Quảng Nam đang chủ động triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đây là cơ hội lớn để hiện đại hóa nghề cá của tỉnh.
Thêm 92 tàu xa bờ
Bộ NN&PTNT vừa phân bổ các chỉ tiêu đóng mới và cải hoán tàu cá cho các tỉnh, thành có nghề cá. Theo đó, Quảng Nam sẽ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đóng mới hoặc cải hoán 92 tàu, gồm 83 tàu khai thác hải sản và 9 tàu thực hiện hậu cần trên biển. Đến nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đăng ký đóng mới và cải hoán 115 tàu cá, trong đó có 41 tàu vỏ thép và 74 tàu vỏ gỗ. Một tín hiệu vui là hiện tại Quảng Nam đã có 9 ngư dân đăng ký vay vốn để đóng tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển bởi đến thời điểm này, cả tỉnh chưa có tàu nào làm dịch vụ hậu cần đúng nghĩa.
Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP sẽ giúp Quảng Nam tăng thêm các tàu sản xuất ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.Ảnh: N.Q.V |
Mới đây, tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các sở, ban ngành và địa phương có nghề cá của tỉnh, nhiều ý kiến băn khoăn. Ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói: “Đến thời điểm này, hơn 90% trong số 360 tàu thuyền của huyện có công suất dưới 90CV. Quen sản xuất gần bờ lâu nay, khi sở hữu được tàu lớn rồi ngư dân có ăn nên làm ra không hay sản xuất cầm chừng rồi thất bại. Dù có được hỗ trợ vốn vay nhưng ngư dân cũng phải trả 1% lãi suất/năm. Bởi vậy, địa phương chưa dám quyết liệt triển khai nghị định này”. ông Lê Phước Hoài Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình thì cho biết: “Ngư dân trên địa bàn khao khát được sở hữu con tàu lớn để vươn khơi nên chắc chắn sẽ nắm bắt cơ hội này. Chỉ lo khi khu neo đậu tàu cá mà âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) thì quá xa nên rất bất tiện”.
Cần triển khai hiệu quả
Sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa Sở NN&PTNT cho biết, trên cơ sở các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngành thủy sản đang phối hợp với các ban ngành và địa phương ven biển để tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về một số chính sách phát triển thủy sản của tỉnh. Theo quy định này, Quảng Nam sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa trên biển. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có công suất 400 - 800CV, 60 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có công suất 800CV trở lên khi vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra phục vụ các tàu đang sản xuất tại các vùng biển xa. |
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn là làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ và triển khai nghị định có hiệu quả? Ông Võ Văn Năm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trước hết nên lựa chọn một số ngư dân làm thí điểm thực hiện đóng mới tàu vỏ thép hoặc làm bằng vật liệu mới rồi triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh. Theo đó, nên giao cho UBND huyện Núi Thành lựa chọn ngư dân đóng mới 4 tàu vỏ thép hoặc vỏ composite; ngư dân huyện Thăng Bình đóng mới 2 tàu vỏ thép hoặc vỏ composite. Nhiều ý kiến cho rằng việc thí điểm triển khai như vậy là quá chậm. Vì rằng, theo quy định của Bộ NN&PTNT, việc triển khai đóng mới hoặc cải hoán tàu cá sẽ dừng lại vào năm 2016 để sơ kết thí điểm. Có nghĩa là từ nay đến năm 2016, Quảng Nam phải triển khai xong việc đóng mới hoặc cải hoán 92 tàu cá được phân bổ. Về điều này, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng nhiều tỉnh, thành trong cả nước được giao chỉ tiêu đóng tàu nhiều hơn Quảng Nam nhưng còn… xin thêm, lẽ nào chúng ta không thực hiện khẩn trương và hiệu quả việc này. “Quảng Nam sẽ phải thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản của tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả nghị định. Ban chỉ đạo phải tập hợp đầy đủ ngư dân, phổ biến cụ thể các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định, đồng thời khảo sát nhu cầu đóng mới tàu cá, các mẫu tàu cá theo nguyện vọng của ngư dân. Trên cơ sở đánh giá lại tiềm lực phát triển thủy sản của các địa phương, nhu cầu của ngư dân, tỉnh sẽ phân bổ cụ thể 92 tàu cá được đóng mới theo tiêu chuẩn để thực hiện hiệu quả nghị định” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.
Về việc lựa chọn loại tàu nào để phù hợp với tập quán sản xuất của ngư dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho biết chính ngư dân sẽ tham khảo các mẫu thiết kế, cho ý kiến điều chỉnh, thậm chí là vẽ nên mẫu tàu ưng ý. Tỉnh sẽ ứng kinh phí để thông qua ban chỉ đạo được thành lập, ngư dân sẽ đi tham quan và đặt hàng đóng tàu vỏ thép ở các cơ sở có uy tín. Tàu vỏ thép hoặc vỏ composite có các tính năng hoạt động khác xa tàu vỏ gỗ. Bởi vậy, nhiều ngư dân đề xuất nên mở thêm các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng để giúp quản lý tốt hơn tàu cá. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng, ngành thủy sản tỉnh cần nhanh chóng phối hợp với các cơ sở đào tạo được Bộ NN&PTNT chứng nhận để trang bị cho ngư dân cách sử dụng hiệu quả các loại tàu mới. “Nghị định 67/2014/NĐ-CP là cơ hội tốt để Quảng Nam hiện đại hóa nghề cá, tăng số lượng tàu khai thác xa bờ. Điều quan trọng nhất là triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả cao, làm thay đổi diện mạo nghề cá của tỉnh. Khi triển khai, các ngân hàng, ngành thủy sản và các địa phương ven biển cần ưu tiên đánh giá tính hiệu quả về kinh tế của các dự án vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá. Đồng thời các ngành cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để kiện toàn lại các khu neo đậu tránh trú bão, giúp ngư dân yên tâm sản xuất” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT