Trao truyền ký ức

ĐĂNG QUANG 26/03/2018 09:26

Những ký ức sống dậy trong câu chuyện kể lại hay nó vẫn sống cùng hơi thở chúng ta? Dường như gồm cả vậy mà cũng chưa hẳn vậy.

Cách đây tròn 92 năm, người con ưu tú của xứ Quảng - Chí sĩ Phan Châu Trinh qua đời khiến đồng bào cả nước xót thương, đồng thời làm dậy lên cảm thức về lòng yêu nước nồng nàn. Chuyện kể về cụ Phan, về ngày ấy còn thấm trong trang sách cũ. Tư tưởng của cụ Phan sẽ sống mãi cùng với mệnh đề “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, có ý nghĩa ngay cả với sự nghiệp giáo dục quốc dân ngày nay. Mang một khát vọng “những sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ”, lời ước của cụ Phan Châu Trinh cũng sống với chúng ta hôm nay, rằng “Ước học hành mở cho xứng đáng/ đừng vẽ hình vẽ dạng cho qua/ công thương kỹ nghệ chuyên khoa/trí tri cách vật cho ta theo cùng/ cuộc điều dưỡng mở trong dân sự/ nẻo giao thông tứ xứ sơn lâm/ làm cho bá tánh yên tâm/ làm cho kinh tế càng năm càng giàu”...

Ký ức, nói như một danh ngôn là nó tạo ra vườn địa đàng trong nó, nhưng quên đi điều hay, theo điều dở, là tự mình để cuốn vào cõi gió bụi rồi. Sẽ có một phản đề rằng thời cụ Phan khác thời nay, và chúng ta đều là những đứa trẻ thơ trong cái thế giới lịch sử huyền thoại mà mình chưa từng sống trong đó, lấy gì so sánh? Nhưng quả thật, nếu đi theo ước vọng của cụ Phan Châu Trinh một cách đúng đắn, chúng ta đỡ phải loay hoay tìm đường cho giáo dục, để đến nỗi bây giờ còn “vẽ hình vẽ dạng” đủ kiểu (!). Ký ức, bằng cả lịch sử và cộng đồng, sao không tiếp nối trao truyền để có một “thiên đường” giáo dục?

Giáo dục không chỉ nằm ở thực nghiệm mà còn ở trải nghiệm văn hóa. Xứ Quảng cả thế kỷ đi qua từ thời cụ Phan đến nay trải bao câu chuyện thăng trầm cùng lịch sử. Ký ức còn đó với những anh hùng thời chiến, những mất mát và đau thương thời bom đạn, nhắc lại để giáo dục về giá trị của hòa bình. Ký ức  về buổi bình minh vùng đất còn lắm đói nghèo, lạc hậu giờ là “đất lành chim đậu” cho du lịch và đầu tư. Hay như Hội An, vừa kỷ niệm 10 năm lên thành phố, ký ức sống dậy cả thương cảng xa xưa, phố cổ, cả bến đò, dòng sông và nếp sống “nhân tình thuần hậu”. Ký ức Hội An là làng trong phố, phố trong làng, rừng dừa, bãi biển, cánh chim yến, trái bắp, cọng rau ngát hương đồng nội... Hội An đã sống với những ký ức đó, và bằng ký ức cho người ta sự trở về, trao truyền yêu thương. Nếu không còn ký ức, Hội An sẽ chỉ còn là một “siêu thị” để bán mua với dịch vụ du lịch, chạy theo cơn lốc thị trường để kiếm tiền rồi... chết. Thực tế, không ít vùng đất đã và đang bị cắt rời quá khứ, “bán” hết cả ký ức. Không dưng mà có nhiều cảnh báo Đà Lạt đang nóng lên, khô khan đi vì những mảnh hồn quá khứ bị vỡ ra trong cơn lốc đô thị hóa. Không dưng mà gần đây Đà Nẵng cũng chộn rộn từ Sơn Trà rồi tới Nam Ô mọc lên resort, có cơ xóa mất ký ức vùng đất châu Ô với di tích về Huyền Trân công chúa. Làm sao để giáo dục cho con cháu mai sau về tình yêu quê hương, lòng biết ơn với tiền nhân, nếu di sản văn hóa bị xóa mờ tất cả?

Đành rằng, không thể mọi thứ ký ức đều phải sống với thời hiện tại. Có ký ức cần xóa đi như cái nghèo và lạc hậu. Có thứ phải xây nền cho tương lai. Hôm nay sẽ là ký ức của ngày mai. Như Chu Lai cát trắng hoang vu giờ dựng lên cả khu kinh tế năng động, giải quyết kế sách cho công ăn việc làm và khát vọng đổi đời. Tuy nhiên, dù đổi thay thế nào thì chiếc neo ký ức vẫn cần giữ lại cho Chu Lai, ít nhất là cái hồn của vùng đất trong sinh thái nhân văn, những làng nghề ven biển, tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá Bàn Than, tiếng xào xạc của Trường Giang dưới ánh trăng...

Tháng ba sắp trôi qua, gợi nhắc về sự trao truyền ký ức, từ giáo dục đến văn hóa. Để, ước vọng người là hoa của đất, biết chưng cất giá trị ký ức mà ủ sắc hương.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trao truyền ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO