Tạo cơ hội, trao “cần câu” cho người khuyết tật (NKT) đang là cách làm được cộng đồng hướng đến. Đây là hướng đi đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở một số địa phương, chuyển từ sự trợ giúp “mang tính từ thiện” sang “tính bền vững”, tạo cho NKT những cơ hội cần thiết.
|
Ông Huỳnh Ngọc Dự (xã Tam Giang, Núi Thành) trên chiếc ghe và ngư lưới cụ đầu tư từ một phần hỗ trợ của dự án. |
Tạo cơ hội
Điển hình làm tốt vai trò cầu nối để tìm đến những dự án của các tổ chức nước ngoài dành cho NKT là Hội NKT huyện Đại Lộc. Cuối năm 2013, Hội NKT Đại Lộc đã tranh thủ được sự tài trợ của tổ chức Nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Úc (Apheda), mở 2 lớp đào tạo mộc mỹ nghệ và sản xuất chổi đót cho NKT trên địa bàn huyện, mỗi lớp 10 học viên. Theo ông Trương Tấn Bửu - Chủ tịch Hội NKT huyện Đại Lộc, khi đã “xin” được dự án, có kinh phí, nhưng vấn đề chọn nghề để đào tạo là việc quan trọng. “Từ thực tế của địa phương, chúng tôi nhận thấy, điều kiện của NKT rất hợp với việc đào tạo nghề mộc mỹ nghệ và sản xuất chổi đót. Với chổi đót, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này khá lớn, nguồn nguyên liệu ở địa phương dồi dào. Đặc biệt, làm chổi đót thì NKT có thể tự sản xuất tại gia đình, không đòi hỏi phải có nhà xưởng hay tập trung để sản xuất. Vì thế, hội chọn nghề này. Nếu thành công sẽ tiếp tục vận động nhà tài trợ mở thêm nhiều lớp nữa” - ông Bửu cho biết. Trước đó, Hội NKT huyện đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH mở lớp đào tạo nghề may cho 31 NKT. Đến nay, khoảng 30% học viên đã đi làm có thu nhập từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng tại các công ty, xí nghiệp. Dự kiến khoảng cuối tháng 5.2014, được sự tài trợ của tổ chức Cứu trợ nhân đạo Việt Nam (CRS), hội sẽ mở thêm 2 lớp làm hương và đèn cầy cho khoảng 20 học viên NKT với kinh phí 70 triệu đồng.
Tại Đại Lộc, CRS cũng đang tài trợ thực hiện dự án hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại 5 xã Đại Đồng, Đại Hồng, Đại Hưng, Đại Sơn và Đại Minh. Theo ông Bửu, trên địa bàn huyện Đại lộc mới có khoảng 20 - 25% trẻ khuyết tật có cơ hội được đến lớp theo phương thức hòa nhập. Con số này là quá thấp so với tổng số trẻ em khuyết tật cần đến lớp trên toàn huyện. Bước đầu, CRS đã triển khai các bước của dự án như tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật cho phụ huynh. “Hiện có hơn 100 trẻ khuyết tật không được hòa nhập với cộng đồng. Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát để phân loại, trẻ nào có thể đến lớp được, hội sẽ làm việc với Phòng GD-ĐT để các em đến lớp. Những trẻ không thể đến lớp sẽ có giáo viên đến nhà dạy” - ông Bửu nói thêm.
Trao “cần câu”
Ngoài việc đào tạo nghề, nhiều năm qua, một số tổ chức trong và ngoài nước đã hướng đến việc tạo sinh kế bền vững cho NKT. Dự án hỗ trợ sinh kế dành cho NKT do tổ chức Việt Nam hỗ trợ cho người tàn tật tài trợ tại 2 xã Điện Phước (Điện Bàn) và Tam Giang (Núi Thành) đang phát huy hiệu quả rất tốt. Tại Núi Thành, có 9 NKT nhận được sự tài trợ của dự án với mức 10 triệu đồng/người để góp phần đầu tư hình thức làm ăn phù hợp điều kiện bản thân và gia đình, trong đó có người chọn phát triển chăn nuôi, người mở tiệm sửa chữa điện tử, tiệm tạp hóa… Như ông Huỳnh Ngọc Dự (62 tuổi, thôn Đồng Xuân, xã Tam Giang), cùng với sự hỗ trợ của tổ chức Việt Nam hỗ trợ cho người tàn tật, ông vay vốn hộ nghèo đầu tư mua thêm lưới và đóng mới con thuyền đánh cá sông với tổng trị giá 25 triệu đồng. Ông Dự chia sẻ: “May mắn được đầu tư kinh phí nên vợ chồng tôi có điều kiện để mua lưới, đóng thuyền đánh cá sông. Trung bình mỗi đêm vợ chồng tôi kiếm được 50 - 70 nghìn đồng, dù không nhiều nhưng cũng đủ để chúng tôi ổn định cuộc sống”.
Chị Trần Thị Lệ Hương (Điện Phước, Điện Bàn) đã được mở hướng ổn định kinh tế bền vững với mô hình nuôi gà thả vườn. Ảnh: LỆ ANH |
Hay chị Trần Thị Lệ Hương (xã Điện Phước, Điện Bàn) đã chọn hình thức nuôi gà thả vườn. Chị Hương được nhận 45 con gà giống cùng thức ăn chăn nuôi do tổ chức Việt Nam hỗ trợ cho người tàn tật tài trợ. Sau hơn 2 tháng thả nuôi, đàn gà của chị Hương đạt trọng lượng trung bình 1,5kg/con. Với giá bán hiện tại khoảng 90 nghìn đồng/kg, chị Hương thu về số vốn kha khá để tiếp tục thả nuôi lứa tiếp theo. Chị Hương nói: “Tôi có 3 con, đứa giữa đang học đại học, đứa đầu và út đều bị khuyết tật, vợ chồng lại không có công việc ổn định nên đời sống gia đình rất khó khăn. Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức xã hội, gia đình tôi đã có được hướng làm kinh tế cho thu nhập ổn định, chăm lo cho các con”. Ông Lê Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước cho biết, hỗ trợ sinh kế của tổ chức Việt Nam hỗ trợ cho người tàn tật là dự án đầu tiên dành cho NKT đầu tư trên địa bàn xã với 35 hộ được hưởng lợi. Dự án đã thực sự giúp ích rất nhiều cho NKT của xã có điều kiện làm ăn, vươn lên trong cuộc sống ổn định kinh tế bền vững.
------------
Bài cuối: Cần hơn sự chung tay
DIỄM LỆ - VINH ANH