(QNO) - Trong lúc tại bang Connecticut của Mỹ đang diễn ra các hoạt động tưởng niệm 27 nạn nhân (trong đó có 20 trẻ em thiệt mạng) trong vụ thảm sát kinh hoàng và đau lòng tại trường tiểu học Sandy Hook một lần nữa châm ngòi cho những tranh cãi về quyền sở hữu hay kiểm soát súng ống tại nước này.
Các buổi lễ tưởng niệm nạn nhân của vụ thảm sát tại bang Connecticut. |
Hiện nay, nước Mỹ được biết đến là quốc gia có tỷ lệ vũ khí trên đầu người cao nhất thế giới. Súng ống được mua rất dễ dàng ở Mỹ. Theo thống kê, với dân số hiện tại khoảng 315 triệu người, ở Mỹ hiện có tới hơn 270 triệu khẩu súng các loại. Nước Mỹ cũng đứng đầu thế giới với trung bình mỗi năm có khoảng 100 nghìn người thương vong do súng đạn. Thực tế, không phải đến vụ thảm sát lần này người Mỹ mới tranh cãi về quyền sở hữu và sử dụng cũng như vấn đề kiểm soát súng ống. Đây là vấn đề rất nan giải bởi quyền sở hữu súng ống của người Mỹ đã được ghi rất rõ ràng trong hiến pháp kể từ khi nước này được thành lập năm 1783. Người dân Mỹ trong xã hội hiện nay sử dụng súng vì mục đích thể thao, tự vệ, giải trí… Sản xuất súng ống cũng là ngành công nghiệp khổng lồ của Mỹ mà khách hàng lớn nhất là quân đội Mỹ. Ngay trong bản Tuyên ngôn nhân quyền của nước Mỹ cũng nêu rõ: một quân đội được tổ chức nghiêm chỉnh là điều rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, nên quyền lợi của dân chúng phải được đảm bảo và việc sử dụng vũ khí sẽ không bị phương hại.
Do đó, vấn đề cấm sử dụng súng ống tại nước Mỹ là điều khó có thể xảy ra. Việc kiểm soát, sử dụng súng ống như thế nào đang là vấn đề tranh cãi ngay trong Quốc hội Mỹ với 2 quan điểm trái ngược. Trong khi Đảng Dân chủ ủng hộ việc cấm các loại súng có độ sát thương cao thì Đảng Cộng hòa lại phản đối. Hay như Đảng Dân chủ ủng hộ tăng cường các biện pháp quản lý sở hữu súng như cấm đối tượng sử dụng là những người có tiền án tiền sự hoặc kiểm tra ít nhất 2 tuần một lần những người sở hữu súng thì lại nhận được quan điểm trái chiều của Đảng Cộng hòa. Ví như vào năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm 10 năm đối với việc buôn bán và sở hữu 19 loại vũ khí tấn công, khi đó Đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội. Đến năm 2004, đạo luật này hết hiệu lực và từ đó đến nay phe Cộng hòa vẫn phản đối mạnh mọi đề xuất kêu gọi kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán súng trong khi Hiệp hội súng quốc gia (NRA), với khoảng 4,5 triệu hội viên, thì cho rằng mọi biện pháp hạn chế súng đạn là vi phạm quyền hiến định của người dân. Việc sửa đổi quyền sở hữu, sử dụng súng ống cũng đồng nghĩa với việc sửa đổi hiến pháp nước Mỹ.
Đầu tuần này, phe Dân chủ tại Thượng viện muốn tái gia hạn lệnh này, trong đó có bà Dianne Feinstein, Thượng nghị sĩ của California. Bà tuyên bố sẽ trình dự luật kiểm soát súng vào ngày đầu tiên của kỳ họp Quốc hội vào tháng tới. Theo các chuyên gia phân tích, dự luật này sẽ gặp nhiều khó khăn từ sự phản đối của phe Cộng hòa. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố New York, ông Michael Bloomberg đã như khẩn nài Tổng thống Obama và Quốc hội đồng ý về biện pháp kiểm soát gắt gao hơn trong cả nước: “Đã đến lúc thông qua lệnh cấm sử dụng vũ khí tấn công một cách khả thi và hiệu quả - một lệnh không có lỗ hổng và không dễ né tránh”. Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đến thành phố Newtown (bang Connecticut) để dự lễ cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát đã nhấn mạnh rằng, nước Mỹ không thể chấp nhận để thảm kịch như vậy xảy ra lần nữa. Ông cam kết sẽ sử dụng mọi quyền lực tổng thống của mình ngăn chặn các vụ thảm sát bằng súng.
Rõ ràng, sử dụng súng ống là một điều không thể thiếu ở Mỹ, đó cũng là một trong những đặc điểm văn hóa nước Mỹ đã có từ lâu nay và vẫn được nhiều người cổ súy cho đến nay.
ĐỨC BÌNH