Mảnh đất Tam Xuân (huyện Núi Thành) là nơi năm xưa Tỉnh ủy tổ chức họp và đi đến quyết định vô cùng quan trọng: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền vào tháng 8.1945. Theo thời gian, phát huy sức mạnh nội tại, vùng đất này đã gặt hái được nhiều kết quả trên chặng đường phát triển.
Bia di tích lịch sử cơ sở cách mạng tại vườn nhà ông Ung Bá Tòng được xây dựng năm 2016.Ảnh: HÀN GIANG |
Bài học lòng dân
Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, thực hiện sự chỉ đạo của Phủ ủy và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tam Kỳ, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã Tam Xuân được thành lập. Các tổ chức quần chúng ở xã như: Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Đội Nhi đồng Cứu quốc... được xây dựng và củng cố. Hưởng ứng phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ phát động, nhân dân Tam Xuân đã có nhiều hoạt động sôi nổi, đạt được nhiều kết quả và đã nổi lên nhiều tập thể, cá nhân đi đầu trên ba mặt trận này.
Trong phong trào chống giặc đói, nhân dân tích cực đóng góp “Hũ gạo nuôi quân”, “Hũ gạo tiết kiệm chống đói”, lập các quỹ chống đói, cứu đói; tổ chức ngày công lao động lấy tiền ủng hộ cách mạng; đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất với các biện pháp tích cực như động viên toàn dân đẩy mạnh phong trào khai hoang phục hóa các vùng dọc sông Trường Giang, vùng gò đồi, trồng hoa màu ngắn ngày... Với kết quả đạt được, xã Tam Xuân là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào chống đói, cứu đói, đóng góp ủng hộ kháng chiến của Phủ ủy Tam Kỳ. Tiêu biểu trong phong trào này là các làng Vĩnh An, Bích Ngô.
Trong những ngày đầu tháng 8.1945, bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trước tình thế đó, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Ung Bá Tòng (nay là thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2) vào ngày 12 và 13.8.1945 bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành thì chiều 13.8.1945, từ Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vào cấp báo “Nhật Hoàng đã đầu hàng đồng minh”. Cuộc họp chuyển xuống nhà ông Nguyễn Đình Chiến (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1) đêm 13 và ngày 14.8.1945. Nhờ quán triệt Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng về khả năng cuộc khởi nghĩa của ta có thể nổ ra giành thắng lợi, cuộc họp Tỉnh ủy đã đi đến quyết định vô cùng quan trọng: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Đêm 17.8, nhận thấy tình hình biến chuyển thuận lợi, Thường trực Ủy ban bạo động báo cáo và được Thường trực Tỉnh ủy quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An. Đêm 17 rạng sáng 18.8.1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An thắng lợi. Tin tỉnh lỵ Hội An giành chính quyền đã khích lệ mạnh mẽ lực lượng khởi nghĩa các phủ, huyện tiến lên giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Tam Kỳ, với khí thế cách mạng hào hùng, chỉ trong ngày 19.8.1945, xã Tam Xuân đã đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. (Theo “Lịch sử đấu tranh cách mạng của cán bộ và nhân dân xã Tam Xuân giai đoạn 1930 - 1975”) |
Cùng với đó, phong trào chống giặc dốt được đẩy mạnh, Ban bình dân học vụ xã đã có nhiều biện pháp nhằm động viên nhân dân hưởng ứng xóa mù chữ, coi việc xóa mù chữ là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người. Sau một thời gian ngắn, Tam Xuân cơ bản xóa được nạn mù chữ, nhân dân hăng hái, phấn khởi, tích cực tham gia các hoạt động cách mạng. Phong trào xây dựng đời sống mới được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Đi đôi với việc củng cố xây dựng chính quyền cách mạng, công tác xây dựng Đảng được quan tâm đúng mức. Chi bộ Tam Mỹ do đồng chí Võ Văn Quý làm Bí thư vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn, thể hiện vai trò lãnh đạo mọi mặt phong trào cách mạng ở địa phương. Trên cơ sở các quần chúng cách mạng trung kiên từ trước Cách mạng Tháng 8.1945, qua giáo dục rèn luyện, đến cuối năm 1945, chi bộ đã kết nạp được hơn 10 đảng viên. Đây là lực lượng tiên phong, làm nòng cốt, hạt nhân lãnh đạo trong công tác vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào cách mạng trên địa bàn. Hưởng ứng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, ngày 17.2.1946, diễn ra cuộc bầu cử HĐND cấp tỉnh và cấp xã, cử tri ở Tam Xuân cùng cử tri huyện Tam Kỳ đã bầu các đồng chí Lê Thuyết, Phan Thị Nễ, Khưu Thúc Cự và Trịnh Hữu Phu làm đại biểu HĐND tỉnh; còn ở mỗi xã nhân dân bầu ra 20 đại biểu HĐND. Kết quả đó một lần nữa thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, là một thắng lợi lớn trong công tác vận động, tập hợp sức mạnh quần chúng, thể hiện lòng tin của nhân dân vào chế độ mới.
Tiếp nối truyền thống
Đất nước thống nhất. Tiếp nối truyền thống quê hương, nhất là từ sau ngày chia tách đơn vị hành chính (năm 1994), Đảng bộ xã Tam Xuân 1 và Đảng bộ xã Tam Xuân 2 đã tập trung lãnh đạo chính quyền và các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ huy động được sức dân, năm 2015, hai xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2 đã đạt 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 chia sẻ, xác định được khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới đối với một địa phương thuần nông, Đảng ủy xã đã tăng cường vai trò lãnh đạo, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, cơ chế chính sách và cách làm, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho mỗi người dân xác định được vai trò của mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 29,45 tỷ đồng để thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,85%. Những năm qua, Đảng bộ xã Tam Xuân 1 luôn đạt trong sạch vững mạnh, cả hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn; đội ngũ cán bộ, công chức xã được đào tạo đạt chuẩn theo quy định. “Có thể khẳng định, để đạt được những kết quả phát triển như hôm nay, cùng với chủ trương hợp lòng dân thì vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên luôn được phát huy; và tất cả đều được thực hiện theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi” - ông Quân nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, năm 2016 đến nay, Tam Xuân 2 tiếp tục tập trung giữ vững các tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững, đồng thời tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí khác. Theo đó, nhiều tiêu chí đã được quan tâm đầu tư thực hiện và đạt kết quả cao hơn so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như: giao thông, thủy lợi, điện, các thiết chế văn hóa, y tế, 4/4 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,82% (trừ đối tượng bảo trợ xã hội)... “Thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước do Tam Xuân 2 phát động đã tạo động lực thi đua trong các mặt công tác, thúc đẩy nhiều chương trình có tính đột phá, giúp địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Cũng từ kết quả thi đua, việc nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị địa phương được tăng cường, tính chỉ đạo, tổ chức, thực hiện được phát huy tốt. Đáng kể nhất là sau khi Tam Xuân 2 tập trung thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đã từng bước kiện toàn, củng cố bộ máy cán bộ từ thôn đến xã. Ngày càng nhiều vị trí chủ chốt của thôn là đảng viên, quần chúng ưu tú đảm nhiệm. Phong trào thi đua của các chi bộ trong toàn xã được đẩy mạnh, chất lượng đảng viên, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng lên, các chi bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên” - ông Nguyễn Tấn Đồng nói.
HÀN GIANG