũ ở thôn Nước Tang để làm rẫy, làm rừng. Và điều ấy tồn tại đến bây giờ.
2. Tất nhiên gọi là dân Quảng Nam, Quảng Ngãi theo địa giới hành chính, chứ trong tâm thức họ vẫn là cộng đồng người Ca Dong như trước đây. Họ vẫn dựa vào nhau để làm ăn, cùng ca chung bài ca mừng lúa mới, cùng say sưa trong tiếng chiêng làng, cùng đắm mình trong tết Máng Nước, hay cùng san sẻ những lúc ngặt nghèo. Họ không vì cái chuyện “sao anh sang làm trên đất của tôi” mà hiềm khích nhau, bởi họ còn có mối quan hệ máu mủ với nhau. Như bà Út chẳng hạn, cha bà vốn là người xã Sơn Mùa, Quảng Ngãi, còn mẹ là người Quảng Nam. Năm 1969, khi cha bà mất, thì mẹ đưa cả 5 anh chị em bà về về nóc ông Thanh. Đến năm 1996, ngoại trừ chị cả, thì 4 anh chị em của bà Út trở lại Sơn Bua để sinh sống. “Vì ở đây đường sá thuận tiện, làm rẫy dễ hơn” - bà Út lý giải.
Người dân thôn 3 sang Nước Tang để xay gạo. Ảnh: XUÂN THỌ |
“Thế người thôn 3 xã Trà Vân sang đây làm rẫy, thì “có chuyện” gì không? - tôi hỏi lại ông Chưởng. Ngay tức thì ông đáp: “Không”. Sở dĩ tôi hỏi điều ấy, là cần sự xác tín lần nữa. Bởi trên thực tế, các vùng giáp ranh thường hay xảy ra tranh chấp, thậm chí rất gay gắt. Nhớ hồi cuối tháng 7.2016, đi tác nghiệp ở khu vực rừng đầu nguồn hồ Đông Tiển, khu vực giáp ranh của xã Bình Trị (huyện Thăng Bình) với xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước) mới thấy việc tranh chấp gay gắt thế nào. Vài ngày trước khi tôi lên đó, một số người dân xã Bình Trị đã bị một phen khiếp vía khi một nhóm người ở xã Tiên Sơn dùng hung khí đe dọa vì… cái tội cản trở việc xâm hại rừng của họ!
Trở lại câu chuyện người Trà Vân và Sơn Bua, mới thấy quý tình cảm họ dành cho nhau. Trước khi bảo hiểm y tế thông tuyến, hễ đau ốm hay cần trợ giúp y tế, là người thôn 3 kéo nhau xuống xã Sơn Bua, rồi… “nhờ” thẻ bảo hiểm y tế. Sự việc ấy, tất nhiên là lãnh đạo xã và Trạm Y tế xã Sơn Bua biết, nhưng dân nào cũng là… dân Quảng, mà dù có Quảng Nam hay Quảng Ngãi thì cũng là người Ca Dong, nên gật gù chấp nhận. Sở dĩ có việc này, là vì từ thôn 3 về trung tâm xã Trà Vân xa hơn rất nhiều so với xuống Sơn Bua. Và trong khi xuống Sơn Bua chỉ việc xuôi theo đường Đông Trường Sơn trải bê tông phẳng lỳ, thì đường về trung tâm xã Trà Vân vẫn còn là đường đất gập ghềnh, khó đi. Chính sự thuận lợi từ con đường Trường Sơn Đông, mà anh Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng thôn 3 đã lấy hàng hóa cho cửa hàng tạp hóa của mình từ Sơn Bua, mang về phục vụ nhu cầu của người dân thôn 3 - dễ dàng hơn so với lấy hàng từ trung tâm xã Trà Vân.
3. Vậy mà trong mối giao hữu ấy, đã nhen nhóm những gợn sóng đang dần xô đẩy những điều tốt đẹp trước đây. Là vì, những năm gần đây, khi những chương trình trồng - phát triển sinh kế rừng dần phát huy hiệu quả, thì người dân địa phương càng chú trọng đến quyền lợi của mình và theo lẽ đó, họ cho rằng việc người dân Trà Vân sang làm rẫy, trồng rừng ở đây đã ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi của họ. Có lẽ vì thế mà năm 2013, thanh niên hai bên đã xảy ra những xô xát. Sự việc ấy không để lại hậu quả đáng tiếc, họ đã làm hòa lại như trước và đến bây giờ vẫn chưa có thêm sự việc nào tương tự. Nhưng điều đó không lấy gì làm đảm bảo, rằng sau này, sự việc như hồi năm 2013 sẽ không tái diễn. Nhìn thấy điều đó, lãnh đạo hai bên đã không ít lần ngồi với nhau tìm giải pháp hữu hiệu nhất, tất nhiên là xoay quanh sự lựa chọn một trong 2 phương án là người dân thôn 3 phải “trả” đất cho người dân thôn Nước Tang và phương án còn lại là mong được trở lại địa lý hành chính trước năm 1991.
Anh Ngọc (phải) bán hàng cho khách trong cửa hàng tạp hóa của mình. Ảnh: XUÂN THỌ |
Trong sự suy tư trăn trở của mình, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - mong rằng Chính phủ đồng ý với mong muốn được quay trở lại địa giới hành chính trước khi có bản đồ 364 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng. Vì suy cho cùng, đất rẫy mà họ đang canh tác ấy, chính là mảnh đất truyền thống mà ngay cả sau khi phân chia địa giới đến nay, họ vẫn cần cù với nó. Và đến bây giờ, họ vẫn muốn mỗi ngày được miệt mài trên từng rẫy, từng khoảnh rừng ở đây. Như cái lúc tôi gặp chị Hồ Thị Tuyết (37 tuổi, nóc ông Thanh, thôn 3), khi chị cùng một số bạn của mình mang thóc sang Nước Tang để xay gạo, rằng chị muốn “được trở lại như trước đây như cha mẹ đã từng”, tức là sau khi làm rẫy, thì ở lại đó luôn chứ không phải cảnh sáng đi tối về.
Chuyện muốn trở lại địa giới hành chính cũ, không đơn thuần là tránh những chuyện không hay như vụ việc hồi năm 2013, mà còn là điểm cốt yếu để tháo gỡ những khó khăn vẫn đang ghì chặt sự phát triển của người dân vùng này. Bởi khi sự “nhập nhằng” vẫn đang còn diễn tiến thì ở khu vực này, cả Quảng Nam và Quảng Ngãi không thể đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển. “Còn riêng Quảng Nam, trước mắt đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường từ trung tâm xã Trà Vân đi thôn 2, thôn 3 và cắt với đường Trường Sơn Đông để tạo sự thuận lợi cho người dân. Thật ra thì có thời điểm, hỏi ý kiến những hộ dân này có muốn “về” Quảng Ngãi để thuận tiện làm ăn không, thì họ đã lắc đầu, họ nói rằng họ là người Quảng Nam” - ông Mẫn tâm sự. Vậy thì, cái chuyện muốn trở về địa giới hành chính cũ, không hẳn là vì muốn “hợp thức hóa” đất đang làm ăn, mà họ muốn được gắn cuộc đời mình với mảnh đất đã được cha mẹ sinh thành. Âu đó cũng là điều dễ hiểu, và trăn trở cùng họ về ước muốn này…
Phóng sự của XUÂN THỌ