Trên mảnh đất thành đồng

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - VĂN HÀO 27/03/2015 08:28

Nước vẫn chảy dưới chân cầu Ái Nghĩa, sông vẫn xanh và người vẫn đang miệt mài chắt chiu những phù sa. 40 năm góp sức dựng xây, đất và người Đại Lộc đang vươn ra biển lớn...

Đền tưởng niệm Trường An. Ảnh: THÀNH CÔNG
Đền tưởng niệm Trường An. Ảnh: THÀNH CÔNG

Dưới chân Đền tưởng niệm

Ngã tư Ái Nghĩa một ngày cuối tháng Ba, xe cộ vẫn ngược xuôi nêm chặt dưới cái nắng hừng hực đến khô người. Ngược lên Đại Quang, cách Ái Nghĩa chừng 5 cây số, chúng tôi tìm về Đền tưởng niệm Trường An, nơi ghi dấu những đóng góp máu xương của biết bao thế hệ nhân sĩ, hiền tài và những người đã ngã xuống cho mảnh đất này. Hai mươi năm kể từ khi được khánh thành, rêu cỏ đã kịp phủ xanh nền đá, dưới bóng của tượng đài soi xuống phía thị trấn xa. Cũng là chừng đó năm, Đền tưởng niệm Trường An trở thành “địa chỉ đỏ” cho những người con Đại Lộc hôm nay trở về tri ân, ghi nhớ về một quá khứ hào hùng của mảnh đất quê hương những ngày hoa lửa.

Khánh thành vào năm 1995, Đền tưởng niệm Trường An là nơi ghi nhớ công lao của các bậc tiền bối và những anh hùng liệt sĩ Đại Lộc từ khi mở đất đến ngày giải phóng. Dưới chân đài tưởng niệm nằm trong khuôn viên của đền, ngoài danh sách các bậc hiền tài chí sĩ, là tên tuổi của những liệt sĩ đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước và 12 huyện, thị của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cùng với 107 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Lộc. Trên văn bia đặt trước đền, là con số thống kê gần 7.000 liệt sĩ, 269 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Đại Lộc qua hai cuộc kháng chiến trường chinh và 20 năm dựng xây quê hương, tính đến ngày khánh thành đền. Đủ để biết, những xanh bãi xanh dâu, những nhộn nhịp của sắc màu phố thị hôm nay là biết bao máu xương đã đổ xuống. Đó cũng là niềm tự hào lấp lánh trong sự tri ân thành kính của người Đại Lộc hôm nay. Nhất là vào những ngày cuối tháng Ba, khi mỗi nẻo đường rợp đỏ màu cờ kỷ niệm ngày quê hương Đại Lộc hoàn toàn giải phóng.

“40 năm giải phóng, quá nửa đời người với biết bao đổi thay trên vùng quê hoa lửa. Những hố bom hóa ruộng cày, bờ bãi dọc sông cũng đã ngút ngàn xanh nhờ bàn tay chắt chiu của những người con Đại Lộc. Từ hạt phù sa trong lũ, cây trái cứ thế mọc lên, ươm mầm cho khát vọng hồi sinh”.

Thăm Đền tưởng niệm Trường An, sẽ không ít người dừng lại ở bức tranh 6 cô gái sông Bung được khắc trên đá đặt dưới chân đền. “Sáu cô gái giỏi sông Bung/ Trường Sơn vang dội một vùng chiến khu” (thơ khắc trên trên bia đá) không chỉ là huyền tích, mà còn là niềm tự hào của vùng đất cách mạng Đại Lộc. Chúng tôi may mắn tìm gặp được cô Hồ Thị Tám, người nữ thanh niên xung phong trong tiểu đội 6 cô gái sông Bung ngày ấy. Cô Tám giờ đã tuổi 70, sống vui vầy với cháu con trong nếp nhà nhỏ nằm gần Trường Tiểu học Lê Thị Xuyến, xã Đại Hòa. Tuổi đã cao, nhưng mới nhắc nhớ về chiến tranh, về những con đò mà cô Tám cùng đồng đội đã miệt mài ngược xuôi dọc sông Bung suốt những năm tháng kháng chiến, ánh mắt người cựu nữ thanh niên xung phong lại sáng lên. Cô Tám kể, niềm may mắn hiện tại là trong số 6 người của tiểu đội, giờ vẫn còn 5 người còn sống. Ngày Quốc tế phụ nữ (8.3) vừa rồi, các cô đã có dịp hạnh ngộ trong ngày gặp mặt cựu thanh niên xung phong, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng ngày ấy. “Giữa đạn bom thời đó, có bao giờ cô nghĩ mình sẽ hy sinh không?” - tôi hỏi. Cô Tám cười giòn tan: “Chiến trường còn nổ súng, cô còn mang xách cứu thương chạy đến. Rứa thôi!”. “Rứa thôi”, mà cô và đồng đội ngược xuôi gần 10 năm trời trên sông Bung, qua biết bao khoảnh khắc mà cái chết chỉ cách một bước chân, chân chất như lời thề trung thành với cách mạng, với Đảng ngày ấy. Chân chất mà như có lửa, giữa đạn bom và ác liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ, cô Tám và 5 người nữ đồng đội đều đặn tải thương, chuyển hàng ngược xuôi suốt dòng sông Bung làm nên một mảnh ghép anh hùng trong trang sử của huyện nhà bước qua cuộc chiến…

