Trầy trật với các khu tái định cư

TRẦN HỮU 23/06/2017 08:34

Hôm qua (22.6), tại cuộc họp về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề,  HĐND tỉnh nhận định còn quá nhiều lỗ hổng, bất hợp lý về đầu tư, xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

Chưa có đất bố trí tái định cư, chủ đầu tư tạm xây dựng dãy nhà ở tạm dành cho đối tượng bị thu hồi đất tại khu tái định cư xã Duy Hải.
Chưa có đất bố trí tái định cư, chủ đầu tư tạm xây dựng dãy nhà ở tạm dành cho đối tượng bị thu hồi đất tại khu tái định cư xã Duy Hải.

Bất cập trong quy hoạch

Sau khi đi thị sát các khu TĐC Tam Quang, Tam Hiệp (Núi Thành), các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Cửa Đại, Cẩm An (TP.Hội An) và các xã Tam Ngọc, phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ), Đoàn giám sát của HĐND tỉnh nhận định, công tác quản lý quy hoạch chưa tuân thủ nghiêm túc dẫn đến điều chỉnh nhiều lần, phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan. Đáng chú ý có địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất công cộng, công viên cây xanh như ở địa bàn xã Tam Hiệp thành đất thương mại, đất ở. Hầu hết khu TĐC chưa đầu tư các thiết chế văn hóa công cộng, thiếu quỹ đất phục vụ sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của người dân.

Từ năm 2010 đến nay, tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh là 13.792ha, phục vụ cho 1.215 dự án với tổng giá trị BT- hỗ trợ, TĐC 5.724 tỷ đồng. Có tổng cộng 68.612 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 2.434 hộ bị giải tỏa trắng, diện tích bố trí đất TĐC hơn 55ha.

Ông Mai Văn Tám - Phó Chánh Thanh tra tỉnh nhìn nhận, quy hoạch các khu TĐC có lợi cho nhà đầu tư, nhưng bất lợi cho sản xuất của người dân. Nhà đầu tư chọn địa điểm xây dựng các khu TĐC thường ít tốn kém về chi phí bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng ngặt một nỗi đây là “vùng trắng” đất sản xuất. Thực tế nhiều khu TĐC người dân không thiết tha vào ở. Theo Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên môi trường, về nguyên tắc, việc xây dựng các khu TĐC do chính quyền địa phương làm, song thực tế trên địa bàn tỉnh gần như nhà đầu tư đứng ra xây hết. Tại thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) có 22 hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng dự án đường dẫn phía nam cầu Cửa Đại vẫn chưa có đất bố trí TĐC, dù người dân đã nhận tiền BT. Lẽ ra trước khi GPMB, theo quy trình TĐC phải xây dựng trước nhưng thời gian qua ở nhiều nơi TĐC được tiến hành song song với tổ chức thực hiện dự án, thậm chí triển khai theo quy trình ngược. Khu TĐC thôn Đồng Hành (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) hình thành nhiều năm nhưng mới chỉ có mỗi một hộ dân ra sinh sống. Tương tự, khu TĐC Tam Quang, hơn 5 năm qua cũng chỉ bố trí được 5 hộ dân ra ở.

Năm 2017, ngân sách tỉnh chi 300 tỷ đồng đầu tư các khu TĐC dự án trọng điểm vùng đông, song đến nay vẫn còn nhiều khu dở dang. Điển hình, khu TĐC đường ĐT607 chưa hoàn thiện mặt đường; khu TĐC Tam Hiệp giai đoạn 2 chưa đấu nối hệ thống thoát nước mưa, cấp điện chiếu sáng chưa hoàn chỉnh; các khu Lệ Sơn, Duy Hải; làng chài Cẩm An (TP.Hội An) chưa có nước sạch để dùng.

Rà soát, tháo gỡ bất cập

Bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, có một số khu TĐC bỏ hoang, ví như khu TĐC Tam Quang do chưa dự báo đúng thu hút đầu tư. Chính quyền địa phương, chủ đầu tư khẩn trương giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân. Quản lý nghiêm ngặt quy hoạch dự án được duyệt, nhất là đối với đất công cộng, công viên cây xanh... Nhiều ý kiến cho rằng, phải rà soát lại toàn bộ các khu TĐC xem vướng mắc ở đâu tháo gỡ đến đó. Thời gian đến, các dự án TĐC xây dựng phải đa dạng hóa các vị trí, suất đầu tư, diện tích lô đất phù hợp với điều kiện thực tế (thu nhập, ngành nghề, tập quán sản xuất...) ở từng vùng miền cụ thể. Thêm vào đó, huy động các nguồn lực hỗ trợ khác để giảm thiểu giá thành lô TĐC, kể cả lô phụ. Bố trí TĐC đảm bảo nguyên tắc xây dựng các điểm, khu TĐC phải được ưu tiên trong chuỗi quy trình thực hiện nhiệm vụ BT, GPMB; bố trí TĐC trước khi triển khai dự án. Đặc biệt, nhiều giải pháp căn cơ đã được lưu ý như hỗ trợ sinh kế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân khi vào nơi ở mới. Kêu gọi các doanh nghiệp có dự án đầu tư ưu tiên giải quyết lao động tại khu vực bị giải tỏa; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề theo nguyện vọng thực tế của người dân.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thường xuyên rà soát, tổng kết thực tiễn để tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về BT - hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất. Điều chỉnh bảng giá đất thời kỳ 2015 - 2019, đơn giá BT để sát với thị trường, hạn chế sự chênh lệch giữa các vùng giáp ranh; cơ chế hỗ trợ để giảm giá thành lô TĐC. Theo bà Trần Thị Bích Thu - Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, để công tác TĐC đi vào nền nếp, thì công tác BT - hỗ trợ, GPMB cần công khai minh bạch, nhất quán xuyên suốt trong thực thi chính sách. Bên cạnh đó, sớm làm rõ vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai với tư cách là chủ đầu tư các dự án TĐC.  

Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu phải bổ sung vấn đề an sinh gắn với ngành nghề truyền thống của người dân, xây dựng đầy đủ các thiết chế văn hóa, trung tâm chợ tại các khu TĐC. Đối với chính quyền địa phương, cần thường xuyên kiểm tra giám sát, giải quyết kịp thời những vấn đề bức bách, phát sinh, hạn chế thấp nhất các trường hợp khiếu nại, tố cáo làm phức tạp tình hình an ninh tại địa phương. Và nữa, chính quyền phải quản lý chặt chẽ hiện trạng, quy hoạch không gian sống TĐC có chất lượng vì lợi ích người dân được đặt lên hàng đầu. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng, cơi nới lấn chiếm đất đai trái phép...

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trầy trật với các khu tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO