(QNO) - Lần đầu tiên tại La Tour Effel (Đà Nẵng), họa sĩ Việt kiều Nguyễn Trọng Khôi đã mang hơn 30 bức tranh sơn dầu cỡ vừa từ Boston (Mỹ) về trưng bày với công chúng yêu mỹ thuật Đà Nẵng. Khai mạc vào chiều ngày 11.9, phòng tranh này sẽ mở cửa đến 19.9. 2015.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi vốn là người thành đạt trong giới mỹ thuật và trình bày sách báo từ trước 1975 tại Sài Gòn, cùng thế hệ với Hồ Thành Đức, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Đinh Cường... Anh cũng là người chăm sóc mỹ thuật cho báo Tuổi Trẻ từ ngày tờ báo mới ra đời năm 1976. Manchette tạp chí Đất Quảng của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng cũng là một công trình ấn tượng của anh vẫn còn được sử dụng cho đến nay. Cũng trên tạp chí Đất Quảng giai đoạn 1985 - 1988, nhiều minh họa bằng bút sắt của anh cũng được bạn đọc thích thú.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi tại “Triển lãm cuối hè”. |
Sang định cư tại Mỹ, Nguyễn Trọng Khôi tuy sáng tác trong điều kiện eo hẹp nhưng có lẽ anh là một trong những họa sĩ gốc Việt đã sống được nhờ hội họa. Trong vòng 20 năm qua, Nguyễn Trọng Khôi đã có nhiều triển lãm cá nhân tại các trường đại học và các tiểu bang ở Mỹ. Trong 5 năm trở lại đây, anh đã có hai triển lãm cá nhân tại TP.Hồ Chí Minh và đây là lần đầu tiên anh ra mắt công chúng xứ Quảng.
Tham dự lễ khai mạc có đông đủ lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật TP.Đà Nẵng, tạp chí Non Nước và nhiều họa sĩ, văn nghệ sĩ đang sinh sống tại Đà Nẵng, Hội An và Tam Kỳ. Phát biểu tại buổi khai mạc, nhà thơ Nguyễn Duy cho rằng Nguyễn Trọng Khôi là một họa sĩ rất sinh động trong đời sống, nhưng ngược lại những tác phẩm của anh lại luôn ra đời trong sự thầm lặng.
Để có được phòng tranh tại Đà Nẵng, trước đó anh đã miệt mài trong phòng vẽ suốt nhiều tháng ở Boston. “Mỗi bức tranh của tôi là một trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống. Đó là những kỷ niệm ấu thơ, là những cánh chim thiên di thường bay qua vùng trời nơi tôi ở, là người bạn thổi sáo một buổi chiều hôm, là những bé thơ nghèo khó, những thiếu nữ muộn phiền, là những ly tách, bàn ghế, những chai lọ ngay trong phòng làm việc của tôi…” - Nguyễn Trọng Khôi chia sẻ. Nhưng nhìn vào tranh anh, giữa những gam màu tối luôn ẩn chứa ở đâu đó những điểm sáng, những tia sáng như báo hiệu một thông điệp không được thỏa hiệp với bóng tối, ngôn ngữ hội họa của anh luôn nhẹ nhàng, không lên gân nên dễ gây sự đồng cảm. Có những bức Khôi vẽ thật đến nỗi trông như những tấm ảnh chụp, tỉa tót cụ thể đến từng chi tiết nhỏ bằng một kỹ thuật phối màu nhuần nhuyễn, trong suốt. “Càng ngày tôi càng gần với sự tối giản, chân chất như tâm hồn trẻ thơ vẫn thức dậy trong những giấc mơ…” - Khôi nói.
Bởi vậy “Triển lãm cuối hè” của Nguyễn Trọng Khôi đã thổi một luồng gió mới vào sinh hoạt mỹ thuật tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG