Trắng tay sau chuyến biển

THÀNH CÔNG 26/09/2022 08:00

Hàng chục ngư dân trải qua chuyến biển dài và ám ảnh. Họ trở về bằng… máy bay, sau 3 tháng bị giới chức Malaysia giam giữ với lý do vi phạm luật thủy sản của nước này.

37 ngư dân được trả tự do sau hơn 3 tháng bị bắt giữ. Ảnh: T.C
37 ngư dân được trả tự do sau hơn 3 tháng bị bắt giữ. Ảnh: T.C

Chuyến biển sóng gió

Sốt ruột vì chuyến bay bị trễ so với lịch trình, bà Trần Thị Bé (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình, vợ của ngư dân Tô Minh Phúc) liên tục đi lại, nhìn vào cửa kính lối ra ga quốc nội của sân bay, chờ đợi. Chồng bà là thuyền viên trên tàu câu mực QNa-95005TS của thuyền trưởng Trần Văn Mạnh, bị giới chức Malaysia bắt giữ cùng với 41 ngư dân khác trên tàu vào  ngày 11.6.

“Chúng tôi đã chết đứng chết ngồi suốt mấy tháng nay. Kể từ hôm nhận tin tàu bị bắt, không một đêm nào ngủ yên. Mạnh là em trai tôi. Trên tàu, ngoài chồng tôi và Mạnh, còn có chú ruột, 2 em trai và một cháu ruột của tôi bị bắt.

Những ngư dân khác, đa phần cũng là bà con, họ hàng. Từ khi tàu bị bắt, tất cả đều rất lo lắng, phải chạy ngược chạy xuôi, vay mượn góp tiền để nộp phạt và lo các chi phí để người thân được về” - bà Bé nói.

Bà Hoàng Thị Nhỏ, mẹ của ngư dân Trần Viết Thanh ngồi lặng lẽ một góc. Bà đã 70 tuổi, phờ phạc vì nhiều đêm lo lắng. Bà Nhỏ cho hay, người nhà của các ngư dân được thông báo phải chuẩn bị 160 triệu đồng để nộp phạt.

Riêng thuyền trưởng Mạnh bị phạt đến gần 900 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí thuê luật sư, lo tiền vé máy bay và hộ chiếu để họ được trở về sau khi giải quyết các yêu cầu của tòa.

Khuya 22.9, máy bay hạ cánh, sau hơn 3 tháng ròng bị bắt giam, 37 ngư dân đã chính thức được trở về trong vòng tay của người thân. Trước đó, 5 người gồm một người già và 4 lao động vị thành niên đã được thả. Gần như sụp xuống vì xúc động, ông Phan Văn Sơn (ngư dân xã Bình Minh) chỉ biết khóc.

“Được về với gia đình rồi anh em ơi” - ông Sơn reo lên trong vòng tay của vợ con. Ba tháng qua là chuỗi ngày ám ảnh đối với ông và các thuyền viên. Lần đầu tiên trong cuộc đời đi biển, họ bị bắt giữ, bị giam.

Ngư dân Nguyễn Văn Thành được mẹ, vợ và hai con đón tại sân bay. Cha của anh đã mất khi anh vẫn đang bị giam giữ tại Malaysia. Ảnh: T.C
Ngư dân Nguyễn Văn Thành được mẹ, vợ và hai con đón tại sân bay. Cha của anh đã mất khi anh vẫn đang bị giam giữ tại Malaysia. Ảnh: T.C

Cạnh ông Sơn, ngư dân Nguyễn Văn Thành được mẹ, vợ và hai con đón. Cha của anh vừa mất ngày 2.7, khi anh vẫn đang bị giam giữ. Gia đình giấu, không dám báo tin, chỉ khi về đến sân bay anh mới hay biết.

Bộn bề khốn khó

Trần Văn Việt (thuyền viên tàu QNa-95005TS) kể, sáng 11.6, khi đang chuẩn bị dụng cụ hành nghề câu mực thì ông phát hiện tàu Malaysia liên tục hú còi và tăng tốc bám theo tàu.

Lúc này, những người trên tàu hoảng sợ, tài công vội đánh lái qua hướng khác, phát tín hiệu SOS để tìm cách liên lạc nhờ hỗ trợ. Sau 4 giờ đồng hồ cố tìm cách tháo chạy, tàu QNa-95005TS bị tàu Malaysia tông trúng, suýt chìm; 42 người trên tàu bị bắt.

Sau một thời gian giam giữ, 5 ngư dân có bệnh nền, tuổi nhỏ được cho về nước hôm 14.7, còn 37 người tiếp tục bị giam. Ngày 30.8, Tòa án Kota Kinabalu Sabah (Malaysia) đưa vụ án ra xét xử.

37 ngư dân trở về trong vòng tay người thân tại sân bay Đà Nẵng đêm 22.9
37 ngư dân trở về trong vòng tay người thân tại sân bay Đà Nẵng đêm 22.9

Trần Công Lụa, tình nguyện viên hỗ trợ 37 ngư dân cho hay, thuyền trưởng Trần Văn Mạnh phải nộp phạt 150.000 RM (hơn 900 triệu đồng tiền Việt), 36 ngư dân mỗi người bị phạt 20.000 RM. Sau phiên tòa, họ đã nộp phạt, nhưng phải chờ hơn 20 ngày mới được trả tự do về nước.

Thuyền trưởng Trần Văn Mạnh nói, trở về tới quê nhà, ông và các ngư dân như sống lại lần thứ hai sau chuỗi ngày dài lo lắng với rất nhiều áp lực.

“Chúng tôi giờ tay trắng. Thuyền bị giữ, tài sản vốn liếng không còn, lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi lo chi phí nộp phạt để được trả tự do. Chúng tôi là ngư dân, chỉ có một nghề duy nhất nối gót cha ông là làm biển.

Giờ không tàu, không vốn, lại nợ một số tiền khổng lồ, chúng tôi chưa biết ngày mai sẽ như thế nào. Quá nhiều khó khăn phía trước, chúng tôi đã kiệt quệ về sức khỏe và tài chính” - ông Mạnh chia sẻ.

Chính quyền địa phương đã có mặt đón các ngư dân trở về, đồng thời tìm cách động viên, hỗ trợ cho những ngư dân này. Theo ông Trần Công Lụa - người trực tiếp hỗ trợ các ngư dân, thời gian qua, sự hỗ trợ tích cực của các cấp ngành từ địa phương đến Trung ương, sự quan tâm của tỉnh đã trợ giúp rất lớn cho các ngư dân.

“Ngư dân được xác định đánh bắt trong vùng biển được quyền khai thác của Việt Nam, các dữ liệu hành trình được các cấp chính quyền khẳng định hoạt động hợp pháp. Mong rằng các cấp, chính quyền sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân vượt qua được khó khăn, tiếp tục bám biển” - ông Trần Công Lụa chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trắng tay sau chuyến biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO