“Chiến thắng Thượng Đức góp phần hình thành quyết tâm giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương”, nhận định này một lần nữa được xác nhận tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Thượng Đức – Ý nghĩa là bài học lịch sử (7.8.1974 – 7.8.2014)” do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Đại Lộc tổ chức ngày 6.6.
|
Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức. |
Trận chiến 10 ngày
Hội trường Huyện ủy Đại Lộc hôm 6.6 kín người. Những cái bắt tay thân mật, những cái ôm thắm thiết lẫn cảm giác day dứt của những người đồng đội - những người đã từng tham chiến trận đánh vào cứ điểm Thượng Đức ngày ấy. Sau 40 năm, các chuyên gia lịch sử quân sự, tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cùng ngồi lại, bàn luận cùng nhân chứng để xác nhận thêm một lần nữa về giá trị lịch sử của trận chiến 10 ngày đầy ý nghĩa này. Có 15/36 tham luận đã trình này tại hội thảo. Tất cả đều là ký ức của những ngày chiến đấu đầy cam go, ác liệt. Họ xác nhận Chiến thắng Thượng Đức là kết quả của việc phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết thắng, lòng quả cảm, trí thông minh, tinh thần chịu đựng gian khổ. Sự kiện này cũng là kết quả của sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và sức mạnh tổng hợp của nhân dân.
Quang cảnh hội thảo. |
Theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, sau 10 ngày chiến đấu đầy cam go, ác liệt, đúng 8h30 phút ngày 7.8.1974, các Sư đoàn 304, 324 của Quân đoàn 2 đã phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5, bộ đội địa phương đặc khu Quảng Đà, huyện Đại Lộc đã tiêu diệt hoàn toàn chi khu quận lỵ Thượng Đức. Căn cứ phòng thủ chiến lược với hệ thống giao thông hào liên hoàn gồm 35 lô cốt nửa chìm nửa nổi. Mỗi lô cốt rộng 4m được xây bằng bê tông cốt thép, bao bọc hai lớp cát. Nhiều công sự có nắp và hệ thống nhà hầm và hầm ngầm kiên cố có sức chứa 16.000 quân cùng các loại vũ khí trang bị hiện đại được mệnh danh “Mắt ngọc của đầu rồng”, một “cánh cửa thép” của Đà Nẵng đã bị mở toang. Mất Thượng Đức, cánh cửa bảo vệ phía Tây khu liên hợp quân sự lớn nhất của chính quyền Việt Nam cộng hòa ở Đà Nẵng đã bị mở toang. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận trong chiến tranh, có những trận chiến mang lại kết quả bất ngờ ngoài dự kiến. Chiến thắng này đã góp phần hình thành quyết tâm giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 nói chiến thắng này là thước đo so sánh giữa chủ lực cơ động của ta với chủ lực cơ động của chính quyền Sài Gòn. Đây là đòn trinh sát chiến lược, khẳng định quân chủ lực ta đã đánh thắng lực lượng tinh nhuệ nhất của địch để Trung ương hạ quyết tâm và thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam - một quyết tâm có tính bước ngoặt trong chỉ đạo kết thúc cuộc chiến tranh. Đó là chọn mục tiêu tiến công chu đáo, bí mật bất ngờ, kiên quyết và hợp đồng tác chiến chặt chẽ với lực lượng địa phương
Ôn cố tri tân
Lịch sử quân sự đã chứng minh giá trị của Chiến thắng Thượng Đức. Di tích Chiến thắng Thượng Đức đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, cho đến nay vẫn chưa có một hội thảo khoa học hay công trình nghiên cứu một cách toàn diện, công phu về chiến thắng này. Có chăng cũng chỉ là những dòng sơ lược trong các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử các đơn vị lực lượng vũ trang, những bài viết trên các trang báo, trong một số tác phẩm văn học. Theo ông Trần Văn Cận, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, nhân 20 năm Chiến thắng Thượng Đức, “Thượng Đức - Cánh cửa thép bị mở toang” đã được xuất bản trên cơ sở những bài viết của các nhà văn, nhà báo ghi theo lời kể của các tướng lĩnh, nhân chứng trực tiếp tham gia chiến dịch. Tuy nhiên, các vấn đề như tầm vóc, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm, tác động to lớn của chiến thắng này trong cục diện chiến trường khu 5 ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn chưa được đề cập hay khai thác một cách đầy đủ, toàn diện. Ông Nguyễn Quận, giáo viên Trường THPT Chu Văn An Đại Lộc cho rằng việc sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 không đưa sự kiện Chiến thắng Thượng Đức vào sách để dạy cho học sinh mà đưa sự kiện chiến thắng đường số 14 Phước Long (6.1.1975) làm sự kiện quân sự tiêu biểu để minh họa cho chủ trương kế hoạch giải phóng miền Nam là chưa thực sự chính xác. “Điều này vô tình làm cho sự kiện quân sự quan trọng này mất đi tầm vóc và vị trí của nó. Hy vọng lần đổi mới chương trình lịch sử và sách giáo khoa sắp tới, sự kiện Thượng Đức sẽ được chú ý, để lịch sử được trung thực như chính những gì nó đã từng xảy ra và để học sinh được học và hiểu đúng về chủ trương, kế hoạch giải phóng miền Nam một cách trọn vẹn hơn” - ông Quận nói.
Di tích chiến tranh còn lại trên đồi Thượng Đức. |
Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói để giành được chiến thắng này, đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng. Một tượng đài chiến thắng Thượng Đức đã được xây dựng để chúng ta và thế hệ mai sau luôn ghi ơn, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng điều đó chưa đủ. Hiện tại chỉ có khoảng 600/hơn 1.000 chiến sĩ đã hy sinh được tìm thấy. Số còn lại còn nằm đâu đó trên đồi Thượng Đức. Đó là nỗi đau đáu khôn nguôi của những người còn lại. Vì vậy, cần thêm những cuộc khảo sát, tìm kiếm, khảo sát đến từng gia đình những người tham chiến để có thêm những hình thức tôn vinh. Đại tá Nguyễn Huy Toàn, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 304 đề nghị Bộ Quốc phòng cử công binh về rà phá bom mình, tìm xác của hơn 300 người còn nằm rải rác trên mặt trận Thượng Đức. “Tượng đài chiến thắng Thượng Đức sẽ được khánh thành. Xây dựng đã khó, nhưng nuôi dưỡng, phát huy tác dụng còn khó hơn. Làm thế nào để hình thành một tour du lịch “về lại chiến trường xưa” để thế hệ mai sau hiểu hơn về cái giá của độc lập”, ông Toàn nói. Thiếu tướng nhà văn Nguyễn Chí Trung đã khóc khi nhắc về đồng đội đã ngã xuống. “Con đường đột phá dài thăm thẳm/Có ai ngày ấy hôm nay trở về” đã như một lời ai điếu cho những người ra đi. Ông nói rằng không cần phải đại lễ cầu siêu hay những hình thức tôn vinh không cần thiết bởi vì không có nơi nào không thấm máu xương liệt sĩ. Ở nơi xa nào đó, họ đang dõi mắt, cổ vũ chúng ta hãy biết quý từng tấc đất tổ tiên! Để sự hy sinh của những liệt sĩ không trở thành vô nghĩa!
TÙY PHONG