Nghề rèn ở xã Quế Châu (huyện Quế Sơn) nổi tiếng một thời nay chỉ “đỏ lửa” cầm chừng, với bao trăn trở của người trụ lại…
Lửa làng rèn vẫn đỏ tại xã Quế Châu (huyện Quế Sơn). Ảnh: T.NGUYÊN |
Lửa làng rèn Quế Châu vẫn còn âm ỉ cháy, mang theo sự hoài niệm sâu xa của những người cả đời theo nghề rèn một thời tay búa tay quai. Lửa nghề rèn là lửa lòng, cháy hết mình với nghề của ông cha trao truyền lại, với bao trăn trở từ người đi trước đến thế hệ trẻ nối nghiệp…
1. Giữa làng quê trung du yên ả, tại lò rèn nhà ông Hà Thanh Hùng vẫn nghe vang tiếng đe, tiếng búa và những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực bắn tung tóe. Ông Hùng cho biết, nghề rèn ở Quế Châu được hình thành cách đây hơn ba thế kỷ, khi những cư dân xứ Thanh - Nghệ di cư trên con đường Nam tiến đến khai khẩn đất đai, lập làng. Tại đây, hầu hết con cháu của các họ tộc Hà, Nguyễn, Lê, Phạm… đến lập nghiêp, chủ yếu sống bằng nghề nông. Ở Quế Châu, chắc hẳn ai sinh ra và lớn lên cũng quen mắt, quen tai với tiếng búa quai, tiếng ống bễ phì phò thâu đêm suốt sáng. Với nghề rèn, ban đầu, người dân rèn những vật dụng cần thiết trong đời sống gia đình và những dụng cụ lao động như dao, liềm, cuốc, rựa, xẻng, lưỡi cày… rồi dần dần, những lúc nông nhàn, họ rèn thêm nhiều sản phẩm để trao đổi buôn bán với các vùng lân cận, kiếm thêm nguồn thu nhập.
Ông Võ Văn Công, một trong những chủ lò lớn nhất hiện ở thôn Phú Đa, xã Quế Châu chia sẻ: “Tôi học và theo nghề rèn từ cha tôi. Cái nghề rất vất vả nhưng đã là nghề gia truyền, tôi vẫn giữ và duy trì đến ngày nay”. Theo ông Công, để rèn ra một sản phẩm không hề đơn giản. Cái khó nhất, cũng là bí quyết người thợ. Muốn có sản phẩm tốt, phải thành thạo việc chọn sắt và thép. Ngày trước, người ta thường dùng than gỗ, đặc biệt là gỗ lim, nay chủ yếu phải dùng than tổ ong mới đủ nhiệt độ đốt cho sắt và thép nóng chảy để tạo hình. Trong quá trình rèn, người thợ nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa là biết vừa hay chưa về sự pha chế đồng đều. Chỉ cần non, già một chút là sản phẩm không sắc bén. Cái khó nữa mỗi loại thép có độ hồng khác nhau. Người thợ xác định như thế nào là vừa, đòi hỏi phải có con mắt tinh tường. Bí quyết thứ hai nữa là nước tôi. Nước tôi là khi sản phẩm cho qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lã. Nước tôi già hay non một chút thì dụng cụ cũng không sắc. Nước tôi như thế nào cho vừa thì cũng do sự tinh tế của người thợ. Công đoạn cuối cùng là mài. Trước đây, người làm nghề thường mài bằng đá suối nhưng ngày nay với sự tiến bộ, ngoài việc sử dụng đá suối thì đã có máy mài. Những sản phẩm như dao, rựa, cuốc xẻng… từ những lò rèn Quế Châu được rèn bằng kỹ thuật thủ công, chất lượng đạt tới độ bền và sắc.
2. Trước đây, khi hàng gia dụng chưa nhiều như bây giờ và nghề nông chưa có máy móc hỗ trợ thì sản phẩm rèn tại xã Quế Châu cung cấp nhu cầu tiêu thụ ở Quế Sơn và các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh như Duy Xuyên, Thăng Bình... Làng nghề này nổi tiếng một thời, các sản phẩm được các thương lái bỏ bán các chợ đầu mối như chợ Đàng (Quế Châu), rồi tỏa đi các nơi như Nam Phước (Duy Xuyên), Bà Rén, Hương An (Quế Sơn), Hà Lam (Thăng Bình), Trung Phước (Nông Sơn)… để phân phối đi các nơi. Ông Hùng cho biết: “Đó là khoảng thời gian cách đây chừng mười, mười mấy năm về trước, có khoảng 50 lò rèn đỏ lửa thường xuyên, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó”. Nghề rèn là nghề nặng nhọc, thường người đàn ông “sức dài vai rộng” đảm đương, còn phụ nữ thì chỉ thuận việc mua bán, trao đổi hàng hóa.
Xã Quế Châu bây giờ chỉ còn khoảng 10 hộ rải rác ở 10 thôn trong xã làm nghề. Nghề rèn ở đây được coi như một nghề “cha truyền con nối” với những kinh nghiệm quý báu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tạo “thương hiệu” một thời cho làng nghề. Nhưng hiện nay, nhiều lò rèn trong làng đành “tắt lửa” hoặc chuyển đổi nghề bởi nhiều lý do. Càng ngày, những sản phẩm gia dụng càng phong phú, những dụng cụ lao động cũng ít được sử dụng hơn do có máy móc hỗ trợ nên đầu ra sản phẩm nghề rèn cũng thu hẹp dần. Hơn nữa, những người thợ rèn có tay nghề cao, yêu nghề nay đã già yếu và lớp trẻ thì không mấy ai mặn mà theo nghề. Ông Công tâm sự: “Những người “lặn lội” theo giữ nghề rèn còn lại cũng là những mái đầu bạc vẫn ngày ngày quai búa, đánh đe cầm chừng. Không làm không được, vì nó ăn sâu trong máu thịt”.
Đến lò rèn của nhà anh Hà Cảnh ở thôn Xuân Cang, chứng kiến sự miệt mài với các thao tác nhanh nhẹn, tôi không khỏi thán phục người thợ trẻ này. Anh Cảnh cho biết: Dù gì thì người dân nơi này vốn “ăn chắc, mặc bền” nên những sản phẩm của làng rèn Quế Châu vẫn có một chỗ đứng trong thời buổi hiện nay, dù số lượng sản phẩm có ít hơn. Lò của anh hiện cung cấp chủ yếu là các loại dao cho lò giết mổ gia súc, hàng quán kinh doanh ăn uống và dụng cụ lao động như rựa, cuốc, xẻng... Cũng theo anh Cảnh, bây giờ ở Quế Châu còn ít nhà theo nghề rèn nhưng làng nghề này vẫn “giữ lửa”. Những người theo giữ nghề cảm thấy được an ủi phần nào khi từ tháng mười âm lịch đến tết lại nghe tiếng quai búa rền vang và họ có mức thu nhập khá hơn trang trải cuộc sống gia đình, bù lại những ngày “tắt lửa” trong năm.
THẢO NGUYÊN