Triển khai dự án thông luồng ở Tam Hải: Dân chưa đồng thuận

HOÀNG LIÊN 16/11/2017 09:28

Tình trạng sạt lở bờ biển, cửa sông thuộc xã đảo Tam Hải (Núi Thành) khá nghiêm trọng, trong khi đó người dân vẫn chưa đồng thuận với dự án thông luồng, thoát lũ, tận thu cát nhiễm mặn được tỉnh giao cho Công ty Đại Dương Xanh triển khai.

Những gốc dương liễu cổ thụ bị bật gốc ở bờ biển thôn Bình Trung (xã Tam Hải). Ảnh: H.LIÊN
Những gốc dương liễu cổ thụ bị bật gốc ở bờ biển thôn Bình Trung (xã Tam Hải). Ảnh: H.LIÊN

Xâm thực mạnh

Xã đảo Tam Hải, một ốc đảo bao bọc bốn bề là sông nước Trường Giang và biển, với hai cửa Lở và cửa An Hòa. Dòng Trường Giang mang lượng nước lớn đổ về cửa biển; cùng với đó là tình trạng nước biển dâng, sóng biển từng ngày gặm nhấm vào đất liền khiến nhiều khu dân cư nơi đây đối diện với tình trạng sạt lở. Tại các thôn Tân Lập, Thuận An, Bình Trung, có những vị trí xung yếu bị sóng biển tàn phá, xâm thực tới hàng chục mét mỗi năm. Những tháng mưa lũ 2017 này, nạn sạt lở càng diễn biến phức tạp, nặng nề hơn. Trung bình mỗi tháng, sóng biển ngoạm sâu vào 5 - 10m ở những điểm xung yếu khiến nhiều diện tích rừng dương bị tàn phá, nhiều nhà dân đứng trước nguy cơ bị “nuốt chửng” khi chỉ còn cách mép biển chừng chục mét.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, 10 năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực sâu vào đảo đã ở mức báo động, diễn biến sạt lở mạnh về phía nam của xã, nhất là khu vực thôn Bình Trung, có những vị trí xung yếu bị xâm thực đến 50m. Ngay cả thôn Thuận An, sát với thôn Bình Trung mấy năm trước còn có những hàng dừa và phi lao dọc ven biển, nhưng giờ đã bị sóng biển đánh trơ gốc. Ngay cả dự án trồng rừng ngập mặn do Tổ chức CRS tài trợ cũng chẳng thể phát huy hiệu quả, nếu không kè biển. Cũng theo ông Hùng, khu vực từ cửa Lở tới các thôn Tân Lập, Thuận An; từ thôn Đông Tuần qua Tân Lập tới Thuận An đang bị sạt lở nặng. Đoạn từ cửa Lở tới thôn Thuận An hiện chỉ kè cứng được 900m, hơn 2km còn lại đã có dự án chờ triển khai. Từ thôn Đông Tuần qua Tân Lập, chỉ mới kè được 2km, còn 2km từ Tân Lập qua Thuận An chưa được kè. “Địa phương hết sức quan tâm, cử tri luôn kiến nghị song vẫn chưa có nguồn. Cũng mừng là tỉnh vừa có quyết định phân bổ kinh phí hơn 20 tỷ đồng làm lại khu lở. Dự án đang triển khai đóng cọc biển, tức làm thêm một đoạn dài 400m qua Thuận An và kè lại khu vực sạt lở đoạn cuối của bờ kè thôn Tân Lập khoảng 150m. Còn từ thôn Thuận An tới Bình Trung, đã có dự án bờ kè do tỉnh làm chủ đầu tư, địa phương là đơn vị hưởng lợi, song chưa triển khai. Trong khi đó, nỗi lo từ sạt lở bờ sông ở các thôn Đông Tuần, Long Thạnh Tây kéo dài tới khu cửa Lở hiển hiện…

