Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp lý hơn 3 tháng nay nhưng chính quyền xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) vẫn cố tình trì hoãn chưa thi hành trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân, khiến vụ việc khiếu nại tiếp tục kéo dài.
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Huỳnh Xuân Thạch trú tại thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) cho biết, Bản án hành chính phúc thẩm số 08/2014/HCPT của TAND tỉnh ngày 29.4.2014 đã kết luận hành vi chậm xác nhận cho ông khai thác, vận chuyển, tiêu thụ keo của UBND xã Tam Xuân 2 là trái quy định của pháp luật và buộc cơ quan này bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 25 triệu đồng. Hơn một tháng sau, ông Thạch làm đơn yêu cầu chính quyền xã bồi thường theo phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, UBND xã đã có Văn bản số 60/UBND ngày 23.6.2014 phúc đáp đơn yêu cầu của ông Thạch, cho hay UBND xã Tam Xuân 2 chưa thể bồi thường trách nhiệm với lý do TAND tỉnh giải quyết thiếu khách quan nên UBND xã đã làm đơn gửi TAND tối cao, Viện KSND tối cao yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm. Thêm nữa, chính quyền xã chờ đợi giải quyết kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm nêu trên nên chưa bồi thường cho ông Thạch.
Ông Huỳnh Xuân Thạch tại rừng keo bị đổ ngã do cơn bão hồi cuối năm ngoái gây ra.Ảnh: T.N |
Căn cứ vào khoản 2, điều 17, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại. Trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường. |
Trước sự trì hoãn nêu trên, ông Huỳnh Xuân Thạch đã làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Núi Thành đề nghị cơ quan này buộc UBND xã Tam Xuân 2 phải bồi thường thiệt hại cho vợ chồng ông với tổng số tiền hơn 25 triệu đồng. Ông Thạch bức xúc nói: “Chúng tôi là công dân tuân thủ pháp luật, mọi việc trắng đen đã được tòa phán xử rồi, chỉ mong chính quyền cơ sở sớm thi hành án để quyền lợi của gia đình không bị thiệt. Không ngờ xã lại tìm cách né tránh, không chịu thi hành án”.
Giải thích nguyên do vì sao bản án có hiệu lực mà chính quyền địa phương vẫn chưa thi hành, ông Nguyễn Đăng Hưởng - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho rằng, bản án phúc thẩm không đúng tình tiết pháp lý nên chưa thể bồi thường, vì đang chờ TAND tối cao giám đốc thẩm. Trong khi đó, ông Trần Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định, sở dĩ địa phương chưa thi hành bồi thường là do chưa có tiền ngân sách chi trả. Nếu Nhà nước chi tiền trước nhưng sau này bản án có thay đổi, địa phương rất khó truy thu lại tiền. Theo luật sư Phạm Xuân Linh (Văn phòng luật sư Phụng Công thuộc Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng), UBND xã Tam Xuân 2 vẫn buộc phải thi hành Bản án hành chính phúc thẩm số 08/2014/HCPT ngày 29.4.2014 của TAND tỉnh đã có hiệu lực pháp luật. Còn về việc UBND xã Tam Xuân 2 cho rằng, bản án hành chính phúc thẩm nêu trên không đúng quy định của pháp luật, xã có quyền đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét kháng nghị theo quy định của pháp luật mà không có quyền tạm dừng thi hành bản án nêu trên khi chưa có quyết định của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao.
TRẦN NGUYỄN