Từ những phù sa

40 năm giải phóng, quá nửa đời người với biết bao đổi thay trên vùng quê hoa lửa. Những hố bom hóa ruộng cày, bờ bãi dọc sông cũng đã ngút ngàn xanh nhờ bàn tay chắt chiu của những người con Đại Lộc. Từ hạt phù sa trong lũ, cây trái cứ thế mọc lên, ươm mầm cho khát vọng hồi sinh. Này là vựa rau Bàu Tròn, này là cánh đồng dưới chân cầu Hà Nha, thứ tưới tắm cho đất trở mình là chính giọt mồ hôi người nông dân qua biết bao năm tháng, bao thăng trầm. Họ, những con người trong tổng số hơn một vạn dân trở về khi Đại Lộc giải phóng, mới hiểu hết những nhọc nhằn đã trải cho màu xanh hôm nay. Chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Hữu Mai, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, cũng là nguyên Bí thư Huyện ủy Đại Lộc. Ông kể, trong thời chiến, vùng đất Đại Lộc ác liệt đến độ “cá ăn phải máu, chim quên lối vườn”. Ngừng tiếng súng, trong số 128 thôn trên toàn huyện, chỉ còn 15 thôn có màu xanh. Hơn một vạn dân từ các ấp chiến lược, vùng sơ tán đổ về. Chính quyền cách mạng đã phải căng mình ổn định đời sống, bước đầu tổ chức sản xuất và nuôi dân trong suốt 6 tháng liền. Bốn tháng đầu tiên sau giải phóng, đã có hơn 400 du kích, dân quân hy sinh vì cuốc phải bom mìn khi khai hoang. Nhờ quyết tâm bằng mồ hôi và máu xương ấy, ngay từ năm 1975 Đại Lộc đã sản xuất được lúa 3 vụ, với vụ lúa xuân hè đầu tiên thành công ở Thượng Đức, tự túc được lương thực tại chỗ. Giai đoạn 1978-1984, Đại Lộc cũng là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện mô hình hợp tác xã trên toàn huyện sớm nhất tỉnh. “Thời đó, khi chủ trương đổi mới còn mới manh nha, chúng tôi đã mạnh dạn thực hiện ba khoán: khoán diện tích, khoán năng suất và công điểm, khoán vật tư phân bón cho Hợp tác xã Đại Minh ngay từ vụ đông xuân năm 1979 -1980. Nhờ đó mà Đại Lộc dẫn đầu về năng suất, sản lượng. Liên tiếp những năm sau đó, chủ trương giao đất, chia đất, xóa hình thức hợp tác xã theo cung cách cũ, thực hiện khoán vốn, bảo tồn vốn và có lãi, huy động tổng lực sức dân, nông nghiệp dần trở thành thế mạnh chủ lực của Đại Lộc” - ông Mai nhớ lại.

Chuyên canh cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng mở cho phát triển lợi thế nông nghiệp ở Bàu Tròn. Ảnh: C.V
Chuyên canh cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng mở cho phát triển lợi thế nông nghiệp ở Bàu Tròn. Ảnh: C.V

Gian khó vẫn chưa vơi, khi hầu như năm nào vùng quê này cũng căng mình ra với lũ. Nhưng sau lũ, chính giọt phù sa được chắt chiu cho mùa màng, để rồi hình thành những vùng chuyên canh rau màu hiệu quả cao. Vựa rau Bàu Tròn (xã Đại An) nay đã nức tiếng, với trình độ thâm canh, chuyên canh ngày càng cao. Ông Nguyễn Hữu Phương, người dân thôn Bàu Tròn chia sẻ: “Mấy chục năm làm nông, dân ở đây đã tích cóp được nhiều kinh nghiệm để đối phó với lũ, tận dụng phù sa trồng cây rau, cây màu. Nghề nông nuôi sống dân Bàu Tròn, nhiều hộ kinh tế khá lên chỉ nhờ trồng rau”. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, diện tích rau tại Bàu Tròn (xã Đại An) chiếm 47ha với hơn 100 hộ canh tác, trong đó có 48 hộ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP (23,5ha). Cây rau là hiện là nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân nơi đây. Trong tương lai, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người dân mở rộng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. “Hôm qua 26.3, Nhà sơ chế rau Bàu Tròn do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại An khai thác, quản lý đã khai trương và đi vào hoạt động. Các hộ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ có điều kiện để mở rộng thị trường, người tiêu dùng càng yên tâm với chất lượng sản phẩm vì các dịch vụ sơ chế, đóng gói, bảo quản, dán nhãn mác… được thực hiện ngay tại Nhà sơ chế rau Bàu Tròn” - ông Mẫn nói.

Bàu Tròn đang là ví dụ điển hình của mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo hướng mở cho người nông dân Đại Lộc hôm nay. Rồi sẽ lan tỏa những vùng chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn, như hào khí những năm tháng đã qua lan tỏa đời đời, viết thêm những trang huyền sử trên Mảnh Đất Thành Đồng.

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên mảnh đất thành đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO