Triển khai Nghị định 17: Ngư dân chưa mặn mà

VIỆT NGUYỄN 14/11/2018 02:22

Nghị định 17 thay thế Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập, giúp ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi sản xuất xa bờ. Tuy nhiên, thực tế triển khai, ngư dân vẫn chưa mặn mà.

Không hỗ trợ đóng tàu vỏ gỗ là một trong những bất cập khi triển khai Nghị định 17. Ảnh: QUANG VIỆT
Không hỗ trợ đóng tàu vỏ gỗ là một trong những bất cập khi triển khai Nghị định 17. Ảnh: QUANG VIỆT

Chuộng tàu vỏ gỗ

Ngư dân Diệp Đình Dũng (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) là người đầu tiên đăng ký đóng tàu theo Nghị định 17. Được ngành thủy sản cho biết Nhà nước chỉ hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, vỏ composite, anh Dũng tỏ ra thất vọng. “Tôi đang sản xuất với tàu vỏ gỗ QNa-95229 hành nghề lưới chụp. Tôi muốn đóng thêm tàu vỏ gỗ khác để sản xuất theo mô hình tàu lớn - tàu bé bổ trợ nhau. Tôi không có ý định sở hữu tàu vỏ thép, vỏ composite nên dừng dự án” - anh Dũng nói.

Theo ngư dân, tàu vỏ thép, vỏ composite hiện đại hơn tàu vỏ gỗ nhưng các mẫu tàu đều bị lỗi thiết kế. Trong đó, do độ nặng của phần mũi và phần lái quá chênh lệch nên chủ tàu bắt buộc phải giằng thép hoặc bê tông khiến cho quá trình sản xuất tốn thêm nhiều nhiên liệu. Nhiều lỗi thiết kế khác cũng chưa được khắc phục nên ngư dân không mặn mà. “Tàu vỏ thép, vỏ composite sản xuất không hiệu quả. Có tàu này phải neo đậu ở cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) vừa tốn tiền vừa tốn công vì Quảng Nam chưa có chỗ neo đậu và luồng lạch bị cạn ở Cửa Đại rất khó ra vào. Tôi chuộng tàu vỏ gỗ vì năng động, linh hoạt, sản xuất thuận lợi hơn” - anh Dũng nói.

Khi Nghị đinh 17 có hiệu lực, 21 ngư dân đến Chi cục Thủy sản Quảng Nam đăng ký đóng tàu. Đến nay, chỉ còn 2 ngư dân là Lê Đức Việt và Đinh Văn Khoa (cùng trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) đăng ký. Trao đổi với chúng tôi, anh Việt không biết chắc là có theo đến cùng để thực hiện dự án đóng tàu rồi nhận hỗ trợ theo Nghị định 17 không. “Tôi phải vay vốn 6 - 7 tỷ đồng của ngân hàng thì mới có thể đóng tàu vỏ thép có giá trị hơn 15 tỷ đồng. Ngân hàng có thỏa thuận cho vay nhưng thủ tục rườm rà quá. Vay được vốn thì đóng tàu còn không thì... thôi” - anh Việt nói. Tương tự, anh Khoa cho biết, không thể tự huy động vốn lên đến 15 tỷ đồng để đóng tàu xong rồi nhận hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng.

Khó khả thi

Khó chuyển nhượng tàu vỏ thép
Theo BIDV chi nhánh Quảng Nam - ngân hàng thương mại cho ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh, Thăng Bình) vay vốn đóng tàu vỏ thép QNa-95997 thì ông Thu đã không còn khát khao bám biển, tàu vỏ thép nằm bờ bấy lâu nay thì nên vận dụng Nghị định 17 về nội dung chuyển tàu cá cho ngư dân khác nếu các bên thống nhất thỏa thuận. Về việc này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, khó thực hiện bởi khó có ngư dân nào dám chuyển nhượng lại tàu vỏ thép QN-95997 bị trục trặc bấy lâu nay. “Ở kỳ họp của Ban chỉ đạo Nghị định 17 sắp tới, nhiều bất cập triển khai chính sách hỗ trợ đóng tàu sẽ được bàn thảo, tìm giải pháp khắc phục cũng như kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn” - ông Tấn nói.

Theo ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam), Nghị định 17 ra đời nhằm khắc phục các bất cập của Nghị định 67, kỳ vọng tạo luồng sinh khí mới giúp ngư dân đóng được tàu lớn, sản xuất thuận lợi hơn, làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng đến nay lại... đánh đố ngư dân. “Làm sao ngư dân có thể tự huy động được nguồn vốn lên đến 15 tỷ đồng để đóng tàu xong rồi nhận hỗ trợ 35% giá trị con tàu. Số lượng ngư dân theo đuổi dự án đóng tàu theo Nghị định 17 giảm dần là do họ không còn kỳ vọng về chính sách, về khả năng của mình” - ông Toàn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, có rất nhiều ngư dân đã hiểu sai về Nghị định 17. Nghị định 17 hỗ trợ ngư dân sau đầu tư. Còn với Nghị định 67, ngư dân được ngân hàng cho vay vốn chiếm 95% giá trị con tàu và được Nhà nước cấp bù lãi suất vốn vay. “Khi hiểu ra khác biệt giữa 2 nghị định, ngư dân đã dừng dự án vì biết không thể thực hiện dù trước đó họ hăng hái đăng ký tham gia” - ông Thịnh nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ tháng 3 đến nay, công tác tuyên truyền ngư dân đóng tàu theo Nghị định 17 được thực hiện khẩn trương ở khắp 6 địa phương có nghề cá của tỉnh. Ngành nông nghiệp đã giúp ngư dân lập phương án sản xuất nghề cá khả thi để họ có thể vay vốn của ngân hàng, đóng tàu trước rồi trả nợ sau khi được nhận hỗ trợ sau đầu tư. Qua các tổ đoàn kết, các nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân cũng đã được vận động góp chung vốn để đóng tàu lớn nhưng chưa khả thi vì ngư dân quen với lối làm ăn riêng lẻ. Vì thế, 29/92 chỉ tiêu đóng tàu lớn theo phân bổ của Trung ương, Quảng Nam khó thực hiện.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Nghị định 17: Ngư dân chưa mặn mà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO