Trên hành trình đổi mới

ALĂNG NGƯỚC 26/08/2015 09:19

Ngày mai 27.8, Đảng bộ huyện Đông Giang chính thức khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nhiệm kỳ qua, cùng với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Đảng bộ huyện Đông Giang chú trọng công tác giảm nghèo, xây dựng đội ngũ cán bộ, đưa địa phương từng bước đi lên trên hành trình đổi mới.

Diện mạo khởi sắc của thị trấn P’rao, Đông Giang.                                           Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Diện mạo khởi sắc của thị trấn P’rao, Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Xây dựng Đảng vững mạnh

Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện Đông Giang đạt 79,85 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 31 nghìn tấn; bình quân lương thực trên đầu người 258kg/năm; giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 51 tỷ đồng... Theo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đông Giang phấn đấu đưa tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm 4 - 6,5%; thu ngân sách hơn 300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hàng năm 25 triệu đồng; phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020...

Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong xây dựng kế hoạch công tác trọng tâm, huyện ủy chú trọng khâu đào tạo và sử dụng cán bộ có hiệu quả. Theo đó, địa phương chủ động xây dựng quy hoạch, thường xuyên thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, nhất là nguồn cán bộ kế cận cho các chức danh lãnh đạo, quản lý. “Từ các khâu quy hoạch cho đến chế độ, chính sách đối với cán bộ luôn được Đông Giang thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Chúng tôi cũng luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ về chuyên môn, chính trị, nâng cao năng lực cá nhân. Trên cơ sở đó, mọi công tác bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ luôn được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo dân chủ, khách quan, đáp ứng yêu cầu. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ của địa phương ngày càng trẻ hóa, chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, phát huy được tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao” - ông Bằng nói.

Trong phương thức lãnh đạo, Huyện ủy Đông Giang đổi mới cách ra nghị quyết cũng như việc chỉ đạo triển khai thực hiện theo hướng sát với tình hình thực tế của địa phương, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Qua triển khai thực hiện đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của tập thể, cán bộ, đảng viên, cùng đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nhiều cơ quan, đơn vị đã rà soát, bổ sung, xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, tạo sự lan tỏa sâu rộng trên các mặt cải cách thủ tục hành chính, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng và trách nhiệm thực thi công vụ, nâng chất lượng dạy và học... “Đảng bộ huyện Đông Giang hiện có 45 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 1.809 đảng viên (nhiệm kỳ 2010 - 2015 toàn đảng bộ kết nạp được 670 đảng viên - PV). Trong công tác xây dựng Đảng, chúng tôi tập trung hướng về cơ sở, đánh giá chất lượng và đúng thực chất. Nhờ đó, địa phương đã từng bước khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, đảm bảo nâng cao chất lượng các tổ chức đảng ở cơ sở. Nhờ vậy, số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm của huyện chiếm 60,4%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trung bình 81,9%. Đảng vững mạnh, cán bộ có năng lực, công tác phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của địa phương cũng từ đó thuận lợi hơn” - ông Bằng cho biết.

Đồng bào vùng cao Đông Giang làm ruộng lúa nước.
Đồng bào vùng cao Đông Giang làm ruộng lúa nước.

Nỗ lực giảm nghèo

Nằm ở “cửa ngõ” của vùng tây bắc Quảng Nam, lại giáp TP.Đà Nẵng với trục đường Hồ Chí Minh, Đông Giang đã biết dựa vào tiềm năng, huy động nội lực, đón đầu cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài hình thành các vùng sản xuất tập trung với các loại cây chủ lực như keo, cao su, Đông Giang còn chú trọng đến việc mở rộng và duy trì mô hình chăn nuôi để giảm nghèo. Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, những năm qua nền kinh tế địa phương tăng trưởng khá với quy mô, chất lượng và giá trị ngày càng tăng. Cùng với việc đầu tư, hỗ trợ mô hình trồng chuối tập trung tại địa bàn các xã Sông Kôn, Jơ Ngây, Za Hung, Kà Dăng,... với hơn 700ha, địa phương còn mở rộng phát triển trồng cây chè ở xã Ba và xã Tư với diện tích hơn 200ha, năng suất bình quân hàng năm 15tấn/ha… “Bên cạnh kết hợp các mô hình kinh tế chủ lực, chúng tôi đẩy mạnh hình thành và liên kết các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp với đan lát mây tre, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu để cung ứng ra thị trường. Trong đó, chú trọng phát triển và đẩy mạnh thương hiệu cho 2 sản phẩm tiêu biểu mang tính đặc trưng của địa phương là chè xanh Quyết Thắng tại xã Ba và ớt Ariêu ở xã Ma Cooih” - ông Tài chia sẻ.

Đường sá thông thoáng.
Đường sá thông thoáng.

Cùng với công tác hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế theo các mô hình trọng điểm, những năm qua, từ các chương trình, chính sách của Chính phủ dành cho miền núi, huyện Đông Giang đã triển khai giao khoán rừng cho hơn 3.100 hộ và cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ, hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích hơn 40 nghìn héc ta. Địa phương cũng đã triển khai 3 khâu đột phá đem lại kết quả bước đầu trong việc hình thành một số trang trại nông - lâm kết hợp; tập trung phát triển nhóm cây, con chủ lực và nâng cao năng lực cho người dân cùng đội ngũ cán bộ cơ sở địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo theo chuẩn mới. “Nhờ các chương trình phát triển kinh tế, 5 năm qua tỷ lệ hộ nghèo của Đông Giang giảm bình quân mỗi năm 6,04%; dự kiến đến cuối năm 2015 giảm còn 28,5%; thu nhập bình quân đầu người hơn 12,7 triệu đồng” - ông Tài cho biết thêm.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên hành trình đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO