Quảng Nam là tỉnh có số người có công (NCC) nhiều nhất nước. Hằng ngày, hằng giờ, các cấp, ngành và người dân đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với NCC trên toàn tỉnh. Tháng 7 này, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, càng có thêm nhiều hoạt động, chương trình lớn hướng đến chăm lo đời sống cho NCC. Phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về các hoạt động trọng tâm trong tháng 7 nhằm tri ân NCC.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. |
PV: Thưa ông, tháng 7.2017 tròn 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, ông có thể cho biết các hoạt động trọng tâm của tỉnh trong “tháng tri ân” này?
Ông Huỳnh Tấn Triều: Đối với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ trong tháng 7.2017, ngay từ đầu năm 2016, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6518. Theo đó, ở cấp tỉnh, việc đầu tiên là tập trung giải quyết tốt chế độ cho NCC, để NCC yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước. Sở đã tập hợp mọi tư liệu cần thiết để xuất bản tập 4 kỷ yếu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (in 1.300 bản), vì hiện nay còn có 8.140 mẹ mới được phong tặng, truy tặng chưa được đưa vào kỷ yếu. Công tác tôn tạo mộ chí, nghĩa trang liệt sĩ thường xuyên được thực hiện, từ các nguồn đầu tư của trung ương, tỉnh, và nguồn hỗ trợ của TP.Đà Nẵng, đã có 70 tỷ đồng được phân bổ cho các địa phương để thực hiện phần việc này.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các đoàn điều dưỡng, nghỉ dưỡng luân phiên được thực hiện thường xuyên. Trong đó, tháng 7 sẽ tổ chức 2 đoàn điều dưỡng, đối tượng được ưu tiên là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một đoàn gồm 85 người sẽ đi Thanh Hóa để nghỉ dưỡng và thăm các danh lam thắng cảnh, một đoàn điều dưỡng ngay tại Quảng Nam có 75 người. Đầu tháng 7, lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức đoàn đi thăm tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa, tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho đối tượng chính sách của tỉnh Thanh Hóa và viếng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Hàm Rồng. Đặc biệt, nhân dịp này, UBND tỉnh tặng quà cho NCC trên địa bàn tỉnh, với mức 500 nghìn đồng/người. Lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức đoàn đi thăm, viếng hương ở một số địa chỉ đỏ tiêu biểu. Tỉnh cũng tổ chức một đoàn gồm những NCC tiêu biểu đi dự lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ cấp Trung ương, đồng thời dự Hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang thăm, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: D.LỆ |
Theo tinh thần chỉ đạo chung, ở cấp tỉnh sẽ không thể chức lễ mà chỉ tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện chính sách NCC, đồng thời tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu nhằm tôn vinh NCC. Vào cao điểm những ngày hướng đến kỷ niệm 70 năm, sẽ có 2 chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật phục vụ NCC cũng như nhân dân tại Khu quần thể Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Trong đó, chương trình nghệ thuật do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức vào đêm 18.7 và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng Việt Nam” do Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh niên tổ chức vào đêm 25.7. Tiếp đó, vào đêm 26.7, Tỉnh đoàn tổ chức cho đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Sáng 27.7, đoàn lãnh đạo tỉnh và các địa phương tổ chức lễ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
PV: Một chính sách đang rất được xã hội quan tâm đó là việc thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho NCC theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Hạn chót là trước 27.7 NCC phải có nhà mới. Vậy liệu các địa phương trong tỉnh có thể hoàn thành được đúng tiến độ đã đề ra không, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Triều: Theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam tiếp tục được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa cho những NCC chưa được hỗ trợ theo Đề án 3363 của UBND tỉnh do thiếu kinh phí. Hạn chót mà UBND tỉnh đưa ra là trước ngày 27.7.2017 tất cả nhà ở đều phải hoàn thành và sẽ tạm dừng thực hiện chế độ này đến khi nào tiếp tục có nguồn kinh phí. Đến nay, các địa phương vào cuộc rất quyết liệt và đã hoàn thành gần 20.000 nhà (sửa chữa và xây mới), còn khoảng 2.000 nhà sẽ hoàn thành trước 27.7. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ 70 nhà của TP.Đà Nẵng (60 triệu đồng/nhà) và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hỗ trợ 10 nhà (50 triệu đồng/nhà), tỉnh sẽ ưu tiên dành cho những NCC có nhu cầu bức thiết về nhà ở, đã được các địa phương đề xuất bổ sung vào Đề án 3363 nhưng chưa được phê duyệt. Tỉnh cũng đã đề nghị các địa phương trong tỉnh tùy theo nguồn lực vận động, kêu gọi, xã hội hóa mà hỗ trợ thêm cho NCC tiếp tục xây dựng và sửa chữa nhà ở, giúp NCC được ở trong những ngôi nhà kiên cố, an cư.
PV: Đến thời điểm này, một vấn đề cần được giải quyết là hồ sơ tồn đọng của NCC. Vậy việc giải quyết hồ sơ tồn đọng của tỉnh đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Triều: Hồ sơ tồn đọng cần được hiểu là những hồ sơ không đủ giấy tờ, căn cứ pháp lý để giải quyết nên cần phải bổ sung, xin ý kiến cấp trên giải quyết. Đến thời điểm này, còn 15 hồ sơ liệt sĩ qua nhiều năm chưa giải quyết được do vướng mắc về thủ tục. Đối với vấn đề này, tỉnh đã xin chủ trương giải quyết theo hướng bổ sung 2 người làm chứng (phải là người cùng hoạt động, cùng biết về đơn vị chiến đấu của người đã hy sinh). Và người được đề nghị công nhận liệt sĩ phải có điều kiện tiên quyết là trực tiếp chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu. Ngày 29.6, đoàn công tác của Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đã làm việc bước đầu với sở về 15 trường hợp này. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thời gian giải quyết hồ sơ đến cuối năm 2017. Ngoài ra, còn có 50 hồ sơ đề nghị công nhận thương binh không đảm bảo về hồ sơ, thủ tục theo quy định nên vẫn đang được điều tra, xác minh. Sở LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho ý kiến giải quyết theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 28. Theo đó, sẽ thực hiện giám định vết thương thực thể của các đối tượng để làm căn cứ giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng theo đúng quy định.
LÊ DIỄM (thực hiện)