Vào những năm 1980, dòng người ồ ạt đổ về các huyện miền núi Quảng Nam để khai thác vàng sa khoáng. Trong dòng người mưu sinh ấy có không ít tội phạm gây án ở các nơi, nhất là các tỉnh phía Bắc hóa thân núp bóng để vừa làm ăn vừa trốn tránh tội lỗi đã gây ra.
Thời điểm đó, hòa trong dòng người di cư về đây, Phạm Duy Thục cũng lặng lẽ cất căn chòi ở bìa rừng thôn 2, xã Zuôih (huyện Giằng, nay là Nam Giang) bắt đầu cuộc mưu sinh với nghề buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ phục vụ dân đào đãi vàng và người qua lại. Với giọng Bắc nhỏ nhẹ và thái độ niềm nở, Thục đã để lại trong lòng người qua đường những tình cảm mến thương. Nhờ tài tháo vát làm rẫy, nấu rượu, nuôi heo, bán cái bánh, cây kẹo, mắm muối..., cuộc sống của ông ngày càng khấm khá. Sau 16 năm chắt chiu gầy dựng, Thục cất được ngôi nhà khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi; trở thành người giàu có ở cái bản làng xa xôi hẻo lánh này. Tấm lòng rộng mở của Thục không chỉ là cây kẹo, cái bánh cho lũ trẻ trong bản mà còn là những bữa cơm miễn phí cho các cán bộ đi công tác mỗi lúc dừng chân.
Cuộc sống bình dị của Thục cứ mãi trôi theo năm tháng. Trong ánh mắt mọi người, Thục là người rất đáng trân trọng. Ngay cán bộ nơi núi rừng này cũng ghi nhận ở ông niềm sẻ chia lúc lỡ cơm, khát nước dọc đường. Nhưng với các chiến sĩ trinh sát hình sự Công an huyện Giằng thì hình như trong cái bình thường lặng lẽ ấy đang ẩn chứa một điều gì đó không bình thường. Để tìm hiểu điều bí ẩn đằng sau cuộc sống bình lặng của Thục, các trinh sát bắt đầu những cuộc “viếng thăm” thường xuyên, đến độ Thục rất quý mến các anh.
Cho đến một chiều cuối năm, dưới cơn mưa rừng xối xả, hai thanh niên chạy vội vào nhà Thục. Thấy khách quen, Thục vội lo cơm nước. Bữa cơm đạm bạc bên bếp lửa hồng, chủ khách chuyện trò vui vẻ.
- Không biết bác Thục quê đâu nhỉ? Một trong hai thanh niên cất tiếng.
- Tôi quê Phú Thọ, huyện Phong Châu.
- Quê ngoại tôi cũng ở đấy. Ở giữa rừng núi này mà gặp người đồng hương lòng như ấm lại bác nhỉ?
- Quê hương là chùm khế ngọt mà chú! Thục trở nên hồ hởi chân tình hơn sau câu nói ấy.
Cơm nước xong, chủ khách tiếp tục chuyện trò. Qua tâm sự, hai người thanh niên càng hiểu rõ hơn về gốc gác, hoàn cảnh gia đình của ông Thục - người đã 16 năm rời xa quê vào mưu sinh lập nghiệp nơi rừng thiêng nước độc sống tuổi về già.
Đêm lặng lẽ trôi đi. Trời hừng sáng, Thục dậy sớm nấu cơm. Hai người khách cũng dậy sưởi ấm chuyện trò mà trong lòng giường như có cuộc giằng xé khó nói suốt đêm qua.
Đoạn người thanh niên dụi cây củi vào tro bếp, khẽ nói với ông Thục:
- Trong cuộc đời chắc bác chưa bao giờ đối mặt với sự thật?
- Tôi chưa hiểu ý chú.
- Chúng tôi muốn nói là 16 năm trước, bác đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (cũ) tuyên phạt 10 năm tù về tội “trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa” nhưng bác đã bỏ trốn.
- Các chú là…
- Chúng tôi là trinh sát hình sự Công an huyện Giằng.
Ông Thục choáng váng ngã ngồi xuống. Một lúc sau ông trấn tĩnh đối mặt với sự thật. Ông nói:
- Sao các chú không bắt tôi ngay những lần đầu gặp mặt?
- Thật ra bắt một người như bác ở nơi này không khó. Những ngày qua, chúng tôi đã tìm hiểu xem từ sau khi bỏ trốn đến nay bác có phạm tội gì nữa không. Đã 16 năm qua, bác sống nơi núi rừng hẻo lánh này với sự lương thiện không vấy thêm một tội phạm nào nữa và còn giúp người, giúp đời nhiều việc nên là điều kiện giảm nhẹ hình phạt cho bác, chúng tôi sẽ đề nghị khi chuyển giao bác về cố hương.
- Được vậy thì quý hóa quá. Tôi cảm ơn hai chú. Dù sao thì các chú cũng đã giúp tôi đối mặt với sự thật mà tôi chưa bao giờ dám.
Ba ngày sau, ông Thục chính thức rời cánh rừng Zuôih đầy nắng gió đã 16 năm cưu mang ông. Dù bỏ lại đằng sau một cơ ngơi với bao mồ hôi công sức nhưng ông Thục vẫn cảm thấy lòng nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân để trở về cố hương đối mặt với sự thật về bản án buộc ông phải chấp hành.
THANH NGHỊ