Ách tắc giải ngân vốn phát sinh ngoài dự toán đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đang khiến ngư dân như ngồi trên lửa bởi chưa thể ra khơi.
Tàu vỏ thép của ngư dân Đỗ Văn Tiến nằm bờ vì chưa thanh toán xong nợ với chủ cơ sở đóng tàu vỏ thép. Ảnh: QUANG VIỆT |
Phát sinh nguồn vốn
Ngư dân Phạm Văn Tư (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình), chủ tàu vỏ thép QNa-95977 theo nghề lưới rê hỗn hợp rơi vào cảnh thất nghiệp từ hơn 2 tháng nay. Trước đó, tàu của ông Tư đã sản xuất được 2 chuyến ở ngư trường Hoàng Sa sau khi được hạ thủy vào ngày 5.5.2016. “Tôi và các bạn biển đều rất phấn khởi vì cả hai lần ra khơi bám biển đều thu được kết quả tốt. Vậy nhưng, chừ nằm bờ mà vẫn phải trả tiền công thuê lao động nên rất bức bối. Cả tôi và các bạn biển đều chỉ mong được giải tỏa áp lực để được trở lại khai thác hải sản” - ông Tư chia sẻ.
Sau 2 năm theo đuổi dự án đóng tàu vỏ thép bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 89, ông Tư được Ngân hàng Đầu tư phát triển Quảng Nam (BIDV Quảng Nam) ký hợp đồng vay vốn và giải ngân 13,2 tỷ đồng để hoàn thành con tàu có công suất 822CV. Sau khi hạ thủy, tàu cá QNa-95977 đang hoạt động thuận lợi thì bất ngờ vướng phải vấn đề phát sinh. Khi đóng tàu, cả ông Tư lẫn chủ cơ sở đóng tàu là Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (Nam Định) và BIDV Quảng Nam thống nhất dùng máy phát điện cũ trên tàu vì họ được lựa chọn giữa máy cũ và máy mới. Đùng một cái, qua sửa đổi từ Nghị định 67 sang 89, máy phát điện cũ không được sử dụng, chủ tàu phải thay máy mới, phát sinh thêm 420 triệu đồng. Nghề lưới rê hỗn hợp của ông Tư không thể sản xuất quanh năm, phải kiêm nghề bắt lươn nên trang bị thêm ngư lưới cụ cùng với một số thiết bị hỗ trợ. Tổng chi phí phát sinh thêm trên tàu cá của ông Tư là 2,5 tỷ đồng. “Tôi đánh bắt hải sản được 2 chuyến thì các chủ nợ yêu cầu phải thanh toán xong các khoản nợ mới được tiếp tục ra khơi. Tôi đề xuất BIDV giải ngân thì ngân hàng nói là đang chờ quyết định của Trung ương. Khi được giải ngân vốn phát sinh, thanh toán xong nợ tôi mới bám biển được” - ông Tư nói.
Lẽ ra những ngày này ngư dân Đỗ Văn Tiến (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) - chủ tàu vỏ thép có công suất 822CV theo nghề lưới rê ra khơi cùng các bạn biển. Ông Tiến đã đóng được tàu vỏ thép bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 89 từ BIDV Quảng Nam. Vậy nhưng, cũng vì ách tắc giải ngân vốn vay phát sinh nên ông Tiến lâm vào cảnh phải thanh toán xong nợ mới được ra khơi. “Sau khi hoàn thành con tàu, tôi nhận thấy ca bin của tàu quá thấp, không thể chủ động khi điều khiển lái tàu nên đề xuất ngân hàng sửa chữa lỗi thiết kế. Ngoài ra, quy định được dùng máy phát điện cũ đã bị thay thế bằng cách phải trang bị máy phát điện mới hoàn toàn nên tôi cũng bị động thay thế. Chừ cơ sở đóng tàu vỏ thép yêu cầu phải thanh toán món nợ 800 triệu đồng mới được ra khơi. Tôi lâm vào thế bí khi ngân hàng cho rằng phải chờ quyết định của Ngân hàng Nhà nước mới được giải ngân” - ông Tiến nói.
Không dễ giải quyết
Cái thế tiến thoái lưỡng nan của các ngư dân đã đóng xong tàu vỏ thép mà chưa thể ra khơi không dễ giải quyết được trong ngày một ngày hai. Ông Phạm Văn Tư cho biết, tàu cá QNa-95977 cần đủ 10 lao động mới ra khơi sản xuất thuận lợi. Vậy nên, để giữ chân lao động nghề biển, từ tháng 5 đến nay, đã phải ứng trước cho mỗi lao động 80 triệu đồng, tính cho thời gian làm bạn biển từ tháng 5 cho đến hết năm 2016. Theo giao kèo, mặc dù 2 tháng nay không đi biển nhưng ông Tư đã phải trả tổng cộng 200 triệu đồng cho các “bạn”. “Thiếu thốn lao động nghề biển có tay nghề cao đã khiến cho nhiều chủ tàu phải sốt sắng mời lao động. Theo thỏa thuận, mình đã trả trước tiền công sản xuất cho họ rồi chừ rất khó thương thảo lấy lại khi không thể ra khơi. Nếu đà này tiếp tục thì chúng tôi không biết có cách gì để cứu vãn” - ông Tư nói. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Lãm (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) - người đã thỏa thuận đi biển trong năm nay với chủ tàu Đỗ Văn Tiến cho biết: “Theo giao kèo, tôi không thể nhận lời mời đi biển với chủ tàu khác khi anh Tiến chưa thể ra khơi mấy tháng nay. Điều cần thiết nhất là phải ra khơi sản xuất. Mặc dù tôi vẫn nhận tiền trong mỗi tháng nhưng không vui vẻ chi nên có thể phải trả lại cho chủ tàu. Mà như vậy thì đời sống của gia đình tôi sẽ khó khăn”.
Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam cho hay, ngân hàng thương mại rất muốn nhanh chóng giải ngân số vốn phát sinh cho các chủ tàu kể trên nhưng do vướng nên đành chờ. Vì rằng, vốn vay đóng tàu vỏ thép là nguồn vốn vay ưu đãi, Nhà nước trả 5% lãi suất còn chủ tàu chỉ đóng 1% lãi suất còn lại. Trong khi đó, trước khi đóng tàu thì dự toán kinh phí đã được Bộ Tài chính phê duyệt, bây giờ muốn giải ngân vốn phát sinh thì phải chờ Trung ương kiểm định có đúng phát sinh chừng đó vốn không. Quá trình kiểm tra, thẩm định không phải nói là xong ngay nên cần thời gian giải quyết. “Rõ ràng số vốn phát sinh không nhiều so với tổng dự toán kinh phí, ngân hàng không khó gì để giải ngân. Trong khi đó, chúng tôi rất mong ngư dân nhanh chóng ra khơi, sản xuất tốt để thanh toán đúng hẹn phần vốn định kỳ nhưng rốt cuộc là phải chờ” - bà Nga nói.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 89 của tỉnh cho biết, các trường hợp nói trên là đáng tiếc. Để hỗ trợ ngư dân, Quảng Nam đã gửi báo cáo đến Ngân hàng Nhà nước lẫn Bộ Tài chính, đề nghị Trung ương có văn bản thẩm tra, trả lời để phía ngân hàng thương mại giải ngân phần vốn phát sinh, qua đó ngư dân trả nợ xong, ra khơi bám biển. Nhưng việc đó bao giờ giải quyết xong thì còn bỏ ngỏ.
NGUYỄN QUANG VIỆT