Lo sạt lở tái diễn

Trước nạn sạt lở nghiêm trọng, người dân Tam Hải vui mừng trước dự án “Sửa chữa khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển” tại thôn Tân Lập và Thuận An, với tổng vốn gần 21,5 tỷ đồng (trung ương 20 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư, giai đoạn 2017 - 2018. Mục tiêu dự án bảo vệ tài sản, tính mạng cho gần 200 hộ dân xã đảo, bảo vệ tuyến kè đã được xây dựng, chống xâm thực bờ biển vùng cửa sông khu vực vịnh An Hòa… Nhưng người dân thôn Bình Trung vẫn lo tình trạng sạt lở bờ biển khi dự án “Nạo vét luồng và bãi cạn khu vực cửa Lở” (do Công ty TNHH Đại Dương Xanh làm chủ đầu tư) triển khai. Dự án bước đầu đã gặp sự phản đối từ phía người dân thôn Bình Trung vì lo ngại hoạt động nạo vét luồng lạch và bãi cạn vào mùa mưa sẽ tiếp tục gia tăng tình trạng sạt lở ở khu vực này. Bà Nguyễn Thị Bảy (trú thôn Bình Trung) lo ngại: “Người dân yêu cầu dự án phải xây dựng bờ kè kiên cố rồi mới cho triển khai các công việc hút, nạo vét luồng lạch và bãi cạn. Ai cũng lo khu vực này tiếp tục sạt lở và yêu cầu tỉnh, huyện phải cam kết trước dân về tiến độ triển khai bờ kè và dự án, ngoài cam kết của công ty”.

Một căn nhà bị thiệt hại nằm sát biển. Ảnh: H.LIÊN
Một căn nhà bị thiệt hại nằm sát biển. Ảnh: H.LIÊN

Cách đó không lâu, Sở GT-VT phối hợp với chính quyền huyện Núi Thành, xã Tam Hải tổ chức đối thoại với dân, giải thích rõ mục tiêu của dự án song vẫn gặp trở ngại. “Chúng tôi mừng vì có dự án kè, nhưng cái mà ai nấy đều lo là công ty, chính quyền các cấp phải nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường ở vùng dự án, giải thích rõ để chúng tôi yên tâm. Chúng tôi lo nhà cửa, vườn tược tiếp tục sạt lở, rồi biết đi đâu” - bà Bảy nói. Dẫn chúng tôi thực địa cả cây số bờ kè dã chiến bằng mành tre, cọc tre mà Công ty Đại Dương Xanh triển khai ở đoạn xung yếu, ông Võ Minh Công (trú thôn Bình Trung) nói: “Bờ kè này chỉ cần sóng to, gió lớn đã xiêu vẹo, làm sao giữ đất được. Cây cổ thụ còn bị đánh bật gốc nữa là. Sóng gió ở đây vào mùa mưa lũ khủng khiếp lắm. Cái cồn bãi kia nạo vét tới mấy tháng mới xong, ai cũng lo nếu bay cái cồn cát đó thì mức độ sạt lở sẽ tới mức nào”. Nỗi lo của ông Công và người dân sống ở vùng bị sạt lở là có cơ sở bởi người dân vùng “đầu sóng ngọn gió” này từng chứng kiến bao biến cố thăng trầm của mảnh đất mà họ bám trụ nhiều đời.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, đây là dự án thông luồng, thoát lũ, tận thu cát nhiễm mặn được tỉnh giao cho Công ty Đại Dương Xanh triển khai. Công ty đứng ra kè lại đoạn đang sạt lở nặng của thôn Bình Trung với chiều dài chừng 1km. Cũng theo ông Hùng, vừa qua chính quyền xã Tam Hải, huyện Núi Thành phối hợp với Sở GT-VT đối thoại với dân, song vẫn chưa ngã ngũ. Thời gian tới, chính quyền xã, huyện cũng sẽ tăng cường vận động, giải thích, phối hợp với các cơ quan ở tỉnh tổ chức đối thoại với dân về dự án. “Người dân lo cũng có cái lý của họ, nhưng giải pháp mà công ty đưa ra đều có sự tính toán khoa học, đã có đánh giá tác động môi trường rồi. Họ sẽ nạo vét luồng lạch, cắt mỏ hàn phía bãi bồi để chỉnh trị dòng, giảm thiểu tác động của dòng chảy vào khu dân cư. Phía xung yếu của khu dân cư Bình Trung sẽ triển khai bờ kè cứng. Tuy nhiên, quan điểm của địa phương là phải qua mùa mưa lũ, khi trời yên biển lặng mới có thể triển khai dự án được, bởi tác động thời điểm này khó lường được hậu quả” - ông Hùng nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai dự án thông luồng ở Tam Hải: Dân chưa đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO