Trăn trở với nghề cá

ĐĂNG QUANG 11/01/2016 08:49

Theo các nhà nghiên cứu, vùng biển duyên hải miền Trung có khoảng trên dưới 600 loài cá. Các loài cá có giá trị kinh tế cao không nhiều như các vùng biển vịnh Bắc Bộ, Đông và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều loài cá đem lại giá trị xuất khẩu đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường như: hố, cơm, ngừ, thu, chim, hanh vàng, bạch điều,… Ngoài ra, còn có nhiều loài hải đặc sản mà giá trị xuất khẩu cao là tôm, mực, cua bể,… Đáng chú ý, biển miền Trung có tôm sú bố mẹ là nguồn tôm giống hết sức giá trị đối với nghề nuôi trồng thủy sản. Nhiều nhà ngư trường học còn dự đoán, vùng biển miền Trung có nhiều triển vọng cho nghề khai thác cá nổi. Vùng khơi còn có thể khai thác một số loài cá như cá đỏ môi, thu, hố,… Và, từ những dữ liệu khoa học cho biết, miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng, tiềm năng lớn nhất của biển tập trung ở vùng nước có độ sâu 51 - 200m (48,1%).

Những kết quả nghiên cứu khoa học và dự báo ngư trường nêu trên đáng lẽ góp phần mạnh mẽ cho hoạch định chiến lược và định hướng phương thức khai thác thủy sản. Song thực tế, nhiều tỉnh miền Trung (trong đó có Quảng Nam), do nhiều tàu thuyền công suất còn bé chỉ có thể tập trung khai thác trong vùng nước có đường đẳng sâu 30m trở vào. Đơn cử là sản lượng tôm khai thác trong vùng có độ sâu từ 30m nước trở ra còn ít. Hay với nguồn lợi tôm hùm, do phương thức khai thác thiếu quy hoạch, buông lỏng quản lý, nên trong thời gian qua, sản lượng tôm hùm duyên hải miền Trung đang giảm.

Hiện nay, mỗi năm, ngư dân Quảng Nam đánh bắt khoảng hơn 77 nghìn tấn hải sản các loại. Tàu thuyền dần được cải tiến. Trong vòng mấy năm nay, biển có thêm nhiều tàu công suất lớn, hiện đại nhờ Chính phủ và tỉnh có chính sách hỗ trợ. Nay đã có hơn 4,2 nghìn tàu thuyền. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới chỉ có gần 520 phương tiện khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên, trong đó có gần 180 tàu công suất từ 400CV trở lên. Như thế, lượng tàu công suất nhỏ còn chiếm số lượng lớn, nên việc phát triển bền vững nghề khai thác hải sản còn nhiều thách thức phải vượt qua.

Cùng với thực trạng tàu thuyền có công suất nhỏ, còn có chuyện về   năng lực, trình độ lao động nghề biển. Nhiều địa phương được phân bổ số lượng tàu đóng mới theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ không khỏi lo âu rằng ai sẽ điều khiển con tàu có công suất lớn. Việc đào tạo con người có trình độ, tri thức khoa học về nghề biển để sử dụng công nghệ tàu thuyền đánh bắt hiện đại khi vươn khơi là không đơn giản. Ở Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng,… đều đã có những kỹ sư hàng hải tham gia các đội tàu khai thác biển. Đây vẫn là câu chuyện ước mơ của nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam. Nói cho cùng, vấn đề con người, trình độ tay nghề lao động đóng một vai trò không kém quan trọng, quyết định sự thành bại cho việc “phát triển đánh bắt hải sản vùng khơi”.

Dễ hiểu là, nếu nghề cá vẫn giẫm chân với phương thức khai thác còn nhiều hạn chế, phương tiện đánh bắt có công suất nhỏ thì tương lai nghề cá khó trở thành mũi nhọn kinh tế vì giá trị còn thấp. Các nhà ngư trường học còn cho hay, nếu quá trình khai thác ven bờ tiếp tục làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản thì trong tương lai chỉ còn những “đàn cá khách” lai vãng không định kỳ, vì vậy sản lượng đánh bắt khó mà ổn định. Do vậy, chiến lược “phát triển mạnh ngành thủy sản trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ, đẩy mạnh nghề cá nhân dân, nâng cao năng lực tàu thuyền, khuyến khích phát triển đánh bắt xa bờ”, vẫn là chuyện thời sự đối với các địa phương có nghề cá.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăn trở với nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO